VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, PHẠM VI LÃNH THỔ VIỆT NAM

Chủ nhật - 27/06/2021 05:13
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Vị trí địa lí
- Việt Nam nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương tiếp giáp Biển Đông gần trung tâm Đông Nam Á, trên các đường hàng hải, đường bộ và đường hàng không quốc tế.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
- Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực có hoạt động kinh tế sôi động nhất thế giới.
2. Phạm vi lãnh thổ
Lãnh thổ Việt Nam gồm 3 bộ phận :
- Phần đất liền :
+ Có diện tích 329 297 km2.
+ Có hệ toạ độ : 8º34’B - 23º23’B và 102º10’Đ - 109º24’Đ.
+ Tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc, Lào và Cam-pu-chia ở phía tây, phía đông và nam giáp Biển Đông và vịnh Thái Lan, nằm hoàn toàn trong múi giờ số 7.
- Phần biển : Có diện tích trên 1 triệu km2 gồm 5 bộ phận : nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Nếu kể cả biển, lãnh thổ nước ta kéo dài xuống tận vĩ tuyến 6º50’B và ra tận kinh tuyến 117º20’Đ.
- Vùng trời : Là khoảng không gian vô tận bao phủ lên trên lãnh thổ.
3. Ý nghĩa của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ
a) Về tự nhiên
- Vị trí địa lí quy định đặc điểm cơ bản của thiên nhiên nước ta là tính nhiệt đới ẩm gió mùa.
- Vị trí địa lí đã góp phần làm cho nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú.
- Vị trí địa lí và hình dạng lãnh thổ làm cho thiên nhiên nước ta có sự phân hoá đa dạng.
- Vị trí địa lí cũng đặt chúng ta trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
b) Về dân cư và xã hội
- Vị trí địa lí làm cho nước ta có một cộng đồng dân cư gồm nhiều thành phần dân tộc.
- Vị trí địa lí cũng làm cho nước ta có nhiều nét tương đồng về mặt văn hoá với các nước trong khu vực do cùng chịu ảnh hưởng của các nền văn minh lớn.
c) Về kinh tế
- Nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nóng quanh năm, nguồn nhiệt dồi dào, nước ta có thể hoạt động kinh tế suốt năm, có thể phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới thâm canh, đa canh.
- Với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nước ta có thể phát triển một nền kinh tế với cơ cấu ngành đa dạng.
- Nằm ở vị trí trung tâm vùng Đông Nam Á, tiếp giáp với Biển Đông, nước ta trở thành một “quốc gia mặt tiền”, là cửa ngõ thông ra biển của nhiều nước trong khu vực.
- Nằm ở vị trí ngã tư giao thông quốc tế, nước ta có thể liên lạc dễ dàng với các nước bằng nhiều loại hình giao thông vận tải khác nhau, đó là tiền đề để phát triển kinh tế, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập, thu hút vốn đầu tư của các nước.
- Nằm trong khu vực có hoạt động kinh tế sôi động của thế giới, nước ta dễ dàng tiếp thu vốn, kĩ thuật và công nghệ hiện đại của các nước, tăng cường giao lưu buôn bán.
- Tuy nhiên, vị trí địa lí cũng đặt nước ta trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai phải có những biện pháp phòng tránh hữu hiệu, và trong khu vực có sự cạnh tranh gay gắt.
B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Lãnh thổ nước ta trải dài :
              A. Trên 12º vĩ.     B. Gần 15º  vĩ.     C. Gần 17º vĩ.      D. Gần 18º vĩ.
Câu 2.   Nội thuỷ là :
              A. Vùng nước tiếp giáp với đất liền nằm ven biển.
              B. Vùng nước tiếp giáp với đất liền phía bên trong đường cơ sở.
              C. Vùng nước cách đường cơ sở 12 hải lí.                  D. Vùng nước cách bờ 12 hải lí.
Câu 3.   Đây là cửa khẩu nằm trên biên giới Lào - Việt.
              A. Cầu Treo.        B. Xà Xía.            C. Mộc Bài.         D. Lào Cai.
Câu 4.   Đường cơ sở của nước ta được xác định là đường :
              A. Nằm cách bờ biển 12 hải lí.        B. Nối các  điểm có độ sâu 200 m.
              C. Nối các mũi đất xa nhất với các đảo ven bờ.
              D. Tính từ mức nước thủy triều cao nhất đến các đảo ven bờ.
Câu 5.   Đi từ bắc vào nam theo biên giới Việt - Lào, ta đi qua lần lượt các cửa khẩu :
              A. Tây Trang, Cầu Treo, Lao Bảo, Bờ Y.
              B. Cầu Treo, Tân Thanh, Lao Bảo, Bờ Y.
              C. Bờ Y, Lao Bảo, Cầu Treo, Tây Trang.
              D. Lao Bảo, Cầu Treo, Tây Trang, Bờ Y.
Câu 6.   Nước ta có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú nhờ :
              A. Lãnh thổ kéo dài từ 8º34’B đến 23º23’B nên thiên nhiên có sự phân hoá đa dạng.
              B. Nằm hoàn toàn trong miền nhiệt đới Bắc bán cầu thuộc khu vực châu Á gió mùa.
              C. Nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và hải dương trên vành đai sinh khoáng của thế giới.
              D. Nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và hải dương trên đường di lưu của các loài sinh vật.
Câu 7.   Đây là cảng biển mở lối ra biển thuận lợi cho vùng Đông Bắc Cam-pu-chia.
              A. Hải Phòng.     B. Cửa Lò.           C. Đà Nẵng.        D. Nha Trang
Câu 8.   Thiên nhiên nước ta bốn mùa xanh tươi khác hẳn với các nước có cùng độ vĩ ở Tây Á, châu Phi là nhờ :
              A. Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nội chí tuyến.
              B. Nước ta nằm ở trung tâm vùng Đông Nam Á.
              C. Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp của nhiều hệ thống tự nhiên.
              D. Nước ta nằm tiếp giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển trên 3260 km.
Câu 9.   Quần đảo Trường Sa thuộc :
              A. Tỉnh Khánh Hoà.                        B. Thành phố Đà Nẵng.
              C. Tỉnh Quảng Ngãi.                       D. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Câu 10. Loại gió có tác động thường xuyên đến toàn bộ lãnh thổ nước ta là :
              A. Gió mậu dịch.                             B. Gió mùa.
              C. Gió phơn.                                    D. Gió địa phương.
Câu 11. Vị trí địa lí nước ta tạo điều kiện thuận lợi cho việc :
              A. Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới.
              B. Mở rộng quan hệ hợp tác với  các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
              C. Phát triển các ngành kinh tế biển.
              D. Tất cả các thuận lợi trên.
Câu 12. Đối với vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam có nghĩa vụ và quyền lợi nào dưới đây ?
              A. Có chủ quyền hoàn toàn về thăm dò, khai thác, bảo vệ, quản lí các tất cả các nguồn tài nguyên.
              B. Cho phép các nước tự do hàng hải, hàng không, đặt ống dẫn dầu, cáp quang ngầm.
              C. Cho phép các nước được phép thiết lập các công trình nhân tạo phục vụ cho thăm dò, khảo sát biển.
              D. Tất cả các ý trên.
Câu 13. Đối với vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam cho phép các nước :
              A. Được thiết lập các công trình và các đảo nhân tạo.
              B. Được tổ chức khảo sát, thăm dò các nguồn tài nguyên.
              C. Được tự do hàng hải, hàng không, đặt ống dẫn dầu và cáp quang biển.
              D. Tất cả các ý trên.
Câu 14. Xét về góc độ kinh tế, vị trí địa lí của nước ta :
              A. Thuận lợi cho việc trao đổi, hợp tác, giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới.
              B. Thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế, các vùng lãnh thổ ; tạo điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với các nước và thu hút đầu tư của nước ngoài.
              C. Thuận lợi trong việc hợp tác sử dụng tổng hợp các nguồn lợi của Biển Đông, thềm lục địa và sông Mê Công với các nước có liên quan.
              D. Thuận lợi cho việc hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kĩ thuật với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Câu 15. Đặc điểm của thiên nhiên nhiệt đới - ẩm - gió mùa của nước ta là do :
              A. Vị trí địa lí và hình dáng lãnh thổ quy định.
              B. Ảnh hưởng của các luồng gió thổi theo mùa từ phương bắc xuống và từ phía nam lên.
              C. Sự phân hóa phức tạp của địa hình vùng núi, trung du và đồng bằng ven biển.
              D. Ảnh hưởng của Biển Đông cùng với các bức chắn địa hình.
Câu 16. Ở nước ta, loại tài nguyên có triển vọng khai thác lớn nhưng chưa được chú ý đúng mức :
              A. Tài nguyên đất.                           B. Tài nguyên biển.
              C. Tài nguyên rừng.                         D. Tài nguyên khoáng sản.
Câu 17. Ở nước ta, khai thác tổng hợp giá trị kinh tế của mạng lưới sông ngòi dày đặc cùng với lượng nước phong phú là thế mạnh của :
              A. Ngành công nghiệp năng lượng ; ngành nông nghiệp và giao thông vận tải, du lịch.
              B. Ngành khai thác, nuôi trồng và chế biển thủy sản nước ngọt.
              C. Ngành giao thông vận tải và du lịch.
              D. Ngành trồng cây lương thực - thực phẩm.
Câu 18. Biển Đông là vùng biển lớn nằm ở phía :
              A. Nam Trung Quốc và Đông Bắc Đài Loan.
              B. Phía đông Phi-líp-pin và phía tây của Việt Nam.
              C. Phía đông Việt Nam và tây Phi-líp-pin.
              D. Phía bắc của Xin-ga-po và phía nam Ma-lai-xi-a.
Câu 19. Vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia trên đất liền, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán với :
              A. Trung Quốc và Lào.                    B. Lào và Cam-pu-chia.
              C. Cam-pu-chia và Trung Quốc.     D. Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia
Câu 20. Thế mạnh của vị trí địa lí nước ta trong khu vực Đông Nam Á sẽ được phát huy cao độ nếu biết kết hợp xây dựng các loại hình giao thông vận tải :
              A. Đường ô tô và đường sắt.                                       B. Đường biển và đường sắt.
              C. Đường hàng không và đường biển.                         D. Đường ô tô và đường biển.

C. ĐÁP ÁN
1. C 2. B 3. A 4. C 5. A 6. D
7. C 8. D 9. A 10. A 11. B 12. A
13. C 14. B 15. A 16. B 17. A 18. C
19. C 20. C        

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay4,603
  • Tháng hiện tại182,745
  • Tổng lượt truy cập8,285,950
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây