BÀI 9: VỢ NHẶT

Thứ sáu - 25/06/2021 21:12
I/ GIỚI THIỆU
1/ Tác giả
Kim Lân là một trong những nhà văn gắn bó sâu nặng với nông thôn Việt Nam. Chính điều ấy đã giúp nhà văn có những phát hiện hết sức sâu sắc và cảm động về những con người nơi đây.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
2/ Tác phẩm – xuất xứ/ hòan cảnh ra đời.
Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Truyện Vợ nhặt có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – tác phẩm được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dở dang và bị mất bản thảo. Hoà bình lập lại (1954), dựa trên một phần cốt truyện cũ, Kim Lân đã viết truyện Vợ nhặt. Tác phẩm được in trong tập Con chó xấu xí (1962).
II/ ĐỌC HIỂU
1.Tóm tắt
Truyện lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945. Tràng - một thanh niên nghèo, lại là dân ngụ cư, trong một lần đẩy hàng đã tình cờ có được vợ. Cô vợ nhặt đã tình nguyện theo Tràng chỉ sau một câu nói đùa và bốn bát bánh đúc. Tràng đưa “thị” về giữa cảnh đói khát đang tràn đến xóm ngụ cư. Bà cụ Tứ thấy con có vợ thì vừa mừng vừa tủi cho thân phận nghèo khó của mình và thương con, thương nàng dâu đói khổ. Họ sống với nhau trong cảnh đói nghèo nhưng hạnh phúc và tin rằng: Việt Minh về làng, họ sẽ đi phá kho thóc Nhật, lấy lại thóc gạo để cứu sống mình.
2. Ý nghĩa nhan đề của truyện:
- Vợ nhặt hiểu theo nghĩa đen là nhặt được vợ. Nhan đề gợi tình huống éo le,  kích thích trí tò mò người đọc. Thông thường, người ta có thể nhặt thứ này, thứ khác, chứ không ai “nhặt” “vợ”. Bởi dựng vợ gả chồng là việc lớn, thiêng liêng, có ăn hỏi, có cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt, không thể qua quýt, coi như trò đùa.
- Vợ nhặt  là điều trái khoáy, oái ăm, bất thường, vô lí. Song thực ra nó lại rất có lí. Vì đúng là anh Tràng đã nhặt được vợ thật. Chỉ một vài câu bông đùa của Tràng mà có người đã theo về làm vợ. Điều này đã thực sự khiến một việc nghiêm túc, thiêng liêng trở thành trò đùa và ngược lại, điều tưởng như đùa ấy lại chính là sự thực. Từ đây, bản thân nhan đề tự nó đã gợi ra cảnh ngộ éo le, sự rẻ rúng của giá trị con người. Chuyện Tràng nhặt được vợ đã nói lên tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.
 
3/ PHÂN TÍCH CÁC NHÂN VẬT

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ
 MB:   Nhà văn Kim Lân tâm sự: “ Phần gây xúc động lớn nhất cho tôi khi đọc lại truyện ngắn Vợ nhặt đó là đoạn bà cụ Tứ- mẹ Tràng trở về”. Thông điệp nghệ thuật về bản chất nhân đạo trong tâm hồn người Việt ở hình tượng nhân vật bà cụ Tứ đã được Kim Lân thể hiện thành công qua diến biến tâm trạng của người mẹ nghèo ấy khi nhìn thấy chị vợ nhặt xuất hiện trong nhà mình cho đến buổi sáng ngày hôm sau.
TB:     Bà cụ Tứ xuất hiện với dáng vẻ “ lọng khọng đi vào ngõ, vừa đi vừa lẩm bẩm tính tóan gì trong miệng”. Từ “lọng khọng “ gợi ra dáng hình gầy gò, hơi còng, tay hơi run và có vẻ tất bật. Đó là hình ảnh của một bà mẹ già điển hình ở làng quê.
     Ngạc nhiên và bất ngờ là tâm trạng đầu tiên ở người mẹ nghèo khi lật đật theo con từ ngõ vào nhà. Từ trước đến giờ có bao giờ Tràng mong ngóng mẹ về đến thế đâu, nhất định là phải chuyện gì quan trọng, khác thường. Chân bước theo con nhưng lòng bà đang phấp phỏng.  Không bất ngờ làm sao được khi mọi chuyện lại xảy ra một cách chóng váng như thế, dẫu bà cụ Tứ có thương con đến mấy lòng cũng không khỏi ngạc nhiên. Tràng nhắc đi nhắc lại mấy lần: “Kìa nhà tôi nó chào u”. Nhưng bà cụ vẫn không hiểu. “Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Ô hay, thế là thế nào nhỉ?”. Chỉ đến khi Tràng nhắc lại “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ.” thì bà lão mới vỡ lẽ. Giá trong hoàn cảnh khác, có lẽ mẹ Tứ cũng vui mừng và hớn hở như ai. Vì làm cha làm mẹ có ai lại không mong con cái yên bề gia thất có cháu để ẵm bồng, nhưng qua cái giọng ngập ngừng đứt quãng của Tràng hình như phần nào ta cũng nhận ra cái xót xa đến tội nghiệp. Tràng không ngờ. Bà lão càng không ngờ. Ai có thể ngờ rằng Tràng sẽ cưới vợ đúng hơn là nhặt vợ trong lúc này đâu. “Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi.”. Trong cái khoảnh khắc lặng im ấy có đến hàng trăm hàng nghìn nỗi lo toan giữa lòng mẹ. “Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa tiếc thương cho số kiếp đứa con mình”. Chính giữa lúc này chấp nhận “nàng dâu” là mẹ Tứ đồng tình với cái khó cái khổ cái đói đang de doạ tính mạng của gia đình bà. Cuộc đời mà ai có thể biết được ngày mai sẽ còn ai sẽ mất ai trong những năm tháng này. Chắc hẳn bà nghĩ ngợi nhiều lắm.
Ở tình thế này, bà cụ Tứ có thể từ chối thẳng thừng “nàng dâu” mà anh con trai đã nhặt được. Tình cảnh này, có ai trách bà đâu. Nhưng... làm sao bà cụ có thể hành động như thế một khi bà nghĩ đến cái được vợ của con và cái mất của người kia thì người ta theo không về ở với con mình.. Làm sao bà có thể chối từ khi người đàn bà đáng thương kia cũng đang đói khổ như bà. Tục ngữ có câu: “Thương người như thể thương thân”. Phải rồi, bà đã khổ và đã hiểu thế nào là đói khổ thì lẽ nào... Nhiều khi cái khổ, cái đói lại giúp người ta xích đến gần nhau hơn! Hình như sự đồng cảnh là một động lực thúc đẩy người ta hiểu và thông cảm nhauhơn.
       Bà lão cúi đầu nín lặng, đằng sau cái cúi đầu nín lặng ấy là dòng cảm xúc tuôn trào, là cơn bão lòng đang cuộn xoáy với tình thương con vô bờ bến. Bây giờ thì bà không chỉ biết sự việc “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ” như lời Tràng thưa gửi mà bà còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình. Bà tủi thân, tủi phận, bà so sánh người ta với mình “người ta dựng vợ gả chồng cho con những lúc nhà ăn lên làm nổi, còn mình thì…”. Bà lão chua chát, tự trách bản thân mình, càng thương con bao nhiêu bà lại càng tủi phận bấy nhiêu. Bà lão đã khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi của người già dưới ngòi bút nhạy cảm của Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc biết bao thương xót, tủi buồn.. Tủi vì mình làm cha mẹ mà không lo được cho con chuyện gia thất, thương vì người đàn bà kia vì đói mà phải theo không Tràng về nhà làm vợ. Bởi bà biết: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình.”

 Bà đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm thông với chị vợ nhặt từ cái nhìn của người cùng giới, cùng là phụ nữ. Câu nói đầu tiên mà bà cụ Tứ dành cho chị vợ nhặt “Ừ thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Lời nói của bà như trút đi biết bao gánh nặng tâm trạng đang đè nặng trong Tràng. Câu nói ấy của bà làm cuộc hôn nhân của Tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau ở đường và chợ nữa mà là duyên phận. Từ ”mừng lòng” cho thấy niềm vui lớn của bà.  Tất cả những gì của thực tại của đói rét ngoài kia vụt biến đi phút chốc, chỉ con đây cái khung cảnh ấm áp của gia đình. Bà lão vui, vui lắm chứ, bà nói với nàng dâu mới với cái giọng ngân nga như hát “ Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn..ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.  Bà động viên an ủi con trai và con dâu cùng nhau  bước qua khó khăn đói khổ trước mắt mà lòng đầy thương xót. Nhưng sau những lời động viên ấy ta lại thấy Kim Lân để nhân vật bà cụ Tứ quay về với chính cuộc đời mình để mà lo lắng cho hạnh phúc thực tại của hai con. Bà nói với “cô dâu mới”: “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.” Không chỉ vậy, bà còn thân  mật :” ..cốt sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...Còn gì quý giá hơn đối với vợ Tràng lúc này bằng sự chân thành, cảm thông và thân tình ấy. Trong bóng tối, bà nghĩ về cuộc đời dài dằng dặc của đời mình, cuộc đời của những người thân để mà thấu hiểu, thương xót rồi “nghẹn lời” chỉ có dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng.
    Hạnh phúc mới của con làm bà cụ Tứ được vui lây, bà động viên an ủi các con, nghĩ về một tương lai tươi sang phía trước. Sáng hôm sau, “ Khuôn mặt của bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường”, bà xăm xắn quét dọn, giẫy những búi cỏ dại nham nhở trong vườn, thu dọn nhà cửa cho quang quẻ với hy vọng đời sẽ có cơ khấm khá. Trong bữa  ăn đầu tiên, mâm cơm ngày đói sao thảm hại: chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đãi muối, một niêu cháo lõng bõng toàn nước và món chính là chè khoán - cháo cám-  nhưng không khí gia đình thật ấm áp, tình chồng vợ, tình mẹ con. Đó là những nguồn động lực lớn lao giúp họ tăng thêm sức mạnh để vượt qua thực tại. Trong bữa ăn, bà cụ Tứ toàn nói chuyện của tương lai, “toàn chuyện vui, tòan chuyện sung sướng về sau.” Bà lão bàn với con tính chuyện nuôi gà, “ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà cho mà xem.” Bà lão đang gieo vào lòng các con bà niềm lạc quan, niềm tin và hi vọng. Khát vọng sống bật lên ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, nó làm ta nhớ câu ca dao xưa “Chớ than phận khó ai ơi- Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
   Song niềm vui của bà cụ Tứ cũng thật tội nghiệp. Miếng cháo cám đắng chát và tiếng trống thúc thuế dồn dập vội vã đưa bà cụ Tứ trở về với thực tại với tiếng nói xen lẫn cả hơi thở dài trong lo lắng: “Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống được qua được đâu các con ạ”! Và bà lại khóc, tình thương con lại hiện hình qua những giọt nước mắt lặng lẽ .
 KB:                Với sự thấu hiểu, với nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc, nhiều chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh bà cụ Tứ- người mẹ thương con, nhân hậu, bao dung. Trong hoàn cảnh đói nghèo, bà vẫn dang rộng cánh tay đón nhận người con dâu mặc dù trong lòng còn nhiều xót xa, tủi cực, vẫn  gieo vào lòng các con ngọn lửa sống trong hoàn cảnh tối tăm của xã hội lúc bấy giờ.
 

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRÀNG

MB:              Kim Lân là nhà văn có những sáng tác sâu sắc về cuộc sống, số phận của con người. “Vợ nhặt” là tác phẩm mà Kim Lân đã khắc họa thành công hình tượng người dân nghèo, dù trong hòan cảnh khốn cùng, nhưng họ không từ bỏ lòng ham sống. Nhân vật Tràng tiêu biểu cho những người lao động nghèo, tốt bụng, cởi mở, luôn khao khát hạnh phúc và có niềm hi vọng ở tương lai tươi sáng.
TB:                 Tràng là dân ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già. Dân ngụ cư là những người vốn từ nơi khác đến, họ không có ruộng đất, chỉ đi làm thuê làm mướn. Ngòai ra, họ còn bị phân biệt đối xử, thường phải ở nơi bìa làng, hoặc ở chỗ hẻo lánh. Nhà cửa của anh ta, cái được gọi là "nhà" thì luôn "vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại". Hơn nữa, vì là dân ngụ cư, Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về. Những lời miêu tả của nhà văn giúp ta thấy Tràng là một nông dân nghèo khổ lại xấu xí. Đặt trong hòan cảnh bình thường, Tràng thuộc dạng người khó có thể cưới được vợ. Nhưng việc Tràng lấy vợ lại xảy ra vào đúng lúc nạn đói khủng khiếp đang tràn về. Nhờ vậy, Tràng lấy được vợ, hay nói đúng hơn là "nhặt được vợ".
 Tình huống nhặt vợ của Tràng (diễn biến tâm lí)

Thật ra, ban đầu Tràng không chủ tâm tìm vợ. Có thể Tràng cũng thừa biết, người như mình thì khó có thể có vợ. Khi đẩy xe bò, anh chỉ hò một câu cho đỡ nhọc
" Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
 Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì".
 Tràng chỉ muốn hò để xua đi mỏi mệt trong người, và cũng chẳng có ý chọc ghẹo ai cả. Ai ngờ có người đàn bà đói xông xáo đến đẩy xe thật. Vì đùa vui nên Tràng đã không làm đúng như nội dung của câu hò. Nhưng Tràng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi gặp được cái "cười tít mắt của thị", bởi "từ xưa đến giờ có ai cười với hắn một cách tình tứ như vậy đâu".
 Ở lần gặp thứ hai, khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ có người đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng sỉa với hắn " Điêu, người thế mà điêu". Tràng không nhận ra người đàn bà ngày trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn hại cả nhan sắc lẫn nhân cách. Thị gầy sọp hẳn đi, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày hốc hác, quần áo rách như tổ đỉa. Thấy người đàn bà đói, rách rưới thảm hại. Tràng động lòng thương người. Vậy nên, Tràng cho người đàn bà kia ăn, mà cho ăn rất nhiều, đến" bốn bát bánh đúc". Đó là lòng thương một con người đói khát hơn mình chứ Tràng không hề có ý định lợi dụng hoặc bố thí. Sau đó, Tràng lại tầm phơ tầm phào "Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân đồ lên xe rồi về". Vây mà thị về thật. Tràng như người đánh bạc, đánh cho vui, nhưng khi thắng nhiều quá rồi thì lại lo không biết nên làm gì với số tiền đó. Cho nên,"mới đầu anh cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Đó là nỗi sợ hãi có thật, nhất là ở thời đói kém như thế này. Nhưng có lẽ tình thương người, khát vọng hạnh phúc và sự liều lĩnh đã lớn hơn nỗi sợ hãi nên sau đó anh chặc lưỡi " Chậc kệ!" . Chỉ một từ "kệ" thôi, Tràng như đã bỏ lại sau lưng mình tất mọi lo nghĩ để vun vén cho hạnh phúc của mình.
 Khi người phụ nữ chấp nhận làm vợ, Tràng đã có ý thức chăm sóc: hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa no nê.
Tràng và người đàn bà kia như hai nhành củi chụm vào nhau tạo thành một bếp lửa. Điều đáng nói là ở chỗ họ đến với nhau vì một người cần chỗ dựa, còn một người lại cần hạnh phúc. Vì miếng ăn, nhờ miếng ăn mà nên vợ nên chồng thì vừa đáng thương vừa đáng ngại. Nhưng chính vì vậy mà họ có thêm bạn đồng hành trong hành trình vượt qua giai đọan cùng cực của nạn đói năm 1945.
Khi Tràng đưa vợ về qua xóm ngụ cư thì dáng vẻ, tâm trạng của anh hôm nay khác hẳn ngày thường. “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở… tủm tỉm cười nụ…. hai con mắt thì sáng lên lấp lánh”, trước ánh mắt nhìn đầy tò mò và ngạc nhiên, trước những lời xì xào bàn tán của người dân trong xóm. Tràng rất hãnh diện, rất đắc ý, “mặt cứ vênh lên tự đắc với mình”, như thể chứng tỏ với mọi người rằng mình đã có vợ. Người xưa cho rằng, có ba việc lớn mà người đàn ông phải lo là “tậu trâu, cưới vợ và làm nhà”. Vậy thì giờ đây, chí ít anh cũng làm được một việc rồi, Tràng tự hào cũng có lí. Tràng thật sự đã khác với Tràng hôm qua.       Về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy " ngượng nghịu" rồi cứ thế " đứng tây ngây ra giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ". Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng.  Đó là sự ngạc nhiên trong sung sướng.
 Lúc chờ đợi Mẹ về, Tràng nóng ruột, đi đi lại lại. Rồi Tràng “tủm tỉm cười"  với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật: "hắn vẫn còn ngờ ngợ như  không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?". Có những khi trong đời, ta làm một việc hay ra một quyết định, mà sau đó chính ta lại không hiểu vì sao mình làm vậy. Có lẽ Tràng đang ở trạng thái này?
Khi mẹ về, hắn mừng rỡ, rối rít như trẻ con, vội báo tin cho người vợ nhặt. Con người, dù thế nào đi chăng nữa, người ta cũng có ước vọng được chỉ bảo, đồng tình. Tràng cũng vậy, cho nên anh nóng lòng thưa chuyện để tìm “đồng minh” trong việc trọng đại và khó khăn này. Tràng mẹ ngồi lên giường để thưa chuyện. Được mẹ đồng ý, Tràng “thở đánh phào một cái”, như trút được nỗi lo âu trong người. Kim Lân đã rất tinh tế, khéo léo trong việc diễn tả tâm lí của Tràng ở tình huống này. Điều đó làm tăng kịch tính cho tác phẩm.
 Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm hơn, chín chắn hơn. Nhà văn đã cho người đọc thấy được sự thay đổi của Tràng vào buổi sáng hôm sau. Tràng thức dậy, đầu tiên đó là một cảm giác dễ chịu "Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Đó là tâm trạng hạnh phúc. Tràng chớp mắt  “liên hồi mấy cái”. Chắc là vì cảm động khi thấy mẹ và vợ dọn dẹp lại nhà cửa.  Một nỗi lòng yêu thương, một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng". Quả thật, sự thay đổi, khác lạ đã đến với gia đình Tràng nói chung và với bản thân Tràng nói riêng. Nhà thơ Trần Hòa Bình từng viết :”thêm một lắm điều hay”. Quả thật vậy, có thêm một thành viên, gia đình Tràng càng vui vẻ, hạnh phúc. Vậy là một hành động đẹp đầy tình người của mẹ con anh Tràng đã thay đổi chính đời sống của họ.
Từ một người cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt, Tràng đã là người quan tâm đến chuyện gia đình, chuyện xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã “thần mặt ra nghĩ ngợi”. Trong ý nghĩ của anh lại vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng ân hận, tiếc rẻ . Và trong óc vẫn thấy “đám người đói và lá cờ bay phấp phới...”Cách mạng sẽ đến và nạn đói sẽ bị đẩy lùi, nhường chỗ cho đời sống hạnh phúc, ấm no. Chi tiết này mang giá trị nhân đạo to lớn. Tác giả như dự cảm, vẽ ra con đường sống cho những  người đang đứng bên bờ vực của cái chết, đó là đi theo cách mạng, giải phóng đời mình khỏi những tối tăm, bất hạnh.
KB:     Từ những điều đã phân tích trên, cùng với nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc, nhiều chi tiết đặc sắc, tác giả đã ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tính cách nhân vật Tràng: tình thương, niềm khao khát hạnh phúc, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai.  Đồng thời ta cũng hiểu hơn tình cảm nhân đạo của nhà văn dành cho người lao động nghèo khổ.
     

NGƯỜI VỢ NHẶT

- Cũng giống như Tràng, khung cảnh Kim Lân để cho nhân vật này xuất hiện là một không gian tối sầm vì đói khát. Cũng giống như bao người khác, thị ngồi vêu cùng với mấy chị em gái nơi cửa nhà kho. Chị không có tên, không tuổi tác, không cha mẹ, không gia đình… môt con số không tròn trĩnh đang bao trùm lên lá số tử vi của chị. Cái đói đã cướp đi của thị tất cả.
- Khi chưa theo Tràng về làm vợ cái đói đã để lại “dấu tích” ghê gớm trên dáng hình và tính cách của chị:
+ Lần gặp thứ nhất: có vẻ táo tợn, ăn nói mạnh mẽ “Có khối cơm trắng mấy giò mà ăn đấy! “Này nhà tôi ơi! Nói thật hay nói khoác đấy”
+ Lần gặp thứ 2: chân dung của thị khiến Tràng không nhận ra, gầy (dẫn chứng)…Thị cong cớn trong lời nói, vô duyên trong hành động “sà xuống đánh... cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc... ăn xong cầm đôi đũa quệt ngang miệng, thở: Hà ngon! Về chị thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Tuy nhiên, ẩn đằng những lời nói và hành động ấy là khát vọng về hạnh phúc và sự sống.
- Kim Lân không có ý chê bai người vợ nhặt kia, dù thực tế cung có những người phụ nữ không đẹp. Điều mà nhà văn muốn nhấn mạnh ở đây là: sức hủy hoại khủng khiếp của cái đói đối với hình hài và tính cách của con người. Vì đói mà thị cố tạo ra cái vẻ cong cớn, chao chát, chỏng lỏn như là để thách thức với số phận. Vì đói mà thị quên đi cả sĩ diện của mình, quên đi cả lòng tự trọng theo không một người đàn ông về làm vợ trong khi chẳng biết tí gì về anh ta. Vì đói mà thị đánh liều nhắm mắt đưa chân, đánh liều với hạnh phúc cả đời mình. Thị thật đáng thương. Nhưng đằng sau sự liều lĩnh ấy của thị, người đọc hiểu rằng, thị là người có ý thức bám lấy sự sống mãnh liệt.
- Miêu tả nhân vật thị, Kim Lân không chú trọng nhiều đến diễn biến tâm trạng bên trong mà Kim Lân chú ý nhiều đến hành động:
+ Thị bước sau Tràng chừng 3-4 bước, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che đi nửa mặt, mặt cúi xuống, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Thị đã ý thức được về bản thân, cái dáng cúi mặt kia phải chăng đó là sự tủi phận
+ Về đến nhà, trông nếp nhà rẹo rọ của Tràng, thị nén tiếng thở dài, tiếng thở dài chấp nhận bước vào cuộc đời của Tràng.
+ Hành động khép nép, tay vân vê tà áo khi đứng trước mặt bà cụ Tứ, thị thật đáng thương
- Tuy nhiên, ở sâu thẳm bên trong con người này vẫn có một niềm khát khao mái ấm gia đình thực sự. Thị đã trở thành một con người hoàn toàn khác khi là một người vợ trong gia đình. Hạnh phúc đã làm cho thị thay đổi từ một người phụ nữ cong cớn, đánh đá bỗng trở thành một người đàn bà hiền hậu đúng mực, mái ấm gia đình đã đủ sức mạnh làm thay đổi một con người.
- Hình tượng chị vợ nhặt thể hiện rất rõ tư tưởng nhân đạo của Kim Lân
+ Một mặt nhà văn đã lên án tội ác dã man của phát xít Nhật và TDP. Nạn đói do chính gây ra đã cướp đi mọi giá trị của con người, và biến người con gái như một thứ đồ rẻ rúng có thể nhặt được
+ Mặt khác vợ Tràng đã nói lên một sự thật ở đời đó là trong đói khổ, hoạn nạn, kề bên cái chết nhưng con người vẫn khát khao được sống, vẫn sống ngay khi cả cuộc đời không thể chịu được nữa. Những con người nghèo khổ vẫn thương yêu đùm bọc, và cùng nhau vun đắp hạnh phúc để vượt qua những thử thách khắc nghiệt.
 
(dưới đây là ý chung, nếu đề ra “phân tích”( tình huống/ giá trị... )thì cần dựa trên những ý chính này và những kiến thức về nhân vật để làm thành bài văn)

4. Tình huống truyện
- Tình huống truyện : Anh Tràng vừa nghèo, vừa xấu lại là dân ngụ cư thế mà lấy được vợ ngay giữa lúc đói khát, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh.
- Tình huống lạ, độc đáo : người như Tràng mà lấy được vợ, thậm chí có vợ theo ! Thời buổi đói khát này, người như Tràng nuôi thân chẳng xong mà dám lấy vợ ! Chẳng phải thế mà việc Tràng có vợ đã tạo ra sự lạ lùng, ngạc nhiên với tất cả mọi người trong xóm ngụ cư, với bà cụ Tứ, thậm chí đã có những thời điểm chính Tràng cũng chẳng thể nào tin được vào điều đó.
- Tình huống truyện không chỉ tạo ra một hoàn cảnh “có vấn đề” cho câu chuyện mà còn nén trong đó ý đồ nghệ thuật của nhà văn đồng thời gợi mở các khía cạnh giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
 
DÀN Ý THAM KHẢO:
Một trong những đặc sắc của truyện Vợ nhặt là Kim Lân
đã sáng tạo một tình huống truyện vô cùng độc đáo.
   Ý cơ bản phải có:
MB: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, khẳng định trong tp Vợ nhặt, Kim Lân đã sáng tạo ra một tình huống truyện độc đáo.
TB:
a/ Tình huống truyện là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
b/ Trong truyện ngắn Vơ nhặt, đó là tình huống anh cu Tràng nghèo khổ xấu trai, ế vợ đang đứng ngấp nghé bên bờ vực của cái chết vì đói khát lại nhặt được vợ trong nạn đói khủng khiếp 1945.

   + Thật ra, ban đầu Tràng không chủ tâm tìm vợ. Tràng cũng thừa biết, người như hắn thì không thể có vợ. Khi đẩy xe bò mệt mỏi anh chỉ hò một câu cho vui “ Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Tràng chỉ muốn hò để xua đi mỏi mệt trong người. Anh cũng chẳng có ý chòng ghẹo ai cả. Ai ngờ có người đàn bà đói xông xáo đến đẩy xe thật. Nhưng vì đùa vui nên Tràng đã không giữ đúng thỏa thuận của câu hò. Nhưng Tràng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi gặp được cái “cười tít mắt của thị” bởi “từ xưa đến giờ có ai cười với hắn một cách tình tứ như vậy đâu”.
   + Hôm sau gặp lại: Khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ có người đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng sỉa với hắn “ Điêu, người thế mà điêu”. Tràng không nhận ra người đàn bà ngày trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn hại cả nhan sắc lẫn nhân cách. Thị gầy sọp hẳn đi, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày hốc hác, quần áo rách như tổ đỉa. Thấy người đàn bà đói, rách rưới thảm hại. Tràng động lòng thương. Có ai ngờ được rằng trong con người thô kệch ấy lại có một tấm lòng thương người cao cả. Thế rồi Tràng cho người đàn bà kia ăn, không chỉ ăn mà còn cho ăn rất nhiều “ bốn bát bánh đúc”. Đó chính là lòng thương một con người đói khát hơn mình chứ Tràng không hề có ý định lợi dụng hoặc chòng ghẹo. Vốn tính hay đùa, Tràng lại tầm phơ tầm phào “Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân đồ lên xe rồi về”. Nói đùa thế thôi, ai ngờ thị về thật. Lúc đầu Tràng phảng phất lo sợ về cái đói và cái chết“mới đầu anh cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Đó là nỗi sợ hãi có thật nhất lại là thời đói kém như thế này. Nhưng có lẽ tình thương người và khát vọng hạnh phúc đã lớn hơn nỗi sợ hãi nên sau đó anh chặc lưỡi “ Chậc kệ!” . Chỉ một từ “kệ” thôi, Tràng như đã bỏ lại sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, mọi lo nghĩ để vun vén cho cái hạnh phúc của mình.
 Tràng và người đàn bà kia như hai cành củi khô nhưng họ đã chụm vào nhau để nhen lên ngọn lửa. Tội nghiệp thay, người này thì cần hạnh phúc còn người kia thì lại cần chỗ dựa. Một người vì tình yêu, người kia vì miếng ăn. Nói tóm lại là họ LIỀU, nhưng cái Liều kia của họ làm người ta bật khóc. Bây giờ thì họ là người dũng cảm, bởi vì họ dám nắm tay nhau để bước qua ranh giới của sự sống và cái chết. Họ làm ta khâm phục và kính trọng, phải chăng hai con người khốn khổ ấy là niềm tin của Kim Lân về một giống nòi sẽ tiếp nối sẽ sinh sôi khi mà cả dân tộc đang đứng trước sự diệt vong của nạn đói ?
 
c/ Ý nghĩa tình huống truyện:
- Tình huống này đã gây ngạc nhiên cho cả xóm ngụ cư, cho mẹ Tràng, và cả bản thân của Tràng nữa, vì hai lí do: - Một là, Tràng - một người nghèo túng, xấu xí, dân ngụ cư (bị người làng khinh bỉ) xưa nay đàn bà con gái chẳng ai thèm để ý. Vả lại không có tiền cưới vợ, vậy mà bỗng dưng lấy được vợ, lại là vợ theo hẳn hoi. - Hai là, giữa lúc đói kém này, người như Tràng, chỉ làm nghề đẩy xe bò thuê kiếm sống qua ngày, đến nuôi thân còn không nổi lại còn đèo bòng vợ với con. Bời vậy mới dẫn đến SỰ NGẠC NHIÊN VÀ THƯƠNG CẢM: Trước hết là sự ngạc nhiên của cả xóm ngụ cư: Nhìn theo bóng Tràng và người đàn bà, mỗi người một suy nghĩ khác nhau, ai cũng ngạc nhiên, phân vân “ai đấy nhỉ ? Hay là người nhà bà cụ Tứ dưới quê lên”, có người cười “ hay là vợ anh cu Tràng ?”, có người thương hại “Biết có nuôi nổi nhau qua cái thời đói khát này không ?” Bà cụ Tứ: mẹ Tràng cũng rất ngạc nhiên. Làm sao kể xiết sự sững sờ của bà khi trông thấy người đàn bà đứng ở đầu giường của con mình, lại còn chào mình bằng u nữa. Bà không thể nghĩ rằng con mình lại có vợ, ngay trong cái thời buổi đói kém này. Bà cứ hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn mà càng lúc nó cứ nhoèn mãi ra. Nhân vật Tràng: Tình huống càng bất ngờ đến hài hước khi chính Tràng cũng vẫn còn "ngỡ ngàng". "Ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải. Ra hắn đã có vợ đấy ư?". Mọi chuyện xảy ra quá bất ngờ, dường như chỉ là cơn mơ. Người đàn bà chỉ gặp mới hai lần lại trở thành vợ hắn. Mà thật ra, hắn cũng không có ý định gì với thị...Thị liều lĩnh đến với hắn chỉ bằng một câu nói suông. Thị theo hắn như phó mặc cho số phận. Cái đói đã đẩy họ đến với nhau. Trong cái thời tao đoạn ấy, việc Tràng lấy vợ quả là một tình huống oái oăm. Ta sẽ mừng hay lo, buồn hay vui cho cặp vợ chồng này?
 - Đặt nhân vật vào tình huống éo le như vậy, Kim Lân đã làm nổi bật được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm:
+ Không cần đến những lời kết tội to tát mà tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai vẫn hiện lên rõ mồn một. Đó là nạn đói khủng khiếp năm 1945 với trên hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy giá trị của con người thật rẻ rúng. Người ta có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc…. Đúng là “nhặt” được vợ như lời tác giả nói.
 + Người dân lao động VN dù ở trong tình huống bi thảm như thế nào đi chăng nữa họ vẫn tin tưởng vào ngày mai tươi sáng: ( Bà cụ Tứ có niềm tin như thế nào ? người vợ nhặt sau khi được chấp nhận làm dâu thì trở nên như thế nào? Tràng có ý thức ra sao sau đêm tân hôn )
KB:
Tổng hợp lại ý đã phân tích.
Nhận xét về tác giả, tác phẩm, tình huống truyện.

5/ Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo của tp.
a. Giá trị hiện thực:
- Truyện đã dựng lại một cách chân thực những ngày tháng bi thảm trong lịch sử dân tộc, đó là khoảng thời gian diễn ra nạn đói năm 1945 :
+ Cái chết đeo bám, bủa vây khắp mọi nơi.
+ Dòng  người đói vật vờ như những bóng ma.
+ Cái đói đã tràn đến xóm ngụ cư từ lúc nào.
+ Âm thanh của tiếng quạ gào lên từng hồi thê thiết.
+ Xóm ngụ cư, với những khuôn mặt hốc hác, u tối.
+ Cái đói hiện lên trong từng nếp nhà rúm ró, xẹo xệch, rách nát.
+ Cái đói hiện hình trên khuôn mặt của chị vợ nhặt.
+ Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại.
- Truyện phơi bày bản chất tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhận đã gây ra nạn đói năm 1945.
- Tuy nhiên, còn có một hiện thực được phán ánh trong tác phẩm: hiện thực mang tính xu thế, đó là tấm lòng của người dân khi đến với cách mạng.
b. Giá trị nhân đạo
-  Thái độ đồng cảm xót thương với số phận của người lao động nghèo khổ.
-  Lên án tội ác dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp.
- Trân trọng tấm lòng nhân hậu, niềm khao khát hạnh phúc bình dị những người lao động nhèo.
- Tinh thần lạc quan, vươn tới tương lai tươi sáng của người lao động nghèo.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay5,026
  • Tháng hiện tại67,451
  • Tổng lượt truy cập7,125,276
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây