BÀI CA "CON CÒ ĐI ĂN ĐÊM

Thứ năm - 29/10/2020 05:13
Cánh cò trong ca dao sao đẹp thế! Màu xanh của lúa điểm trắng cánh cò sớm sớm chiều chiều. “Con cò bay lả bay la – Bay từ cửa phủ bay ra cánh dồng…” Con cò là người bạn thân thiết, hiền lành của nhà nông. Con cò trong ca dao là hiện thân của người dân cày quê ta: chất páhc, siêng năng, cần mẫn, trải qua nhiều vất vả, gieo neo. Cánh cò từ hàng ngàn năm xa xưa đã nhập vào tâm hồn tuổi thơ qua lời ru êm ái, ngọt ngào của mẹ:
tải xuống (3)
tải xuống (3)
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
          Bài ca dao mượn tiếng kêu thương của con cò lâm nạn đẻ nói lên thân phận vất vả, bất hạnh của nhà nông, ca ngợi một tâm thế đẹp, thà chết trong còn hơn sống đục.
          Câu đầu nói về một cuộc đời, về một thân phận. Câu da đọc lên nghe nhiều thương cảm, ai oán”
          “Con cò mà đi ăn đêm”
          Vạc mới đi ăn đêm, chứ cò thì kiếm ăn ban ngày. Cò phải đia ăn đêm, đó là một nghịch lý trong cuộc đời. Cuộc sống của cò nhiều lận đận, vất vả. Chữ “mà” trong câu ca làm nổi bật cấu trúc tương phản, gợi lên nhiều xót xa cảm thương cho một đời cò! Tục ngữ, ca dao của Vũ Ngọc Phan ghi là: “Con cò mày đi ăn đêm”.
          Cần cù, chịu khó kiếm ăn tưởng sẽ được ấm no, hạnh phúc? Bầy cò con chắc sẽ được mẹ cò tha mồi về tổ cho nhiều hơn? Cuộc đời vất vả gian truân thế, cò còn phải trải fqua nhiều bất hạnh đắng cay, nhiều hoạn nạn đau đớn không thể nào kể xiết! Cò đã “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”. Cò có cánh, cò bay giỏi, cò có rơi xuống ao thì vẫn bay lên được. Hai từ “lộn cổ” nói lên tai họa cò gặp phải. Cò không thể nào thoát hiểm được khi bị “lộn cổ xuống ao”. Tiếng cò cất lên trong đêm khuya sao mà thảm thương thế. Câu cảm thán diễn tả tiếng kêu cứu, lời phân trần của cò:
          “Ông ơi ông vớt tôi nao.
          Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”.
          Ba từ “ông”, hai từ “tôi” được điệp lại như nốt nhấn bi thảm của bài ca. Cò mong “ông” cứu vớt, đoái thương. “Tôi có lòng nào…” là lời phân trần: cò đi ăn đêm… nhưng cò không phải là kẻ bất lương, mà cò hiền lành, lương thiện.
          Con cò trong bài ca dao là hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng về người nông dân “hai sương một nắng”. Đó là những con người hiền lành, chất phác cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó trong cuộc đời. Bất hạnh của con cò “lộn cổ xuống ao” cũng là những bất hạnh, hoạn nạn của nhà nông đứng trước mọi thế lực thống trị và áp bưc trong xã hội. Sưu cao thuế nặng. Ách thống trị nặng nề của bọn vua quan. Nạn áp bức, bòn rút của bọn địa chủ, cường hào. “Phần thuế quan Tây, phần trả nợ” - Nửa công đưa ở, nửa thuê bò” (Nguyễn Khuyến). Trải qua hàng ngàn năm, người nông dân Việt Nam đã đổ mồ hôi vất vả làm ra củ khoai, hạt gạo nuôi sống nhân dân, nhưng cuộc đời của họ có khác gì thân phận con cò trong bài ca dao nay. Tiếng kêu thương của con cò đã vọng vào cuộc đời theo thời gian năm tháng. Bài ca dao đã gieo vào lòng chúng ta sự xót thương, đồng cảm với bao nạn nhân trong xã hội, nhất là đối với số phận người nông dân Việt Nam đêm trước cách mạng Tháng Tám.
          Bài ca dao càng trở nên sâu sắc và thấm thía khi chúng ta đọc đến hai câu cuối:
          “Có xáo thì xáo nước trong,
          Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”.
          Gặp tai họa chưa chắc đã thoát hiểm: tính mạng nghìn cân treo sợi tóc. Trước cái chết cầm chắc trong tay, thế mà cò chỉ nghĩ đến bầy con thơ, thương bầy con nhỏ tội nghiệp. Cò giàu tình thương yêu, giàu đức hy sinh và vị tha. Cò cam chịu số phận. Những phẩm chất ấy của cò cũng là những đức tính của nhà nông quê ta.
          Cái đặc sắc của bài ca dao là ngoài tình cảm nhân đạo còn hàm chứa tư tưởng rất đẹp. Đã có câu tục ngữ nêu lên cách ứng xử “đói cho sạch, rách cho thơm”. Đã có bài ca dao ca ngợi một tâm thế thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bun”. Đã có một thế đứng cao đẹp như dáng trúc trước hoạn nạn: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Ở đây cũng vậy, qua thân phận con cò, nhà thơ dân gian đã nêu lên một triết lý nhân sinh tuyệt đẹp, ca ngợi tâm hồn trong sáng, hồn hậu: thà chết trong còn hơn sống đục! Hai chữ “trong” và “dục” tương phản nhau, lời nguyền của kẻ tử nạn trở nên thống thiết, khẳng định một lẽ sống đẹp. Chữ “xáo” được điệp lại 4 lần, ý thơ được nhấn mạnh diễn tả sự đinh của người bất hạnh trong cảnh ngộ đáng thương.
          Cuộc đời của anh Pha, chị Dậu, lão Hạc… có khác gì cuộc đời và thân phận con cò “lộn cổ xuống ao” trong bài ca dao này? Lão Hạc “thà chết trong còn hơn sống đục”; trước lúc kết thúc cuộc đời bằng cái bả chó, lão đã gửi lại ông giáo mảnh vườn cho đứa con tra tha hương chưa về, gời lại tiền cho ông giáo để lo việc tang ma… Người nhà quê tuy nghèo khổ nhưng tâm thế của họ đẹp lắm, đáng tự hào lắm.
          Bài ca dao này cũng như phần lớn các bài ca dao dân ca đều được viết bằng thẻ thơ lục bát. Bốn câu đầu, cách gieo vần rất sáng tạo độc đáo. Chữ cuối câu lục không vần với chữ thứ 6 câu 8 như thường lệ mà lại vần với chữ thứ 4 câu bát. Người ta gọi đó là lục bát biến thể”
          “Con cò mà đi ăn đêm,
          Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
          Ông ơi ông vớt tôi nao.
          Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng…”
          Âm điệu bài ca như tiếng nấc, đọc lên nghe thật là ai oán, cay đắng nghẹn ngào. Các biện pháp nghệ thuật như ẩn dụ, điệp từ và cảm thán đã góp phần làm tăng tính thẩm mĩ và biểu cảm của bài thơ dân gian này.
          Thương con cò lâm nạ “lộn cổ xuống ao…”, thương “con cò đi đón cơn mưa…”, thương “con cò chết rũ trên cây…”, chúng ta nghìn lần thương yêu, kính phục người dân cày Việt Nam. Hơn 80% dân số nước ta làm nghề nông. Nghề nông là nghề căn bản của dân tộc. Trải qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, người dân cày Việt Nam đã từng dùng gộc tre đánh giặc, siêng năng cày bừa cấy hái để làm nên những bát cơm đầy dẻo thơm:
          “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc,
          (…) Cái kèo cái cột thành tên,
          Hạt gạo phải một nắng hai sương
          Xay giã giần sàng,
          Đât nước có từ ngày đó…”
                                          (Nguyễn Khoa Điềm)
          Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua, anh bộ đội cụ Hồ là người nông dân mặc áo lính. Cần cù, dũng cảm, yêu nước, chất phác… là phẩm chất cao quý của nhà nông quê ta… Học bài ca dao “Con cò mà đi ăn đêm” ta thêm thương yêu kính phục họ. Bài học thà chết trong còn hơn sống đục mà nhà thưo dân gian gửi cho đến nay vẫn còn có nhiều ý nghĩa đối với thế hệ trẻ chúng ta.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay3,028
  • Tháng hiện tại96,576
  • Tổng lượt truy cập7,822,454
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây