LẶNG LẼ SA PA

Thứ tư - 28/10/2020 18:56
A. TÓM TẮT KIẾN THỨC CƠ BẢN:
1. Tác giả:
- Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí.
- Nguyễn Thành Long là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất coi trọng thâm nhập thực tế đời sống. Sáng tác của ông hầu như chỉ viết về những vẻ đẹp bình dị của con người và thiên nhiên đất nước.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
2. Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972.
a. Nội dung:
Khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao.
b. Nghệ thuật:
- Xây dựng tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.
c. Chủ đề:
Khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ‎ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Niềm hạnh phúc của con người trong lao động có ích.
B. CÁC DẠNG ĐỀ:
1. Dạng 2 hoặc 3  điểm:
* Đề 1:
                 Hãy tóm tắt truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
* Gợi ‎ý:
    Một họa sĩ già trước khi nghỉ hưu đã có một chuyến đi thực tế ở vùng cao Tây Bắc. Trên chuyến xe, ông ngồi cùng hàng ghế với cô kĩ sư trẻ lên nhận công tác ở Lai Châu. Đến Sa Pa, bác lái xe dừng lại lấy nước và nhân tiện giới thiệu với họa sĩ “một trong những người cô độc nhất thế gian”. Đó là anh thanh niên trông coi trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn 2600 mét.
    Cuộc gặp gỡ giữa bác lái xe, họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên diễn ra rất vui vẻ, cảm động. Anh thanh niên hào hứng giới thiệu với khách về công việc hằng ngày của mình – những công việc âm thầm nhưng vô cùng có ích cho cuộc sống. Họa sĩ già phát hiện ra phẩm chất đẹp đẽ, cao quý của anh thanh niên nên đã phác họa một bức chân dung. Qua lời kể của anh, các vị khách còn được biết thêm về rất nhiều gương sáng trong lao động, sản xuất, đem hết nhiệt tình phục vụ sự nghiệp xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
2. Dạng đề 5 hoặc 7 điểm:
* Đề 1:
Cảm nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
* Gợi ‎ý:
a. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm:
+ Tác giả: - Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Ông là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất coi trọng thâm nhập thực tế đời sống. Sáng tác của Nguyễn Thành Long hầu như chỉ viết về những vẻ đẹp bình dị của con người và thiên nhiên đất nước.
+ Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”:
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972.
- Cảm nhận chung về nhân vật anh thanh niên.
b. Thân bài:
-  Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, chỉ xuất hiện trong giây lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả thể hiện.
- Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, với công việc “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày”. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.
- Gian khổ nhất đối với anh là phải sống trong hoàn cảnh cô độc, một mình trên đỉnh núi cao hàng tháng hàng năm. Điều ấy khiến anh trở thành một trong những người “cô độc nhất thế gian” và thèm người đến nỗi thỉnh thoảng phải ngăn cây chặn đường dừng xe khách qua núi để gặp người trò chuyện.
- Ý thức công việc và lòng yêu nghề của mình. Thấy được công việc lặng thầm này là có ích cho cuộc sống và cho mọi người (cụ thể khi ấy là phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mĩ; Góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa). Anh thấy cuộc sống và công việc của mình thật có ‎ ý nghĩa, thật hạnh phúc.
- Yêu sách và rất ham đọc sách – những người thầy, người bạn tốt lúc nào cũng sẵn sàng bên anh.
- Anh không cảm thấy cô đơn vì biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học, ngăn nắp, chủ động, ngoài công việc anh còn chăm hoa, nuôi gà, nhà cửa và nơi làm việc nhỏ nhắn, xinh xắn, gọn gàng và khá đẹp.
- Ở người thanh niên ấy còn có những nét tính cách và phẩm chất rất đáng quí: sự cởi mở, chân thành, rất quí trọng tình cảm con người, khao khát gặp gỡ mọi người.
- Anh còn là người rất khiêm tốn, thành thực. Cảm thấy công việc và những lời giới thiệu nhiệt tình của bác lái xe về mình là chưa xứng đáng, đóng góp của mình chỉ là bình thường nhỏ bé so với bao nhiêu người khác. Khi ông họa sĩ muốn kí họa chân dung, anh từ chối, e ngại và giới thiệu những người khác cho ông vẽ.
- Anh còn là người rất ân cần chu đáo, hiếu khách: Trao gói tam thất cho bác lái xe, tiếp đón nồng nhiệt, chân thành tự nhiên với ông học sĩ và cô kĩ sư, tặng hoa, tặng làn trứng tươi cho hai vị khách quí…
c. Kết bài:
Chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, qua cảm nhận của các nhân vật khác, chân dung tinh thần của người thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu đã hiện lên rõ nét và đầy sức thuyết phục với những phẩm chất tốt đẹp, trong sáng về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về nghề nghiệp, cuộc sống. Đó là một trong những con người lao động trẻ tuổi, làm công việc lặng lẽ mà vô cùng cần thiết, có ích cho nhân dân, đất nước.
C. BÀI TẬP VỀ NHÀ:
1. Dạng đề 2 hoặc 3 điểm:
* Đề 2:
Đóng vai nhân vật cô kĩ sư kể lại giây phút chia tay giữa ba người - anh thanh niên, ông họa sĩ và cô kĩ sư.
* Gợi ‎ý:
Nghe tiếng chàng trai kêu to: “Trời ơi, chỉ còn có năm phút!” và sau đó là một giọng cười nhưng đầy tiếc rẻ, tôi cũng cảm thấy giật mình, bâng khuâng…Cuộc chia tay của chúng tôi đã đến rồi ư? Sao nhanh thế? Tôi và chàng trai kia đã nói gì được với nhau đâu?
Bỗng chàng trai chạy ra sau nhà, rồi trở lại ngay với một cái làn trên tay. Nhà họa sĩ già tặc lưỡi đứng dậy. Tôi cũng đứng lên, chợt thấy lúng túng, bèn đưa tay đặt lại chiếc ghế, rồi thong thả đi đến chỗ nhà họa sĩ. Đúng lúc ấy, chàng trai kêu lên:
- Ô! Cô còn quên chiếc mùi soa đây này!
Tôi nhẹ nhàng quay lại, nhưng dường như không muốn để tôi phải khó nhọc trở lại bàn, chàng trai đã nhanh chân bước tới, cầm chiếc khăn tay còn vo tròn cặp giữa cuốn sách, đi tới chỗ tôi đang đứng và đưa tận tay cho tôi.Tôi thực sự bối rối, nhận lại chiếc khăn và quay vội đi.
Nhà họa sĩ già đã bước tới bậu cửa, bỗng quay lại chụp lấy tay chàng trai lắc mạnh:
- Chào anh! Chắc chắn rồi tôi sẽ trở lại! Tôi ở với anh ít hôm được chứ?
Tôi cũng lặng lẽ bước tới chỗ chàng trai, chìa bàn tay của mình ra trước mặt anh. Anh nắm lấy bàn tay của tôi, bóp nhẹ. Hình như anh hơi run thì phải! Và không hiểu sao, tôi cũng cảm thấy lòng mình xốn xang, hồi hộp lạ lùng? Tôi nhìn thẳng vào mắt anh, không nói… anh cũng im lặng nhìn tôi… nhưng dường như chúng tôi đã nói với nhau tất cả… Tôi bóp nhẹ bàn tay của anh, thì thầm:
- Chào anh…
* Đề 3:
Ngoài những nhân vật xuất hiện trực tiếp trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” còn có những nhân vật nào xuất hiện gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên? Nhận xét của em về họ?
* Gợi ‎ý:
+ Ông bố “tuyệt lắm”, cả hai bố con cùng xung phong ra mặt trận.
+ Ông kĩ sư vườn rau ở SaPa.
+ Anh bạn ở trạm khí tượng Phan - xi - păng.
+ Anh kĩ sư lập bản đồ sét.
Không xuất hiện trực tiếp mà chỉ qua lời kể của anh thanh niên. Đó cũng là những con người sống và làm việc lặng lẽ, cô độc mà say mê quên mình vì công việc, vì mọi người dưới bầu trời SaPa lặng lẽ.
Họ góp phần thể hiện chủ đề của truyện: Khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Niềm hạnh phúc của con người trong lao động có ích.

2. Dạng đề 5 hoặc 7 điểm:
* Đề 2:
Cảm nhận của em về truyện ngắn “Lặng lẽ SaPa” của Nguyễn Thành Long.
* Gợi ‎ý:
a. Mở bài: Giới thiệu chung về tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm.
+ Tác giả: Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Ông là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất coi trọng thâm nhập thực tế đời sống. Sáng tác của Nguyễn Thành Long hầu như chỉ viết về những vẻ đẹp bình dị của con người và thiên nhiên đất nước.
+ Tác phẩm:
Truyện ngắn “Lặng lẽ SaPa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972.
   + Cảm nhận chung  của em về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.
b. Thân bài:
- Truyện ngắn “Lặng lẽ SaPa” viết về những con người sống đẹp, có ích cho đời, có lí tưởng ước mơ, niềm tin yêu vững bền vào nghề nghiệp, kiến thức, trình độ khoa học mà nhân vật anh thanh niên là hiện thân vẻ đẹp đó.
- Nhân vật anh thanh niên, ở tuổi đời hai mươi bảy tự nguyện rời nơi phồn hoa đô hội lên công tác ở đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, vất vả nhưng bằng lòng yêu nghề, tình yêu cuộc sống đã khiến anh quyết định gắn bó với công việc khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
- Khó khăn nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn lạnh lẽo đến mức “thèm người” và được bác lái xe mệnh danh là “người cô độc nhất thế gian”.
- Ngoài là người có học thức, có trình độ, anh thanh niên còn có một tâm hồn trong sáng, yêu đời, yêu cuộc sống.
- Có niềm vui đọc sách, trồng rau, trồng hoa, nuôi gà cải thiện cuộc sống. Biết sắp xếp công việc, cuộc sống một cách ngăn nắp, chủ động.
- Ở anh thanh niên còn toát lên bản tính chân thành, khiêm tốn, cởi mở, hiếu khách, luôn biết sống vì mọi người.
- Qua lời kể của anh thanh niên, ông kĩ sư nông nghiệp ở vườn ươm su hào, anh kĩ sư lập bản đồ chống sét… đều là những người sống thầm lặng trên mảnh đất SaPa mà lao động cần mẫn, say mê quên mình vì công việc.
- Bác lái xe trong vai người dẫn truyện là điểm dừng cho mọi cuộc gặp gỡ. Tạo nên sự hấp dẫn, tò mò tìm hiểu của người đọc. Ông họa sĩ là nhân vật hóa thân của nhà văn - người xem đây là một chuyến đi may mắn trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Cô kĩ sư đã phát hiện ra nhiều điều mới mẻ trong chuyến đi đầu đời.
- Nghệ thuật: Xây dựng tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.
c. Kết bài:
Nguyễn Thành Long đã góp một tiếng nói ca ngợi cuộc sống và tái hiện một cách đầy đủ những vẻ đẹp của con người. Khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Niềm hạnh phúc của con người trong lao động có ích.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global video
Thống kê
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay4,923
  • Tháng hiện tại83,527
  • Tổng lượt truy cập8,400,305
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây