kho bài tập

https://khobaitap.com


VẤN ĐỀ KHAI THÁC LÃNH THỔ THEO CHIỀU SÂU Ở ĐÔNG NAM BỘ

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Khái quát chung
Phạm vi lãnh thổ bao gồm 6 tỉnh, thành phố. Diện tích tự nhiên 23,6 nghìn km2, dân số 12,0 triệu người (2006). Là vùng có diện tích nhỏ, dân số thuộc loại trung bình so với các vùng khác, nhưng dẫn đầu cả nước về tổng sản phẩm (GDP), giá trị sản lượng công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu và đầu tư nước ngoài
tải xuống (3)
Là vùng mà tất cả 6 tỉnh, thành phố đều nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm Nam Bộ, có Thành phố Hồ Chí Minh đông dân nhất cả nước (6,0 triệu người), Thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học - kĩ thuật… đối với vùng và cả nước.
Là vùng có ưu thế về vị trí địa lí, lao động lành nghề, cơ sở vật chất - kĩ thuật, có chính sách phát triển phù hợp, vì vậy kinh tế hàng hóa rất phát triển; cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển hơn hẳn các vùng khác trong cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu là vấn đề tiêu biểu trong sự phát triển của vùng, khai thác lãnh thổ theo chiều sâu được hiểu là nâng cao hiệu quả khai thác lãnh thổ trên cơ sở đầu tư vốn, khoa học công nghệ, nhằm khai thác tố nhất các nguồn tài nguyên, kinh tế - xã hội, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề về xã hội và môi trường
2. Các thế mạnh và hạn chế
- Thế mạnh nổi bật nhất của vùng : Vị trí địa lí thuận lợi, lao động lành nghề đông đảo (đội ngũ cán bộ khoa học, các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học lớn của cả nước) ; cơ sở vật chất - kĩ thuật, cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện ; có khả năng thu hút mạnh đầu tư nước ngoài cùng với chính sách phát triển phù hợp.
- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Đất đỏ ba dan khá màu mỡ (chiếm 40% diện tích tự nhiên của vùng), đất xám bạc màu trên nền phù sa cổ (diện tích nhỏ hơn), tuy đã bị bạc màu nhưng thoát nước tốt lại phân bố trên mặt bằng rộng. Đất đai cùng với khí hậu cận xích đạo, nguồn nước phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên quy mô lớn, tập trung.
Vùng ở rất gần các ngư trường lớn (Cà Mau - Kiên Giang, Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu) ; ven biển có rừng ngập mặn thuận lợi cho phát triển ngành thuỷ hải sản, du lịch sinh thái.
Tài nguyên rừng không lớn, nhưng có các vườn quốc gia nổi tiếng còn bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm (vườn quốc gia Cát Tiên, Bù Gia Mập, Lò Gò - Sa Mát), khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Tài nguyên khoáng sản, nổi bật nhất là dầu khí trên vùng thềm lục địa, sét và cao lanh trên đất liền.
Nguồn thuỷ năng khá lớn trên hệ thống sông Đồng Nai.
- Điều kiện kinh tế - xã hội
Là vùng thu hút mạnh lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật từ các vùng khác đến (công nhân lành nghề, các kĩ sư, các nhà khoa học, các nhà kinh doanh). Mặt khác, đây là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, điều đó càng tạo điều kiện cho vùng tích tụ nguồn tài nguyên chất xám lớn. Vùng thu hút mạnh nhất đầu tư trong và ngoài nước. Cơ sở hạ tầng rất phát triển, nhất là giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
- Hạn chế
Về tự nhiên, đó là mùa khô kéo dài từ cuối tháng 11 đến hết tháng 4 năm sau,  mực nước bị hạ thấp trong các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Về kinh tế - xã hội cũng còn những bất cập giữa yêu cầu phát triển nhanh với thực trạng nền kinh tế...
3. Phương hướng khai thác lãnh thổ theo chiều sâu
a) Trong công nghiệp
Hiện nay, trong cơ cấu công nghiệp của cả nước thì Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất trong các vùng trong cả nước, tập trung nhiều ngành công nghệ cao (luyện kim, điện tử, chế tạo máy, tin học, hoá chất, hoá dược, thực phẩm…). Nhưng nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất công nghiệp chưa đảm bảo.
Vì vậy, phải tăng cường cơ sở năng lượng cho vùng, khai thác có hiệu quả các nhà máy điện hiện có, tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới một số nhà máy điện.
Các nhà máy điện đang hoạt  động là Trị An (400 MW), Thác Mơ (150 MW), Cần Đơn (ở hạ lưu của nhà máy thuỷ điện Thác Mơ), dự án thuỷ điện Thác Mơ mở rộng (75 MW), các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên là trung tâm điện lực Phú Mĩ (Phú Mĩ 1, 2, 3, 4), công suất khoảng 4000 MW và Bà Rịa, Thủ Đức.
Sử dụng nguồn điện từ thuỷ điện Hoà Bình tải vào qua đường dây cao áp 500 kv (Hoà Bình – Phú Lâm, vận hàng giữa năm 1994) đã có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn năng lượng cho vùng; các trạm biến áp và các mạch 500 kv tiếp tục được xây dựng như tuyến Phú Mĩ – Nhà Bè, Nhà Bè – Phú Lâm…
Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với nước ngoài (chú trọng vào các ngành công nghiệp trọng điểm, ngành công nghiệp có quy trình công nghệ cao).
Trong quá trình sản xuất công nghiệp phải chú ý đến tác động làm tổn hại đến môi trường.
b) Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong khu vực dịch vụ
Là vùng dẫn đầu cả nước về sự tăng trưởng và phát triển của các ngành dịch vụ. Để ngành dịch vụ có vị trí ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng, cần tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng (chú trọng đến giao thông vận tải, thông tin liên lạc...).
Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ như ngân hàng, tín dụng, thông tin, bảo hiểm, hàng hải, du lịch...
c) Trong nông - lâm
Thuỷ lợi phải được đặt lên hàng đầu để thoát lũ ở những vùng thấp dọc sông La Ngà, sông Đồng Nai, để giữ nước tưới cho các vùng khô hạn vào mùa khô (nhất là ở Tây Ninh); Sử dụng có hiệu quả công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng (đây là công trình thuỷ lợi lớn nhất nước ta, rộng 270 km2, chứa 1,5 tỉ m3 nước). Dự án thuỷ lợi Hoà Phước (Bình Dương – Bình Phước), mục đích là chia nước của sông Bé cho sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Tây; cung cấp nước sạch cho sinh hoạ và sản xuất.
Thay đổi cơ cấu cây trồng (thay giống cao su cũ của Pháp bằng giống mới của Ma-lai-xi-a, năng suất cao hơn); phát triển cây cà phê, hồ tiêu, điều và các cây công nghiệp hàng năm khác (mía, đậu tương…) ở những nơi có điều kiện thuận lợi.
Đối với lâm nghiệp: bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ được nước ở các hồ chứa, giữ nước ngầm; bảo vệ rừng ngập mặn ven biển (Cần Giờ), các vườn quốc gia...
d) Việc khai thác tổng hợp kinh tế biển
Vùng có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển các ngành kinh tế biển (khai thác tài nguyên sinh vật, khoáng sản, giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch…). Trước hết, cần tập trung vào:
Đẩy mạnh công nghiệp khai thác - chế biến dầu khí ; xây dựng tổ hợp khí - điện - đạm ở Phú xuân, Phú Mỹ và một số nơi có điều kiện thuận lợi ; chú ý giải quyết tốt vấn đề môi trường trong khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí.
Phát triển du lịch biển: Vũng Tàu, là nơi nghỉ mát lí tưởng đồng thời là cơ sở dịch vụ lớn về khai thác dầu khí, lọc – hoá dầu… trong quá trình khai thác, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường để không làm hỏng vẻ đẹp của cảnh quan cho phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam Bộ
Đẩy mạnh việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản, tập trung đánh bắt xa bờ.
Phát triển các cụm cảng nước sâu Sài Gòn – Vũng Tàu ; xây dựng các cầu cảng nối đảo với đất liền...
 e) Về vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ
 Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ bao gồm toàn bộ lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ và 2 tỉnh tỉnh Long An và Tiền Giang (đồng bằng sông Cửu Long)
 Đây là một trong 2 cực phát triển của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm này cần tăng cường đầu tư phát triển vào các hạt nhân chính (Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Vũng Tàu...), sự phát triển nhanh của vùng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả vùng Nam Bộ và cả nước.

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Đông Nam Bộ là vùng có thể phát triển mạnh cả cây công nghiệp lâu năm lẫn cây công nghiệp ngắn ngày nhờ :
              A. Có khí hậu nhiệt đới cận Xích đạo.
                B. Có diện tích đất ba dan và đất xám phù sa cổ rộng lớn.
              C. Có nhiều các cơ sở công nghiệp chế biến.
              D. Người dân có truyền thống kinh nghiệm.
Câu 2.   Có ý nghĩa hàng đầu trong việc khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong nông, lâm nghiệp ở Đông Nam Bộ là:
              A. Giải quyết vấn đề thuỷ lợi.         B. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
              C. Việc trồng và bảo vệ vốn rừng. 
              D. Đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến sản phẩm.
Câu 3.   Tỉnh có nhiều cơ sở công nghiệp năng lượng có quy mô lớn ở Đông Nam Bộ.
              A. TP Hồ Chí Minh.     B. Đồng Nai.                             
              C. Bình Dương.             D. Bà Rịa - Vũng Tàu.
Câu 4.   Trung tâm công nghiệp - dịch vụ gắn với ngành khai thác dầu khí ở Đông Nam Bộ là :
              A. Vũng Tàu.          B. TP Hồ Chí Minh.     
              C. Biên Hoà.          D. Bình Dương.
Câu 5.   Trở ngại lớn nhất đến sự phát triển cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ là :
              A. Thiên tai thường xuyên xảy ra.                               B. Mùa khô kéo dài thiếu nước.
              C. Thiếu lao động lành nghề cho nông nghiệp.
              D. Diện tích đất nông nghiệp đang giảm nhanh.
Câu 6.   Trong việc khai thác lãnh thổ theo bề sâu trong công nghiệp ở Đông Nam Bộ, một vấn đề cần quan tâm thường xuyên là :
              A. Chuyển dịch cơ cấu ngành.        B. Tổ chức không gian lãnh thổ.
              C. Bảo vệ môi trường.                     D. Tăng nhanh sản lượng.
Câu 7.   Các tỉnh mới mới được tăng cường cho vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ từ sau 2001 là
              A. Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang.     
              B. Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre.
              C. Bình Dương, Bình Phước, Long An, Cần Thơ.           
              D. Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An.
Câu 8.   Đây là những giải pháp quan trọng để thay đổi cơ cấu cây trồng ở Đông Nam Bộ.
              A. Phát triển mạnh các cây công nghiệp ngắn ngày, mở rộng diện tích cà phê, hồ tiêu, điều.
              B. Đưa giống cao su có năng suất cao vào trồng, trồng thử nghiệm cây bông vải và cọ dầu.
              C. Thay các rừng cao su già cổi bằng giống cao sản, tăng cường các cây cà phê, hồ tiêu, điều.
              D. Tăng cường diện tích cây cao su có năng suất cao, đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp ngắn ngày. 
Câu 9.   Ngành kinh tế sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu ngành và sự phân hoá lãnh thổ của Đông Nam Bộ trong tương lai sẽ là :
              A. Công nghiệp.                              B. Dịch vụ.  
              C. Kinh tế biển.                               D. Trồng và chế biến cây công nghiệp.
Câu 10. Dựa vào bảng số liệu sau về giá trị sản xuất công nghiệp phân theo khu vực kinh tế của Đông Nam Bộ và cả nước.  (Đơn vị : tỉ đồng)
  Cả nước Đông Nam Bộ
1995 2005 1995 2005
Tống số 103 374 416 863,2 50 508 200 849,9
Công nghiệp quốc doanh 51 990 143 070,1 19.607 54 230,3
Công nghiệp ngoài quốc doanh 25 451 118 867,0 9 942 45 000,1
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 25 993 154 926,1 20 959 101 619,5
              Chọn nhận xét và giải thích đúng nhất về sản xuất công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ:
              A. Đông Nam Bộ luôn chiếm hơn 50% giá trị sản lượng công nghiệp của cả nước do có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
              B. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị sản lượng công nghiệp do thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.
              C. Công nghiệp quốc doanh luôn chiếm tỉ trọng cao và có xu hướng tăng lên do đã thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa sớm.
              D. Công nghiệp ngoài quốc doanh luôn chiếm tỉ trọng cao hơn so với cả nước do có nền kinh tế thị trường phát triển sớm.
Câu 11. Đông Nam Bộ có sức hút mạnh nhất đối với đầu tư nước ngoài nhờ vào lợi thế :
              A. Cảng biển, cơ sở vật chất - kĩ thuật, thị trường.
              B. Lao động kĩ thuật, cơ sở hạ tầng, trung tâm công nghiệp lớn.
              C. Vị trí địa lí, tài nguyên, lao động, cơ sở hạ tầng.
              D. Vị trí địa lí, trung tâm công nghiệp lớn và các thành phố lớn đông dân.
Câu 12. Hồ nhân tạo lớn nhất ở vùng Đông Nam Bộ tính đến năm 2007 là :
              A. Hồ thủy điện Thác Mơ.                                          B. Hồ thủy điện Trị An.
              C. Hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi.                         D. Hồ thủy lợi Dầu Tiếng.
Câu 13. Bảo vệ rừng đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, trước mắt là nhằm :
              A. Phục vụ cho nhu cầu dân dụng và chất đốt ở Thành phố Hồ Chí Minh.
              B. Cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy Tân Mai.
              C. Tăng cường nguồn nước cho hồ thủy điện Trị An.
              D. Bảo vệ các nguồn gen thực - động vật quý hiếm.
Câu 14. Loại đất chiếm khoảng 40% diện tích của vùng Đông Nam Bộ là :
              A. Đất phù sa.                                  B. Đất xám phù sa cổ.
              C. Đất đỏ ba dan.                             D. Đất phe-ra-lit đỏ vàng.
Câu 15. Bảo vệ rừng ngập mặn ở Đông Nam Bộ có ý nghĩa lớn trong việc :
              A. Du lịch sinh thái.                
              B. Bảo tồn những di tích trong kháng chiến chống Mĩ.
              C. Bảo tồn các hệ sinh thái ngập mặn cửa sông.
              D. Cung cấp gỗ củi và nuôi trồng thủy sản.
Câu 16. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài thuộc tỉnh :
              A. Bình Phước.   B. An Giang.       C. Tây Ninh.       D. Đồng Nai.
Câu 17. Nguồn nước khoáng nào dưới đây thuộc vùng Đông Nam Bộ ?
              A. Quang Hanh.  B. Hội Vân.         C. Bình Châu.     D. Mỹ Lâm
Câu 18. Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đều có chung thế mạnh về :
              A. Chăn nuôi gia súc.                      B. Trồng cây công nghiệp.
              C. Dầu mỏ và quặng bô xít.             D. Quặng bôxit và thủy năng.
Câu 19. Cây công nghiệp lâu năm của vùng Đông Nam Bộ chiếm :
              A. Khoảng 1/2 diện tích cây công nghiệp của cả nước.
              B. Khoảng 1/3 diện tích cây công nghiệp của cả nước.
              C. Khoảng 1/4 diện tích cây công nghiệp của cả nước.
              D. Khoảng 1/5 diện tích cây công nghiệp của cả nước.
Câu 20. Biện pháp quan trọng để phát triển cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ là :
              A. Thay giống cây trồng cũ bằng các giống cây trồng mới cho năng suất và sản lượng cao.                                                        B. Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.     
              C. Tăng cường phân bón và thuốc trừ sâu.      D. Mở rộng diện tích cây cà phê.
Câu 21. Trong nhóm cây công nghiệp hằng năm, giữ vị trí quan trọng nhất ở Đông Nam Bộ là :
              A. Lạc, mía.            B. Mía, đậu tương.           C. Đậu tương, bông.         D. Bông, lạc.
Câu 22. Các nhà máy điện đang hoạt động ở vùng Đông Nam Bộ (đến năm 2005) xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ là :
              A. Thác Mơ, Phú Mỹ (1,2,3,4), Trị An, Thủ Đức.
              B. Phú Mỹ (1, 2, 3, 4), Trị An, Thủ Đức, Thác Mơ.
              C. Trị An, Thủ Đức, Thác Mơ, Phú Mỹ (1,2,3,4).
              D. Thủ Đức, Thác Mơ, Phú Mỹ (1,2,3,4), Trị An.
Câu 23. Ngành chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp ở Đông Nam Bộ là :
              A. Công nghiệp thực phẩm.                                         B. Công nghiệp dệt, may mặc.
              C. Công nghiệp hóa chất, phân bón, cao su.                D. Công nghiệp cơ khí - điện tử.
Câu 24. Tỉnh, thành phố có giá trị sản lượng công nghiệp cao nhất ở Đông Nam Bộ là :
              A. Thành phố Hồ Chí Minh.            B. Đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu.
              C. Tỉnh Đồng Nai.                           D. Tỉnh Bình Dương.
Câu 25. Để khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp, Đông Nam Bộ cần phải :
              A. Tăng cường cơ sở năng lượng, đầu tư vào các ngành trọng điểm, giải quyết tốt vấn đề môi trường.
              B. Hình thành các khu công nghiệp mới ở ngoại ô các thành phố lớn.
              C. Đầu tư mạnh vào công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí.
              D. Nâng cấp mạng lưới giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
Câu 26. Năm 2005, mật độ dân số của Đông Nam Bộ :
              A. Cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long.         
              B. Cao hơn mức trung bình của cả nước.
              C. Thấp hơn mức trung bình của cả nước.      
              D. Đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng.
Câu 27. Để khai thác thế mạnh về thủy điện và giao thông vận tải của sông Đồng Nai, cần chú ý:
              A. Bảo vệ rừng đầu nguồn.
              B. Phát triển các đội tàu thuyền và xây dựng hệ thống cảng sông ở những nơi có điều kiện thuận lợi.
              C. Xây dựng thêm một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên các phụ lưu.
              D. Thường xuyên nạo vét lòng sông và cửa sông.
Câu 28. Đầu mối giao thông trên bộ quan trọng nhất của vùng Đông Nam Bộ là :
              A. TP Hồ Chí Minh.       B. TP Biên Hòa.      
              C. TX Đồng Xoài.          D. TX Tây Ninh.
Câu 29. Vùng chuyên canh cây công nghiệp có cơ sở vật chất - kĩ thuật tốt nhất là :
              A. Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.  B. Đông Nam Bộ.
              C. Tây Nguyên.                               D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Câu 30. Trung tâm công nghiệp chuyên ngành ở Đông Nam Bộ có thuận lợi về vị trí địa lí, tài nguyên, lao động và cơ sở hạ tầng là :
              A. Biên Hòa.         B. TP Hồ Chí Minh.
              C. Vũng Tàu.         D. Bình Dương.
Câu 31. Các nhà máy thủy điện không sử dụng nguồn nước của lưu vực sông Đồng Nai là :
              A. Trị An, Đa Nhim.                       B. Hàm Thuận – Đa Mi, Thác Mơ.
              C. Y-a-li, Đrây Hơ-linh.                  D. Đrây Hơ-linh, Hàm Thuận - Đa Mi.
Câu 32. Các nhà máy điện có công suất trên 150 MW xây dựng trên lưu vực sông Đồng Nai (tính đến 12/2005) là :
              A. Thác Mơ, Trị An, Thủ Đức, Y-a-li   B. Thủ Đức, Hàm Thuận - Đa Mi, Thác Mơ.
              C. Phú Mĩ, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi.
              D. Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An, Đa Nhim

C. ĐÁP ÁN
1. B 2. A 3. D 4. A 5. B 6. C
7. D 8. C 9. C 10. B 11. D 12. B
13. C 14. C 15. C 16. C 17. C 18. B
19. B 20. A 21. B 22. B 23. A 24. A
25. A 26. B 27.A 28. B 29. B 30. C
31. C 32. D        

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây