SỬ DỤNG HÓA CHẤT, DỤNG CỤ VÀ CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN AN TOÀN

Thứ sáu - 04/08/2023 21:05
1. Một số dụng cụ thực hành, thí nghiệm
Các dụng cụ thường dùng trong phòng thực hành được chia làm nhiều loại theo công dụng của chúng:
- Dụng cụ đo thể tích: ống đong, cốc chia vạch,…
- Dụng cụ chứa hóa chất: ống nghiệm, lọ thủy tinh, bình tam giác,…
- Dụng cụ đun nóng: đèn cồn, bát sứ,…
- Dụng cụ lấy hóa chất: thìa thủy tinh, ống hút nhỏ giọt,…
- Một số dụng cụ thí nghiệm khác: giá thí nghiệm bằng sắt, kẹp ống nghiệm, giá để ống nghiệm
2. Một số hóa chất thường dùng
Các hóa chất trong phòng thực hành có thể được phân loại thành các nhóm:
- Dựa vào thể (trạng thái) của chất: hóa chất dạng rắn, hóa chất dạng lỏng, hóa chất dạng khí.
- Dựa vào tính chất của hóa chất: hóa chất nguy hiểm (acid, base,…), hóa chất dễ cháy, nổ (cồn, benzene,…).
3. Quy tắc sử dụng hóa chất an toàn
Một số quy tắc sử dụng hóa chất an toàn trong phòng thực hành:
- Tuyệt đối không làm đổ vỡ, không để hóa chất bắn vào người và quần áo. Không rót cồn quá đầy cho đèn cồn, không mồi lửa cho đèn cồn này bằng đèn cồn khác, đèn cồn dùng xong cần đậy nắp để tắt lửa.
- Hóa chất trong phòng thực hành phải đựng trong lọ có nút đậy kín, phía ngoài có dán nhãn ghi tên hóa chất. Nếu hóa chất có tính độc hại, trên nhãn có ghi chú riêng.
- Không dùng tay tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
- Không cho hóa chất này vào hóa chất khác (ngoài chỉ dẫn).
- Hóa chất dùng xong nếu thừa, không được cho trở lại bình chứa.
- Không nếm hoặc ngửi trực tiếp hóa chất.
- Sử dụng kính bảo hộ và găng tay để đảm bảo an toàn trong quá trình làm thí nghiệm.
4. Một số thiết bị điện
Thiết bị điện có thể chia làm nhiều loại dựa vào vai trò và chức năng riêng:
- Thiết bị lắp mạch điện: bóng đèn, diode, chuông,…
- Thiết bị đo dòng điện: ammeter, voltmeter, đồng hồ đo điện đa năng,…
- Nguồn điện: pin, máy biến áp,…
- Thiết bị bảo vệ: cầu chì, relay, cầu dao tự động,…
5. Biện pháp sử dụng điện an toàn
Một số lưu ý để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện cho học sinh:
- Chỉ làm thí nghiệm với các nguồn điện có hiệu điện thế dưới 40V.
- Phải sử dụng các dây dẫn có vỏ cách điện.
- Cẩn thận khi sử dụng mạng điện dân dụng (220V) và các thiết bị có liên quan đến điện.
- Khi có người bị giật điện thì không chạm vào người đó mà tìm cách ngắt ngay công tắc điện và gọi người đến cấp cứu.
Câu 1. Hãy cho biết một số dụng cụ thường dùng trong thực hành thí nghiệm.
- Dụng cụ đo thể tích: ống đong, cốc chia vạch,…
- Dụng cụ chứa hóa chất: ống nghiệm, lọ thủy tinh, bình tam giác,…
- Dụng cụ đun nóng: đèn cồn, bát sứ,…
- Dụng cụ lấy hóa chất: thìa thủy tinh, ống hút nhỏ giọt,…
- Một số dụng cụ thí nghiệm khác: giá thí nghiệm bằng sắt, kẹp ống nghiệm, giá để ống nghiệm,…
Câu 2. Để đọc được giá trị chính xác khi đo thể tích chất lỏng, em cần chú ý điều gì? Giải thích.
Để đọc được giá trị chính xác khi đo thể tích chất lỏng cần:
- Đặt dụng cụ đo thẳng đứng (để đo được thể tích chất lỏng một cách chính xác).
- Đặt tầm mắt ngang bằng với phần đáy lõm dung dịch, dóng đến vạch chỉ thị và đọc chỉ số (để đọc được giá trị thể tích chính xác).
Câu 3. Để bảo quản các hóa chất rắn nên dùng dụng cụ nào trong Hình 1.2? Giải thích.
Để bảo quản hoá chất rắn nên dùng lọ thuỷ tinh có nút nhám, do dụng cụ này kín (có nắp) giúp hạn chế tạp chất lẫn vào hoá chất rắn, ngoài ra còn giúp làm chậm sự oxi hoá của hoá chất.
Câu 4. Tại so không lấy đầy hóa chất lỏng vào ống nghiệm khi làm thí nghiệm?
Không lấy đầy hoá chất lỏng vào ống nghiệm khi làm thí nghiệm, chỉ nên lấy hoá chất lỏng dưới ½ ống nghiệm, để:
+ Thuận lợi cho quá trình thao tác;
+ Ngăn ngừa rơi vãi hoá chất, gây nguy hiểm cho người thí nghiệm và mọi người xung quanh.
Câu 5. Vì sao khi tắt lửa đèn cồn ta nên đậy nắp nhanh?
Do cồn dễ bay hơi, dễ bắt lửa (dễ cháy) do đó để tắt lửa đèn cồn ta nên đậy nhanh nắp và tuyệt đối không dùng miệng thổi để tắt lửa đèn cồn.
Câu 6. Hãy nêu cách sử dụng ống hút nhỏ giọt.
Khi sử dụng, bóp quả bóp cao su và nhúng đầu nhọn của ống vào trong chất lỏng hoặc dung dịch, từ từ nhả quả bóp cao su để chất lỏng hoặc dung dịch đi vào bên trong thân ống. Sau đó, cho ống hút nhỏ giọt vào dụng cụ thí nghiệm, nhẹ nhàng bóp quả bóp cao su để đẩy chất lỏng hoặc dung dịch ra ngoài.
Câu 7. Hãy nêu một số dụng cụ hỗ trợ thí nghiệm và công dụng của chúng.
- Giá thí nghiệm bằng sát: dùng để giữ cố định bình cầu, bình tam giác, ống nghiệm,… trong các thí nghiệm đun, chiết, tách.
- Giá để ống nghiệm: dùng để đặt các ống nghiệm trong quá trình làm thí nghiệm.
- Kẹp ống nghiệm: dùng để hỗ trợ giữ chặt óng nghiệm giúp thực hiện an toàn các thí nghiệm.
Câu 8. Để đảm bảo an toàn, người làm thí nghiệm không được trực tiếp cầm ống nghiệm bằng tay mà phải dùng kẹp gỗ. Kẹp ống nghiệm ở vị trí nào là đúng? Giải thích.
Kẹp ống nghiệm bằng kẹp ở khoảng 1/3 ống nghiệm tính từ miệng ống.
Mục đích:
+ Thuận lợi cho thao tác thí nghiệm;
+ Hạn chế rơi ống nghiệm, hoặc rơi vãi hoá chất trong ống nghiệm ra ngoài gây nguy hiểm.
Câu 9. Quan sát Hình 1.6, hãy chỉ ra hóa chất ở thể rắn, lỏng và khí.
- Hóa chất ở thể rắn: Kẽm (Zinc, Zn), Lưu huỳnh (Sulfur, S), Calcium carbonate (CaCO3),…
- Hóa chất ở thể lỏng: dung dịch Copper(II) sulfate (CuSO4), dung dịch Bromine (Br2),…
- Hóa chất ở thể khí: Oxygen (O2),…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay4,368
  • Tháng hiện tại206,894
  • Tổng lượt truy cập8,310,099
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây