ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN LỚP 9 MÔN NGỮ VĂN

Thứ bảy - 17/04/2021 21:29
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI HUYỆN LỚP 9
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút
tải xuống (3)
tải xuống (3)
Phần I. Đọc – hiểu (4 điểm):  
Đọc kỹ đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:
          Một dịp cười từ dưới mặt ruộng bay lên. Hai cô học trò tay xách nón trắng, vai đeo túi sách vải hoa nhanh nhẹn bước lên đồi. Cả hai cùng tươi, khỏe và đỏ thắm như quả bồ quân. Không biết họ đang có chuyện gì vui, cứ thấy họ nhìn nhau, lại cười rả rích với nhau. Chợt cả đôi cùng đứng dừng lại, nín bặt. Họ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau và bụm chặt môi lại nhịn cười. Chắc là họ vừa chợt thấy tôi ngồi trong nhà. Thế rồi không ai bảo ai, họ cùng ù té chạy, họ chạy vòng ra lối đầu hồi nhà, vừa chạy vừa phá lên cười như nắc nẻ.
          (Kim Lân, Người chú dượng – Vợ nhặt, NXB văn học, 2008, tr. 194, 195)
          1, Xác định phương thức biểu đạt chính.
          2, Chỉ ra một phép liên kết câu được sử dụng trong đoạn trích.
          3, Tìm  thành phần biệt lập và hãy cho biết đó là thành phần gì?
          4, Thông qua tiếng cười, yếu tố miêu tả được vận dụng như thế nào để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của hai cô học trò?
Phần II. Làm văn(16 điểm):
          Câu 1. (6.0 điểm)  
          Từ những ứng xử của nhân vật Xiu đối với Giôn – xi (O – Hen – ri, Chiếc lá cuối cùng, Ngữ văn 8 – Tập I) em hãy trình bày cảm nghĩ về những sẻ chia tình cảm bạn bè trước khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
          Câu 2. (10.0 điểm)
          Bức chân dung Thúy Kiều được xây dựng trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” – trích “Truyện Kiều” – Ngữ văn 9 – Tập I, trang 81 là một thành công nghệ thuật thể hiện tài năng và tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du.
          Em hãy làm sáng tỏ vấn đề trên.
         

HƯỚNG DẪN CHẤM
I. YÊU CẦU CHUNG:
          1. Ngoài việc đánh giá , kiểm tra kiến thức cơ bản, giám khảo cần phát hiện và trân trọng những bài làm thể hiện tố chất của một học sinh giỏi: kiến thức vững chắc, sâu rộng; năng lực cảm thụ văn chương tinh tế, sâu sắc; kĩ năng làm văn tốt; diễn đạt trong sáng, có cảm xúc, có giọng điệu riêng (khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo).
          2. Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo có thể thống nhất định ra các ý chi tiết và những thang điểm cụ thể.
          3. Giám khảo cần đánh giá bài làm trong tính tổng thể ở từng câu và cả bài, không đếm ý cho điểm một cách máy móc, nhằm đánh giá học sinh trên cả hai phương diện: kiến thức và kĩ năng.
4. Tổng điểm toàn bài 20,0 điểm, chiết đến 0,25.
II. NHỮNG YÊU CẦU CỤ THỂ:
 
Câu Nội dung Điểm



Đọc – Hiểu
(4đ)
          1, Xác định đúng phương thức biểu đạt chính là tự sự
          2, Chỉ cần chỉ ra một phép liên kết câu là phép thế hoặc phép lặp.
          3, Tìm được thành phần biệt lập Chắc là. Đó là thành phần tình thái.    
           4, Yếu tố miêu tả được nhà văn vận dụng rất tinh tế. Tiếng cười xuất hiện ở các thời điểm khác nhau với những biểu cảm khác nhau. Những tiếng cười ấy cho thấy vẻ đẹp hồn nhiên, tươi vui, trong sáng và rất nữ tính của hai nhân vật này.
1,0 đ

1,0 đ

1,0 đ





1,0 đ
 

Làm văn: (16 đ)


Câu1
Làm văn
(6đ)
Yêu cầu trình bày thành một bài văn Nghị luận có cấu trúc ba phần chặt chẽ. Bài viết phải có tư duy lập luận với thái độ rõ ràng Đây là vấn đề tương đối mở. Học sinh có thể linh hoạt trong cách thể hiện nhưng cơ bản phải bám vào trọng tâm:
          Mở bài: Giới thiệu được vấn đề một cách hấp dẫn, có sức gợi. Từ cách ứng xử của Xiu gợi dẫn được vấn đề sẻ chia của tình cảm bạn bè trong cuộc sống.
          Thân bài:
             +, Đánh giá được những biểu hiện cao thượng trong cách cư xử của Xiu đối với Giôn – xi. Bất chấp chính bản thân Giôn – xi đã buông xuôi một cách đầy tuyệt vọng thì Xiu vẫn không từ bỏ.  Cô đã yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ Giôn – xi còn hơn cả những người ruột thịt. Trong cảnh ngộ éo le của Giôn – xi thì Xiu đã nêu lên một tấm gương đáng trân trọng về tình bạn. (Nội dung này chỉ cần khái quát, không cần đi vào chi tiết)

               +, Bàn luận được về bài học cuộc sống đó là ý nghĩa quan trọng của sự chia sẻ tình cảm bạn bè trước khó khăn và thử thách. Đây là lúc con người rất cô đơn, rất yếu mềm và cũng rất dễ gục ngã. Sự xuất hiện kịp thời của những tấm lòng bè bạn chân thành sẽ tạo ra những nương tựa, bấu víu quý báu.
                +, Nêu được một vài tấm gương điển hình trong cuộc sống để minh họa như hình ảnh cõng bạn đến trường.
                 +, Từ nhận thức đến hành động: Biết quan tâm, yêu thương, cảm thông, chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu khi bạn gặp khó khăn. Chấp nhận hy sinh và sẵn sàng giúp đỡ.
             Kết bài: Liên hệ về tình bạn của người học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong sáng, vô tư và hào hiệp. Vui niềm vui của bạn, buồn nỗi buồn của bạn để luôn tạo ra những đồng hành ân nghĩa, thủy chung.




1,0 đ







1,0 đ






1,5 đ




0,5 đ

1,0 đ



1,0 đ
Câu 2 làm văn. (10 đ) Yêu cầu trình bày thành một bài văn Nghị luận văn học có cấu trúc ba phần chặt chẽ. Bài viết phải có tư duy lập luận trong sáng thể hiện sự am hiểu đoạn trích một cách sâu sắc.
         Học sinh có nhiều cách trình bày song phải làm rõ một số ý cơ bản. Sau đây là gợi ý một hướng triển khai:
        Mở bài: Dẫn dắt được điểm sáng bức chân dung Thúy Kiều trong đoạn trích cho thấy tài năng và tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du.
         Thân bài:
         +, Tài năng của Nguyễn Du:
  • Sử dụng nghệ thuật đòn bẩy. Mượn Thúy Vân để làm nổi bật Thúy Kièu
  • Vận dụng bút pháp ước lệ linh hoạt để có được thành công trong việc xây dựng nhân vật. Bức chân dung dung của Thúy Kiều có nhiều sự khác biệt so với Thúy Vân.
  • Sử dụng từ ngữ điêu luyện.
  • Dự báo được số phận của nhân vật.
+, Tấm lòng của nhà thơ:
  • Trân trọng trước tài sắc vẹn toàn của nàng Kiều.
  • Cảm thông trước một số phận tài hoa nhưng bạc mệnh.
Hai nội dung tài năng và tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du học sinh có thể làm tách thành hai luận điểm lớn hoặc lồng vào nhau miễn là hợp lý. Trong quá trình phân tích từ mỗi ý nhỏ phải bám vào văn bản đoạn trích.
           Kết bài: Khẳng định được giá trị của kiệt tác Truyện Kiều nói chung và hình tượng nghệ thuật Thúy Kiều nói riêng.

 





1,0 đ






4,0 đ







4,0 đ





1,0 đ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay9,071
  • Tháng hiện tại121,688
  • Tổng lượt truy cập6,977,992
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây