ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 MÔN NGỮ VĂN

Thứ bảy - 17/04/2021 21:23
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học 2020-2021
tải xuống (3)
tải xuống (3)
Phần I. Đọc hiểu (4,0 điểm): Đọc kĩ đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
- Mùa hè nắng ở nhà ta
Mùa đông nắng đi đâu mất?
……
Nắng thương chúng em giá rét
Nên nắng vào áo em dày
Nắng làm chúng em ấm tay
Mỗi lần chúng em nhúng nước


Thế mà nắng cũng sợ rét
Nắng chui vào chăn cùng em
Các bạn để ý mà xem
Trong chăn bao nhiêu là nắng


Mà nắng cũng hay làm nũng
Ở trong lòng mẹ rất nhiều
Mỗi lần ôm mẹ, mẹ yêu
Em thấy ấm ơi là ấm!

(Xuân Quỳnh, Mùa đông nắng ở đâu? in trong tập Lời ru trên mặt đất,
NXB Tác phẩm mới, 1978, trang 86)
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
Câu 2. (0,5 điểm) Từ nắng trong câu thơ Trong chăn bao nhiêu là nắng có thể hiểu theo nghĩa như thế nào?
Câu 3. (1,0 điểm) Tìm và chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ:
Nắng thương chúng em giá rét
Nên nắng vào áo em dày
Nắng làm chúng em ấm tay
Mỗi lần chúng em nhúng nước

Câu 4. (2,0 điểm) Viết một đoạn văn trình bày ngắn gọn thông điệp mà tác giả gửi gắm qua khổ thơ cuối.
Phần II. Làm văn (16,0 điểm)
Câu 1. (6,0 điểm) Robert Collier, một danh nhân người Mỹ nổi tiếng với những tư tưởng mới trong thế kỉ XX, đã nói: “Cơ hội thành công của bạn trong mọi chuyện luôn có thể được đo bằng niềm tin của bạn vào chính bản thân mình”.
Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Câu 2. (10,0 điểm) Bàn về sứ mệnh của người cầm bút, Ai-ma-tốp cho rằng: Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, hãy làm sáng tỏ ý kiến đó.
--- Hết ---
(Thí sinh không dùng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)
Họ và tên thí sinh:..................................................................... Số báo danh:……………..
HƯỚNG DẪN CHẤM

A. Yêu cầu chung
1. Hướng dẫn chấm được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực. Giám khảo cần nắm bắt được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh để đánh giá một cách tổng quát và linh hoạt. Chú ý phát hiện và trân trọng những bài làm có tính sáng tạo.
2. Tổng điểm của toàn bài là 10,0 điểm, cho lẻ đến 0,25 điểm. Hướng dẫn chấm chỉ cho điểm từng câu, từng ý trên cơ sở đó giám khảo có thể thống nhất định ra các thang điểm cụ thể khác.
B. Yêu cầu cụ thể
Phần Câu                                                   Nội dung Điểm
I   Đọc hiểu 4,0
1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm 0,5
2. Từ nắng trong câu thơ mang nghĩa hình ảnh, chỉ sự ấm áp, hơi ấm trong chăn xua tan cái lạnh giá mùa đông… 0,5
3. * Các biện pháp tu từ và tác dụng:
- Biện pháp tu từ:
+ Điệp ngữ: nắng, chúng em
+ Nhân hoá: nắng thương, nắng vào, nắng làm
- Tác dụng:
+ Khắc hoạ hình ảnh mùa đông nắng trốn vào trong những chiếc áo, chiếc khăn sưởi ấm cho con người. Đông đến thật nhẹ nhàng mà vẫn ấm nồng yêu thương.
+ Thể hiện cái nhìn trong trẻo, tâm hồn tinh tế, giàu tình cảm của nhà thơ.
1,0
0,5


0,5
4. Viết đoạn văn cảm nhận thông điệp gửi gắm trong khổ thơ cuối.
- Đảm bảo hình thức đoạn văn
- Nội dung (gợi ý): Thông điệp: Thông qua những lời thơ trong trẻo, hình ảnh thơ giàu sức gợi, tác giả ngợi ca sự ấm áp yêu thương của tình mẹ sưởi ấm, nâng niu con trẻ và tình yêu mẹ thiết tha, trong sáng, quấn quýt mà con dành cho mẹ.
 
2,0


 
II
 
  Làm văn 16,0
 1.  Suy nghĩ về ý kiến của Robert Collier: “Cơ hội thành công của bạn trong mọi chuyện luôn có thể được đo bằng niềm tin của bạn vào chính bản thân mình”. 6,0








 
a) Đảm bảo yêu cầu về bố cục của văn bản 0,5
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Niềm tin vào bản thân là yếu tố quan trọng tạo nên thành công. 0,5
c) Bài viết cần làm rõ các ý cơ bản sau:
- Giải thích ý kiến:
+ Cơ hội thành công là những điều kiện thuận lợi, thời điểm hội tụ để con người nắm bắt và gặt hái thành tựu.
+ Niềm tin vào bản thân mình: là sự tin tưởng vào năng lực, phẩm chất, giá trị của bản thân; là sự hiểu đúng mình và đánh giá được vị trí, vai trò của mình trong cuộc sống.
+ Câu nói khẳng định: niềm tin vào bản thân là thước đo giá trị, là yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của mỗi con người. Đồng thời câu nói cũng nhắc nhở con người phải có niềm tin vào bản thân mới gặt hái được thành công trong cuộc sống.
- Phân tích, chứng minh:
+ Niềm tin vào bản thân biểu hiện ở sự tự tin, ở bản lĩnh và khả năng ứng biến linh hoạt trước hoàn cảnh thử thách của cuộc sống.
+ Niềm tin vào bản thân giúp con người khẳng định được năng lực, giá trị của mình; giúp con người trưởng thành; tạo động lực, sức mạnh giúp con người phấn đấu, vượt qua được mọi khó khăn thử thách để đạt đến thành công. Niềm tin vào bản thân giúp con người nắm bắt cơ hội, tự tạo ra cơ hội cho bản thân mình tìm kiếm thành công. Người có niềm tin vào bản thân cũng sẽ nhận được sự tin tưởng từ người khác. Niềm tin vào bản thân đủ lớn thì cơ hội thành công càng cao (dẫn chứng).
- Bàn luận:
+ Niềm tin vào bản thân phải được xây dựng dựa trên thực lực, cần cẩn trọng, khiêm tốn, nếu không sẽ trở thành chủ quan kiêu ngạo, tự cao tự đại, ảo tưởng hão huyền.
+ Nếu không có niềm tin vào bản thân, gặp khó khăn vội chùn bước, buông xuôi, đánh mất hi vọng… thì sẽ không bao giờ gặt hái được thành công.
- Bài học nhận thức, hành động:
+ Hiểu, tin tưởng và trân trọng bản thân là cách con người đạt đến được nhiều giá trị sống tốt đẹp, gặt hái được nhiều thành tựu cho cuộc đời, được nhiều người quý trọng.
+ Để có được niềm tin vào bản thân thì con người cần tạo dựng cho mình một nền tảng vững chắc về trí tuệ, phẩm chất, lối sống đẹp, suy nghĩ tích cực… thì niềm tin mới dẫn lối con người vươn tới được thành công.
4,0




 
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt 0,5
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng 0,5
2. Bàn về sứ mệnh của người cầm bút, Ai-ma-tốp cho rằng : Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng hiểu biết của mình về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
10,0










 
a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài giới thiệu được vấn đề nghị luận gắn với tác giả, tác phẩm; thân bài trình bày được các luận điểm, có lập luận chặt chẽ, lí lẽ, dẫn chứng xác đáng, thuyết phục; kết bài đánh giá được khái quát về vấn đề nghị luận và thể hiện được suy nghĩ riêng của người viết. 0,5
b) Xác định đúng vấn đề nghị luận: sứ mệnh của nhà văn là khơi gợi, lay động được những tình cảm tốt đẹp, nhân văn trong người đọc, người nghe. 0,5
c) Triển khai nghị luận, vận dụng linh hoạt các thao tác nghị luận 8,0
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận 0,5
* Giải thích ý kiến :
- Ý kiến của nhà văn Ai-ma-tốp khẳng định sứ mệnh của nhà văn là thông qua tác phẩm của mình phải khơi gợi được những tình cảm nhân văn tốt đẹp ở người đọc như : sự đồng cảm với cảnh ngộ của con người, lay thức những tình cảm yêu thương, sự thấu hiểu chia sẻ hay sự bất bình, lên án, phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác để bênh vực cái tốt, cái đẹp, cái lương thiện…
- Đề cao sứ mệnh cao cả của văn chương là cảm hoá, nhân đạo hoá con người. Đó cũng là những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc, cao đẹp làm nên sức sống trường tồn cho tác phẩm mà người nghệ sĩ chân chính nào cũng muốn hướng tới.
* Phân tích, chứng minh:
- Với Chuyện người con gái Nam Xương, tác giả Nguyễn Dữ đã khơi dậy trong lòng người đọc nỗi niềm cảm thương trước thân phận bất hạnh, oan ức của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa…(dẫn chứng)
- Tác phẩm gợi lên trong người đọc, người nghe nỗi bất bình, sự căm phẫn đối với xã hội phong kiến nam quyền độc đoán đã dồn đẩy người phụ nữ tới tận cùng đau khổ, bất hạnh…(dẫn chứng)
- Thông qua tác phẩm, tác giả cũng khơi lên khát vọng bênh vực, bảo vệ, mong ước hạnh phúc cho người phụ nữ…. (dẫn chứng)
* Đánh giá :
- Thông qua nghệ thuật xây dựng, khắc hoạ nhân vật ; cốt truyện có kịch tính, sự đan xen yếu tố thực và yếu tố truyền kì, tác phẩm đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả, lay thức những tình cảm nhân văn tốt đẹp, « gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện những tình cảm ta sẵn có » (Hoài Thanh)
- Tác phẩm là tiếng nói của tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Thông qua tác phẩm, nhà văn Nguyễn Dữ đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc và tư tưởng tiến bộ : bênh vực người phụ nữ. Chính tấm lòng và tư tưởng đó của ông đã là cầu nối đến với trái tim của bạn đọc, khơi gợi những rung động mãnh liệt, những tình cảm nhân văn sâu sắc trong tâm hồn bạn đọc bao thế hệ.
- Khẳng định sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ là làm cầu nối yêu thương của văn chương với cuộc đời. Đồng thời khẳng định sức sống trường tồn của một tác phẩm văn học chính là những cảm xúc, tình cảm, tư tưởng tốt đẹp, tích cực, nhân ái mà tác phẩm, tác giả đã gieo vào trong tâm trí của người đọc.
1,0








5,0




 

1,5

 
d) Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt 0,5
e) Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. 0,5
---Hết---
 

Tổng số điểm của bài viết là: 45 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 3.8 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,840
  • Tháng hiện tại94,989
  • Tổng lượt truy cập6,791,076
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây