BÀI 3 : ĐẤT NƯỚC (NGUYỄN KHOA ĐIỀM)

Thứ sáu - 25/06/2021 21:03
I/ GIỚI THIỆU
1/ Tác giả :
- Tác giả thuộc thế hệ các nhà thơ thời kì chống Mĩ.
- Thơ ông có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
2/ Tác phẩm
- “Đất nước” là một phần của trường ca “Mặt đường khát vọng” hoàn thành năm 1971, in năm 1974. Tác phẩm viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam. Họ nhận thức về đất nước, về sứ mệnh của tuổi trẻ: xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mĩ.
- Đoạn trích “Đất nước” nằm ở chương V của trường ca này.
II/ CÁC Ý CHÍNH
  1) Cảm nhận riêng của tác giả về đất nước
- Khác với những tác giả khác hay chiêm nghiệm đất nước bằng những hình tượng hoành tráng kì vĩ, Nguyễn Khoa Điềm lại chọn cách thể hiện rất tự nhiên và bình dị:
                       “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
                         …
                         Đất Nước có từ ngày đó”
- Cụm từ “đã có rồi” nhằm khẳng định sự tồn tại hiển nhiên lâu đời là tất yếu của đất nước. Đất có trước khi ta cất tiếng khóc chào đời.
- Cách nói “ngày xửa ngày xưa” ta thường gặp trong phần mở đầu của truyện cổ tích mà người mẹ, người bà hay kể cho ta nghe lúc nhỏ. Đất nước là kho tàng đạo lí tốt đẹp mà dân ta gửi gắm trong truyện cổ tích.
- Đất nước gắn với những phong tục tập quán tạo nên bản sắc dân tộc.
+ “miếng trầu bà ăn” → gợi nhớ sự tích trầu cau, một câu chuyện cảm động về tình cảm vợ chồng chung thủy, tình anh em gắn bó. Đây cũng là hình ảnh “đầu câu chuyện” khi xã giao và là vật không thể thiếu trong lễ hỏi cưới.
 + “Tóc mẹ thì bới sau đầu” là nét giản dị, duyên dáng, đáng yêu của người phụ nữ VN
- Đất nước hiện diện trong tình cảm thủy chung của cha mẹ: “cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Câu thơ gợi nhớ bài ca dao:
                              “Tay nâng chén muối đĩa gừng
                                Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Trong gian khó, đắng cay, cha mẹ sống với nhau bằng lối ứng xử giàu nghĩa, nặng tình.
- Đất nước lớn lên bằng quá trình chiến đấu chống ngoại xâm “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc”. Cây tre là một hình tượng gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt. Khi xưaThánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân. Còn trong thời hiện đại thì  “Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín”(Thép Mới). Vậy nên nhà thơ Nguyễn Duy thốt lên trong xúc động :
   “Thân gầy guộc lá mỏng manh
     Mà sao nên lũy nên thành tre ơi”
→ Cây tre của Nguyễn Khoa Điềm gợi sự liên tưởng sâu xa. Bờ tre kết lại sẽ thành lũy giữ nước, cây tre làm nhà, làm vật dụng sinh hoạt, làm mũi tên, hầm chông, làm gậy đánh giặc.
- Đất nước gắn với quá trình lao động cần cù, gian khó:
                               “cái kèo cái cột thành tên
                                  … xay, giã, giần, sàng”.
+ “Kèo”, “cột” là gỗ hoặc tre nói chung, khi nó được dùng làm nhà thì mới gọi tên là kèo, là cột. Đó là sự sáng tạo của con người.
+ “Một nắng hai sương” là thành ngữ chỉ sự từng trải, khó nhọc của người lao động.
+ Nhịp thơ ngắn, biện pháp liệt kê: “xay, giã, giần, sàng” nhằm cụ thể hóa những công việc phải làm để có được hạt gạo cho đời.
=> Có thể nói Nguyển Khoa Điềm đã đưa đất nước từ “thiên thư”, từ “một mối xa thư đồ sộ”, từ “hai vầng nhật nguyệt chói lòa” ở trên trời, trở về với miếng trầu của bà, mái tóc của mẹ, cây tre trước ngõ, mái nhà ta ở. Cái nhìn mới mẻ ấy gợi sự xúc động cho người đọc. Về nghệ thuật, ta thấy tác giả ghi hoa hai từ Đất Nước là để thể hiện sự trân trọng. Câu thơ xen kẽ dài ngắn, dễ bộc lộ tình cảm tự nhiên theo dòng cảm xúc. Giọng thơ như lời tâm sự gần gũi, thân tình. Ngôn ngữ dùng nhiều chất liệu văn học dân gian.
2) Đất nước được cảm nhận trên nhiều phương diện
- Ở đoạn thơ này, tác giả trả lời cho câu hỏi: đất nước là gì ?
                                  “Đất là nơi anh đến trường
                                    …
                                    làm nên Đất Nước muôn đời”
- Đất nước được cảm nhận ở chiều rộng không gian.
- Tác giả chia tách khái niệm “Đất” và “Nước” thành 2 yếu tố để lí giải và suy tư
                        “Đất là nơi anh đến trường
                                     …
                        Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.
+ Đất nước được nhìn bằng 1 cách cảm nhận thiêng liêng, vừa có tính cá thể, vừa có tính táo bạo. Đất nước là không gian gần gũi “nơi anh đến trường” , “nơi em tắm” . Đó là nơi gắn với kỉ niệm tuổi thơ trong kí ức của mỗi người. Đó có thể là con đường với chiều dài bóng mát ; là mái trường mến yêu chứa chan tình cảm bạn bè, thầy trò ; là những rung động đầu đời với người bạn cùng lớp…
+ Trong mắt người trẻ tuổi, đất nước này còn gắn với 1 cõi đầy thơ mộng chứa bao kỉ niệm của tình yêu dịu ngọt : “nơi ta hò hẹn”, “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Đôi lứa nào mà chẳng có một không gian riêng dành cho nhau. Câu thơ gợi nhớ bài ca dao:
                                     “Khăn thương nhớ ai
                                       khăn rơi xuống đất
                                       khăn thương nhớ ai
                                       khăn vắt lên vai”
=> Đó là tình yêu chung thủy cuả người con gái. Như vậy, ở những câu thơ trên, ta thấy tác giả cảm nhận đất nước qua tình cảm đôi lứa, qua lòng thủy chung sâu sắc, không bao giờ thay lòng đổi dạ của người phụ nữ VN.
- Xét ở phương diện địa lí, đất nước là núi cao, là biển rộng sông dài:
                                     “Đất là nơi …
                                       … dân mình đoàn tụ”.
Nghĩa là theo tác giả, đất nước còn tồn tại ở lời ca tiếng hát câu hò – những sản phẩm nuôi sống tâm hồn người Việt.
-  Đó còn là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam
→ Các điệp từ “là nơi” và việc chia tách 2 yếu tố “Đất” và “Nước” làm cho hình tượng đất nước cụ thể gắn bó với từng người, vừa có ý khái quát chủ quyền của đất nước.
b) Đất nước được cảm nhận theo chiều dài của lịch sử dân tộc.
- Tác giả khẳng định nguồn gốc cao quý – con rồng cháu tiên của dân tộc Việt:
                                      Đất là nơi chim về
                                        … trong bọc trứng”.
- Nhà thơ gợi lại truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trăm trứng nhằm nhắc nhở : cả dân tộc ta đều có chung cội nguồn. Do đó cần yêu thương, đoàn kết với nhau trong mọi hoàn cảnh.
- Đất nước cũng gắn với truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ tổ:
                                     “Hằng năm an đâu làm đâu
                                       cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ tổ”
câu thơ gọi nhớ bài ca dao:
                                     “Dù ai đi ngược về xuôi
                                       Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3”
Từ “cúi đầu” thể hiện sự thành kính tri ân đối với người có công dựng nước. Hằng năm, dân ta thường về đất tổ Phú Thọ để làm lễ giỗ tổ. Gần đây, nhà nước đã chính thức coi ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày quốc giỗ. Nhớ về ngày giỗ tổ, chúng ta cũng nhớ về lời dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nứơc, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
=> NKĐ đã khéo dùng những thần thoại, truyền thuyết tiêu biểu để gợi nhắc lại cội nguồn, hồn thiêng sông núi trong tâm linh mọi người. Nó sẽ làm cho người gần người hơn trong cuộc sống hằng ngày và trong cả công cuộc kháng chiến cứu nước.
c) Trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước.
- Ở đọan thơ này, tác giả cảm nhận ĐN trong đời sống hiện tại, trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Hiện tại ấy chính là cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Vậy nên, tiếng nói của nhà thơ cũng là tiếng nói đầy trách nhiệm của thế hệ thanh niên miền Nam thời ấy:
Trong anh và em hôm nay
.....................................
Làm nên đất nước muôn đời..
- Đất nước là núi sông, là văn hóa xứ sở, là chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, là thành quả lao động chiến đấu của bao người, trong đó có anh và em. Mỗi cá nhân là một thành tố nhỏ, khi hàng triệu thành tố đó góp lại thì sẽ có thể tạo nên ĐN. Cho nên:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước
......................................
Đất Nước trong ta vẹn tròn to lớn.
Đây là ý thơ khá tự nhiên và độc đáo: đôi bạn trẻ yêu nhau mà không nói chuyện riêng tư mà hướng về cộng đồng. “Cầm tay” là một hành động thể hiện một tình cảm vừa thân ái vừa chan hòa. Cầm tay là đã hiểu nhau, thương nhau, là nguyện gắn kết với nhau. Sự gắn kết của tình yêu đôi lứa sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ĐN, và ngược lại, ĐN cũng làm cho tình yêu ấy vững bền hơn. Mà minh chứng rõ ràng nhất là khi “hai đứa cầm tay mọi người” để thể hiện tình đòan kết, sự sẻ chia thì “ĐN vẹn tròn to lớn”. Ý thức cộng đồng ấy đã làm cho tuổi trẻ ở đô thị miền Nam xuống đường tranh đấu để Huế - Sài Gòn – Hà Nội được nối vòng tay lớn trọn dãy sơn hà. Các cụm từ “hài hòa nồng thắm”, “vẹn tròn to lớn” thể hiện niềm ao ước, lòng tự hào của con người khi được đóng góp công sức, tài năng cho ĐN, cho cộng đồng.
Tiếp theo, Đất Nước còn được hiện lên trong sự kì vọng và niềm tin của nhà thơ vào triển vọng sáng tươi trong tương lai :
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp bước ông cha “Gánh vác phần người đi trước để lại” để xây dựng đất nước ta “To đẹp hơn, đàng hoàng hơn” (Hồ Chí Minh). Hai chữ “lớn lên” biểu lộ một niềm tin về trí tuệ và bản lĩnh của những thế hệ mai sau trong hành trình đi tới “những tháng ngày mơ mộng”. “Mơ mộng” nghĩa là rất đẹp, đẹp ngoài trí tưởng tượng về một Việt Nam văn minh, giàu mạnh. “Mai này” nghĩa là điều mơ ước, kì vọng ấy sẽ thành hiện thực trong thời gian rất gần
Từ những cảm nghĩ trên về Đất Nước, tác giả đã đi đến những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân :
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình 
 ... ...Làm nên Đất Nước muôn đời.
 Những câu thơ như một lời tự nhủ, tự dặn mình của nhà thơ và lớn hơn là của cả thế hệ lúc bấy giờ ý thức về bổn phận đối với Đất Nước. Giọng thơ chân thành, tha thiết, nhẹ nhàng như lời thủ thỉ, tâm tình, nhắn nhủ người yêu. Em ơi em là tiếng gọi yêu thương với bao niềm vui sướng đang dâng lên trong lòng. Những từ gắn bó, san sẻ, hoá thân là biểu hiện của trách nhiệm, của lòng yêu nước. Phải biết gắn bó và san sẻ ... phải biết hoá thân ... thì mới có thể Làm nên Đất Nước muôn đời.
Tứ thơ rất đẹp. Đất Nước thân thương gắn bó với mọi người. Phải biết hiến dâng cho “Đất Nước muôn đời”. Đoạn thơ còn đẹp vì sáng ngời niềm tin về tương lai Đất Nước và tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Đoạn thơ mang tính chính luận, chất trữ tình thể hiện một hồn thơ dạt dào cảm xúc và giàu chất suy tư.
- Tác giả hướng suy tư vào cội nguồn, vào sự kế thừa, tiếp nối của các thế hệ. Mỗi thế hệ phải truyền lại tài sản tinh thần và vật chất cho thế hệ sau để làm nên đất nước.
- Tác giả kêu gọi mọi người phải biết “gắn bó”,  “san sẻ”, “hóa thân” để xây dựng đất nước.
=> Tác giả nhìn đất nước ở nhiều góc độ nhưng giản dị và gần gũi đến nỗi nhìn vào đâu ta cũng thấy bóng hình đất nước.
3) Tư tưởng đất nước của nhân dân
- Tư tưởng đất nước của nhân dân thể hiện rõ ở câu:
                             “Để Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân
                               Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”
- Tác giả đã chứng minh tư tưởng đó bằng hàng loạt những dẫn chứng, hình ảnh sự việc con người, câu chuyện dân gian, những chứng tích, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, những tên làng, tên sông, tên núi.
 + Hòn núi vọng phu tạo nên cậu chuyện về tình nghĩa vợ chồng, phản đối chiến tranh.
+ Hòn trống mái cũng là biểu tượng của tình nghĩa vợ chồng đôi lứa.
+ Những ao, đầm lả những vết chân ngựa thánh Gióng đánh giặc Ân.
 + Những ngọn núi quanh đền Hùng lại thành cội nguồn của đất tổ.
+ Nhiều địa danh ghi nhớ công ơn của người mở cõi: ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm.
- ND chính là những người làm ra đất nước. Họ là những chủ nhân đích thực của đất nước.
- Để thể hiện tư tưởng đất nước của nhân dân trong trường kì lịch sử, nhà thơ không nêu tên hay nhắc lại những chiến tích lừng lẫy của những người anh hùng hữu danh mà chỉ chứng minh bằng những anh hùng vô danh: “những cặp vợ chồng”, “ngươi học trò”, “người dân”, “người con gái con trai”.
                                          “Họ đã sống và chết
                                            giản dị và bình tâm
                                            … đã làm ra đất nước”
- Tất cả nhân dân đã dạy chúng ta biết yêu thương, quý trọng cuộc sống, biết kiên nhẫn và chờ đợi.
III/ KẾT LUẬN
     Với thể thơ tự do, vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn, sang tạo chất liệu văn hoá, văn học dân gian; giọng điệu thơ có sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc, đoạn thơ đã thể hiện được những nét riêng, độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm khi biểu dương tôn vinh vai trò lịch sử, sức mạnh kì diệu của nhân dân trong suốt trường kì lịch sử dân tộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay10,692
  • Tháng hiện tại146,907
  • Tổng lượt truy cập8,250,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây