kho bài tậpLưu giữ các loại bài tập dành cho học sinh
GỢI Ý VÀ BÀI LUẬN VỀ CÁC TÁC GIẢ TÁC PHẨM ĐƯỢC HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 7
Thứ năm - 29/10/2020 05:11
NGUYỄN KHUYẾN Nguyễn Khuyến (1835-1909) là nhà thơ Nôm kiệt xuất của dân tộc. Ông để lại nhiều bài thơ nói về tình bạn: bạn cùng quê, bạn đồng học, bạn đồng khoa…
- “Ai lên thăm hỏi bác Châu Cầu Lụt lội năm nay bác ở đâu…” (Lụt hỏi thăm bạn) - “Bác Dương thôi đã thôi rồi Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…” (Khóc Dương Khuê) Châu cầu, Dương Khuê là hai bạn đồng khoa của Nguyễn Khuyến. Bài “Bạn đến chơi nhà” là một trong những bài thơ Nôm đặc sắc của ông, nói lên một tình bạn đẹp. Câu nhập đề rất tự nhiên, như một lời nói mộc mạc của nhà thơ sau bao tháng ngày mới gặp lại bạn. Lời chao vồn vã, biểu lộ niềm vui mừng không xiết: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà”. Chữ “bác” gợi lên thái độ niềm nở, thân mật và kính trọng, một cách xưng hô thân tình. Đằng sau câu thơ - lời chào hỏi – có thể là những giọt lệ ứa ra ở khoé mắt đôi bạn già. “Đã bấy lâu nay” là bao năm tháng? Tính thời gian không được xác định cụ thể, nhưng chắc chắn là đã khá lâu, vì sức yếu, tuổi già… nên xiết bao đợi chờ, mong nhớ. Bộ phận trạng ngữ chỉ thời gian được đặt lên đầu câu thơ diễn tả sự xac cáhc nhớ mong, làm nổi bật ý thơ: niềm xúc động và niềm vui sướng vô hạn khi gặp lại bạn. Trong bài thơ “Khóc Dương Khuê”, có một chi tiết giúp ta cảm nhận được mọt phần nào cái hay, cái tình ẩn chứa trong câu nhập đề: “Muốn đi lại tuổi già thêm nhác, Trước ba năm gặp bác một lần, Cầm tay hỏi hết xa gần Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”. Chữ “bác” được nói đến trong bài thơ “Bạn đến chơi nhà” là bạn chí thân, ở xa, lâu ngày mới gặp nên Nguyễn Khuyến rất mừng và cảm động. Sáu câu thơ tiếp theo toát lên một nụ cười hóm hỉnh. Một ý thơ bao trùm: Đã lâu ngày bạn mới đến chơi, biết lấy gì đãi bạn đây? Một tình thế khá éo le: “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”. Chữ “thời” (thì) là một hư từ, rất ít khi xuất hiện trong thơ vì dễ rơi vào sự tầm thường nhạt nhẽo. Nhưng dưới ngòi bút Tam nguyên Yên Đổ, nó trở nên thanh thoát tự nhiên vô cùng, chứng tỏ ông có một bản lĩnh nghệ thuật già dặn, điêu luyện. Nguyễn Khuyến sau khi cáo quan, lui về sống bình dị ở chốn vườn Bùi quê cũ, với “năm gian nhà cỏ thấp le te”, với một cơ ngơi: “Chín sào tư thổ là nơi ở, Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà”. (Ngày xuân dạy các con – 1) Phần thực và luận, tính hệ thống của ngôn ngữ thơ rất chặt chẽ, nhất quán ở một cách nói, một lối biểu cảm: Có tất cả mà cũng chẳng có gì để đãi bạn thân! Có ao và cá, có vườn và gà, có cà và cải, có mướp và bầu… Bức tranh vườn Bùi thân thuộc hiện lên sống động, vui tươi. Một nếp sống thong dã chất phác, cần cù, bình dị đáng yêu. Một cuộc đời thanh bạch, ấm áp cây đời và tình người rất đáng tự hào. Chúng ta như cảm thấy Nguyễn Khuyến đang dắt tay bạn ra thăm vườn cây ao cá, tận hưởng thú vui dân dã của một ông quan về quê ở ẩn. Phép đối hợp cách, chặt chẽ; cảnh với cảnh, thượng hạ, trắc - bằng phân minh, tạo nên một giọng thơ nhẹ nhàng, vui tươi lời thơ cân xứng, hoà hợp như cảnh vườn tược xinh xắn, hữu tình: “Ao sâu nước cả, khôn chài cá Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà”. Dân gian có câu: “Khách đến chơi nhà khong gà cũng vịt”. Qua các câu thơ trên, ta thấy Nguyễn Khuyến đang giãi bày với bạn: trong nhà ngoài vườn có bao nhiêu thứ, nhưng thực ra chẳng có gì để thết bạn, đãi bạn vì tất cả mọi thứ, mọi thức chưa đến lúc, đến thời! Câu thơ thứ bảy tiếp nối và mở rộng ý thơ trên, khẳng định luôn cái “không có”: “Đầu trò tiếp khách trầu không có”. Phải chăng cái nghèo của cụ Tam nguyên Yên Đổ đã đến mức ấy ư? “Vẻ chi một mớ trầu cay” (ca dao). Nhà thơ đã thậm xưng hoá cái nghèo, thi vị hoá cái nghèo. Một ông quan to triều Nguyễn về quê ở ẩn, với một cơ ngơi “chín sào tư thổ là nơi ở” thì không thể “miếng trầu là đầu câu chuyện” để tiếp bạn cũng “không có”. Đây là một lời thơ hóm hỉnh, pha chút tự trào vui vui, để bày tỏ một cuộc sống thanh bạch, một tâm hồn thanh cao của một nhà nho khước từ lương bổng của thực đan Pháp, lui về sống bình dị giữa xóm làng quê hương. Câu kết là một sự “bùng nổ” về ý và tình. Tiếp bạn chẳng cần có mâm cao, cỗ đầy, cao lương mĩ vị, cơm gà cá gỏi, mà chỉ có một tấm lòng, một tình bạn chân thành, thắm thiết: “Bác đến chơi đây, ta với ta”. Lần thứ hai, chữ “bác” đã xuất hiện trong bài thơ, thể hiện mọt sự trìu mến, kính trọng. Bác đã không quản tuổi già sức yếu, không quản đường sá xa xôi đến thăm tôi, còn gì quý hoá bằng! Tình bạn là trên hết. Không một thứ vật chất nào có thể thay thế được tình bạn tri âm, tri kỉ. Mọi cái đều “không có” nhưng lại “có”; tình bằng hữu thân thiết. Chữ “ta” là đại từ nhẵnng, trong bài thơ này là “tôi”, là “bác”, là “hai chúng ta”, không có gì cách bức nữa. Cụm từ “ta với ta” biểu lộ một niềm vui trọn vẹn, tràn đầy và lắng đọng trong tâm hồn, toả rộng trong không gian và thời gian. Với cụm từ “ta với ta” trong câu thơ “Một mảnh tình riêng ta với ta” của Bà Huyện Thanh Quan là nỗi buồn cô đơn của khách ly hương khi đứng trên đỉnh đèo Ngang lúc hoàng hôn, còn ở đây, trong câu thơ của Nguyễn Khuyến lại ấm áp tình đời và sau nặng tình bạn. Qua đó, ta cảm nhận được phần nào tính cá thể hoá cua ngôn ngữ và sắc điệu trữ tình tạo nên giá trị văn chương trong những bài thơ cổ. Có đọc qua một số bài thơ của Nguyễn Khuyến viết về tình bạn, ta mới thấy cái hay, cái ý vị của bài thơ “Bạn đến chơi nhà”: “Từ trước bảng vàng nhà sẵn có, Chẳng qua trong bác với ngoài tôi” (“Gửi bác Châu Cầu”) “Đến thăm bác, bác đang đau ốm, vừa thấy tôi, bác nhổm dậy ngay. Bác bệnh tật, tôi yếu gầy. Giao du rồi biết sau này ra sao?” (“Gửi thăm quan Thượng thư họ Dương”) Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, niêm luật, đối chặt chẽ, hợp cách. Ngôn ngữ thuần nôm, không có một từ Hán - Việt nào, đọc lên nghe thanh thoát, nhẹ nhàng, tự nhiên. Ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến xuất thân thành chương. Đặc biệt bố cục bài thơ không theo qui cách; đề, thực, luận, kết – mà lại cấu trúc theo: (1+6+1) câu đầu nói lên niềm vui khi bạn đến; 6 câu giữa hóm hỉnh, cười vui không có gì để tiếp bạn; câu cuối chỉ có tình bạn đẹp mà thôi! Bài thơ nôm khó quên này cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao, chân tình, một tấm lòng hồn hậu, đẹp đẽ. Tình bạn của Nguyễn Khuyến trong sáng, thanh bạch, đối lập với nhan tình thế thái “còn bạc, còn tiền, còn đệ tử - Hết cơm hết rượu hết ông tôi” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kịch liệt lên án. Hai nhà thơ sống cách nhau mấy trăm năm mà có chung một tâm hồn lớn: nhân hậu, thuỷ chung, thanh bạch. Tâm hồn đó, tấm lòng đó của tiền nhân đối với ngày nay vẫn xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người soi chung. Nguyễn Khuyến không những là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam mà còn là nhà thơ của tình bạn trong sáng, thuỷ chung và cao đẹp rất đáng yêu, đáng kính.
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi, Này của Xuân Hương mới quệt rồi. Có phải duyên nhau thì thắm lại, Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
Tác giả
Hồ Xuân Hương sống vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Gốc gác gia đình ở Nghệ An sống nhiều năm ở phường Khán Xuân, gần Hồ Tây, thành Thăng Long. Bà có tài thơ Nôm, giàu cá tính, một cuộc đời "bảy... nổi ba chìm"!
Tác phẩm hiện còn trên dưới 50 bài thơ Nôm Đường luật và tập "Lưu Hương kí" bằng chữ Hán.
Hồn thơ dân tộc và phong vị đồng quê là bản sắc thơ Hồ Xuân Hương. Trong thơ của nữ sĩ có tình yêu thương, quí mến người phụ nữ, có tâm hồn nồng nhiệt với cuộc sống và thiên nhiên, có thái độ phủ định đối với lễ giáo phong kiến và các thế lực thồng trị... Một tiếng cười, một tiếng nói trào phúng hóm hỉnh, sâu cay, có lúc trữ tình, đằm thắm mà chua xót. Thơ lưỡng ngôn, đa nghĩa rất hàm súc và độc đáo. Lời bình
Không phải là cau vàng, trầu quế mà chỉ là "Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi". Một cách nói khiêm nhường, tình tứ. Câu thứ hai "Này của Xuân Hương mới quệt rồi", cũng chỉ là cách xưng hô thân mật. Chữ "này" biểu thị một cử chỉ thân mật, vồn vã, chân thành đối với khách. "Mới quệt rồi" - vừa giới thiệu miếng trầu tươi ngon, vừa biểu lộ một tấm lòng chân thành, hiếu khách. Việc chủ nhân xưng tên "Này của Xuân Hương mới quệt rồi" cho thấy đối tượng được mời là một văn nhân tài tử từng có "tình ý" với nữ sĩ . Điều đó cũng cho biết Hồ Xuân Hương viết bài thơ này thời con gái, vừa duyên dáng, vồn vã trong mời đón khách đến chơi nhà, vừa biểu lộ một cá tính Xuân Hương, sắc sảo trong ứng xử "có góc có cạnh". "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi, Này của Xuân Hương mới quệt rồi".
Câu thơ - lời mời trầu - rất hóm hỉnh đã gợi ra trong đối tượng được mời trầu bao liên tưởng thú vị. Thú vị của mối tình thôn nữ với chàng thư sinh thuở nào: "Quả cau nho nhỏ - Cái vỏ vân vân - Nay anh học gần - Mai anh học xa - Lấy anh từ thuở mười ba - Đến năm mười tám thiếp đã năm con - Ra đường thiếp hãy con son - Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng" - Thú vị ở sự dao duyên, đưa duyên, ngỏ tình qua miếng trầu chén rượu: "Có trầu cho miếng đỏ môi, Có rượu xin chén đẹp môi má hồng".
Thú vị ở sự chân tình "mới quệt rồi" mà lá trầu, quả cau đều là cây nhà lá vườn đậm đà chân quê: "Vào vườn hái quả cau xanh, Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu".
Nói rằng thơ Hồ Xuân Hương mang phong vị hồn quê là như vậy.
Hai câu tiếp theo là một lời nói "ướm thử", một cách thăm dò đối tượng - chàng trai mà cô gái đang mời trầu: "Có phải duyên nhau thì thắm lại, Đừng xanh như lá, bạc như vôi".
Xin cho được là miếng trầu ngon: miệng thơm, môi cắn chỉ quết trầu, cau, trầu, vôi "thắm lại" trong cái duyên trầu cau. Mong miếng trầu này, miếng trầu "chàng" - anh sẽ ăn không nhợt nhạt, vôi đi đằng vôi, lá đi đằng lá, xin đừng "xanh như lá bạc như vôi". Câu thơ mang một hàm ý: cô gái mời trầu đã bày tỏ niềm mơ ước thiết tha về một tình duyên đằm thắm, mặn nồng, son sắt thuỷ chung. Vừa cầu mong, mơ ước "Có phải duyên nhau thì thắm lại", vừa như thầm nhắc khẽ "Đừng xanh như lá, bạc như vôi". Có người cho rằng, qua câu thơ này, cô Xuân Hương đã ngầm răn đe người khách đang mời trầu - Âu đó cũng là một cách cảm nhận. Có điều câu thơ đầy ám ảnh như một "dự báo về con đường tình duyên của nữ chủ nhân mời trầu này. Câu thơ "Đừng xanh như lá, bạc như vôi" cho ta nhiều ngại ngùng về một điều gì sẽ xẩy ra, chẳng bao giờ "thắm lại" được!
Miếng trầu là đầu câu chuyện. Duyên trầu cau cũng là duyên đôi lứa... Qua mời trầu, Hồ Xuân Hương nói lên một khát khao, mơ ước về một tình duyên đẹp, thuỷ chung. Một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ bình dị, mượn miếng trầu để đưa duyên. Bài thơ mang vị đời và thắm tình người - người con gái làng quê hai trăm năm về trước.
BÁNH TRÔI NƯỚC HỒ XUÂN HƯƠNG, chưa rõ lai lịch, hành trang. Con một nhà nho ở Nghệ An. Bà sống nhiều năm ở Thăng Long. Có học, có tài thơ văn, có mối quan hệ với nhiều danh sĩ, trong đó có Nguyễn Du. Cuộc đời riêng của bà nhiều bi kịch- Bà là một trong những nhà thơ lớn của dân tộc. Tác phẩm còn lại khoảng 50 bài thơ chữ Nôm và tập thơ chữ Hán “Lưu Hương Ký” – Thơ của bà sắc sảo, trào phúng thì sắc nhọn, trữ tình thì tê tái xót đau, có giá trị nhân đạo sâu sắc. Bà được ca ngợi là “Bà chúa thơ Nôm”. BÁNH TRÔI NƯỚC
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non. Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Bài thơ “Bánh trôi nước” là bài thơ đa nghĩa. Tác giả tả thực cái bánh trôi nước, làm bằng bột nếp, nhân bằng đường phen (lòng son), dạng bánh “tròn”, sắc bánh “trắng”, được luộc trong nồi nước sôi “bảy nổi ba chìm”. Nữ sĩ viết về một món ăn dân tộc, với tất cả lòng yêu mến tự hào bản sắc nền văn hóa Việt Nam. Bài thơ giàu tính nhân dân. Bài thơ còn mang hàm nghĩa độc đáo. Câu 1 có 2 tiểu đối: “Thân em vừa trắng” // “lại vừa tròn”, gợi tả chất bánh ngon lành, tinh khiết, chiếc bánh xin xắn, dân đã bình dị đáng yêu, hàm ẩn sự duyên dáng, trinh trắng, vẻ đẹp xinh xắn của người thiếu nữ Việt Nam. Hai tiếng “Thân em” không chỉ nhân hoá chiếc bánh trôi nước, thể hiẹn một cách nói đậm đà màu sắc dân gian (“thân em” như hạt mưa sa…, thân em như tấm lụa đào…) mà còn ngợi ca đức tính khiêm nhường, kín đáo duyên dáng của người con gái làng quê. Hai câu 2, 3, ngôn ngữ tương phản: “rắn” với “nát”, nghĩa đen là bánh ngon hay bánh không ngon; nghĩa bóng là hạnh phúc hay bất hạnh, đều tuỳ thuộc vào “tay kẻ nặn”, vào người cha, người chồng… vào lễ giáo phong kiến, vào số phận. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” được vận dụng tài tình nhằm gợi tả số phận người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Hai câu 3, 4 cấu trúc: “mặc dù… mà … vân …” nhằm khẳng định một tâm thế. “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, Mà em vẫn giữ tấm lòng son” “vẫn giữ” biểu thị một thái độ kiên trinh, bền vững. “Tấm lòng son” tượng trưng cho phẩm chất sắt son thuỷ chung, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đời. Câu thơ thể hiện niềm tự hào và biểu lộ khá đậm tính cách Xuân Hương. Bài thơ nói về bánh trôi nước, một món ăn dân tộc bằng một thứ ngôn ngữ bình dị, dân gian. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đã được Việt hóa hoàn toàn. Thơ hàm súc đa nghĩa giàu bản sắc Xuân Hương. Bài thơ biểu lộ niềm cảm thông và tự hào đối với số phận, thân phận và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, nó có giá trị nhân bản đặc sắc.
NGUYÊN TIÊU
“Nguyên tiêu” nằm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh viết trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc: “Nguyên tiêu”, “Báo Tiệp”, “Thu dạ”,…Sau chiến thắng Việt Bắc, thu đông năm 1947, sang xuân hè 1948, quân ta lại thắng lớn trên đường số bốn. Niềm vui thắng trận tràn ngập tiền tuyến hậu phương. Trong không khi sôi động và phấn chấn ấy, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ xuất hiện trên báo “
Cứu quốc” như một đoá hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương. Xuân Thuỷ đã dịch khá hay bài thơ này. Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên; Yên ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền”. Đêm nguyên tiêu trăng sáng ngời trên một không gian bao la. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm vui dào đạt trong tâm hồn lãnh tu đêm nguyên tiêu lịch sử. Hai câu đầu vẽ lên cảnh đẹp tuyệt vời đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời, vầng trăng vừa tròn (nguyệt chính viên). Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng cũng làm cho cảnh vật mang vẻ dẹp hữu tình. Đất nước quê hương bao la một màu xanh bát ngát. Màu xanh lấp lánh củ “xuân giang”. Màu xanh ngọc bích của “xuân thuỷ” tiếp nối với màu xanh thanh thiên của “xuân thiên”. Ba từ “xuân” trong câu thơ thứ hai là những nét vẽ đặc sắc làm nổi bật cái “thần” của cảnh vật sông, nước và bầu trời. “Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên”. (Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân) “Xuân” trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi tre, là vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả mùa xuân, của sông nước, đất trời vào xuân. Nó thể hiện vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của đất nước ta: trong lửa đạn vẫn dạt dào một sức sống trẻ trung, tiềm tang. Ngoài giá trị miêu tả cảnh đẹp đêm nguyên tiêu, vần thơ còn biểu hiện tinh tế cảm xúc tự hào, niềm vui sướng mênh mông của một hồn thơ đang rung động giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử, đất nước đang anh dũng kháng chiến. Với Bác Hồ, yêu vẻ đẹp đêm nguyên tiêu, yêu thiên nhiên cũng là yêu đời tha thiết. Bác yêu thiên nhiên nên sống, núi, cỏ cây, hoa lá, tạo vật trong thơ Bác rất hữu tình. Có “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Có “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” trong niềm vui thắng trận. Bác yêu hoa núi, chim rừng Việt Bắc: “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu – Phê văn hoá núi ghé nghiên soi”; yêu ngọn núi, chim rừng báo mùa thu chợt đến… Thiên nhiên trong thơ Hồ chí Minh là một trong những yếu tố tạo nên sắc điệu trữ tình và màu sắc cổ điển. Hai câu thơ cuối nói về dòng sông, khói sóng và con thuyền trăng:
“Yêu ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Ánh trăng ngày trước (1942-1943) chiếu vào ngục lạnh nơi đất khách quê người, thì đêm nguyên tiêu này là (1948), trăng lại soi xuống con thuyền trong đó Bác đang “đàm quân sự” (bàn bạc việc quân). Trăng nguyên tiêu là trăg ước hẹn, báo trước nhưng mùa trăng trong năm, được nhân dân đón đợi với bao hy vọng, bao tình cảm nồng hậu. Lại nữa, trường hợp thưởng trăng không phải là trường hợp bình thường diễn ra trên sân nhà, ngõ xóm, hay “đăng lâu vọng nguyệt”, … mà là thưởng trăng trên khói sóng, nơi “yên ba thâm xứ” – cõi sâu kín, bí mật trên dòng sông, giữa núi rừng chiến khu bao la! Người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các tao nhân mặc khách ngày xưa, mà còn là con người hành động, người chiến sĩ đánh giặc, vị lãnh tụ đang “bàn bạc việc quân” để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, bảo vệ non sông đất nước. Quả thật, đây là một trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. “Yên ba” là khói sóng, một thi liệu cổ được Bác vận dụng rất sáng tạo làm hco bài thơ “Nguyên tiêu” mang phong vị Đường thi. Ba chữ “Đàm quân sự” đã khu biệt thơ Bác với thơ của người xưa, làm cho vần thơ mang màu sắc hiện đại và không khí lịch sử của thời đại. Sau những canh dài bàn bạc việc quân căng thẳng nơi khói sóng sâu kín, trời đã về khuya. Nửa đêm (Dạ bán), Bác trở về bến, tâm hồn sảng khoái vô cùng. Con thuyền của vị thống soái, con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng của thi nhân nhẹ bơi trên sông nước mênh mông, chở đầy ánh trăng vàng: “Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền”. (Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền). “Nguyệt mãn thuyền” là một hình ảnh rất đẹp và trữ tình, nó làm ta nhớ đến nhưng vần thơ thi hoa lệ: - “Bạn chơi năm ngoái nào đâu tá? Trăng nước như xưa chín với mười”. (Triệu Hỗ - Đường thi) “Thuyền mấy là đông, tây lặng ngắt, Một vầng trăng trong vắt lòng sông…” (Bạch Cư Dị) “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi, Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu” (Nguyễn Trãi) Trở lại bài thơ Hồ Chí Minh, ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng, mang theo bao ánh trăng, hiện lên một thủ lĩnh quân sự giàu hồn thơ đang lãnh đạo quân dân ta kháng chiến để giành lại độc lập, tự do, để giữ mãi những đêm nguyên tiêu trăng đầy trời của đất nước quê hương thanh bình. Hình ảnh con thuyền trăng trong bài thơ này cho thấy tâm hồn Bác giàu tình yêu thiên nhiên, trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Qua bài thơ “Nguyên tiêu”, ta có thể nói, trăng nước trong thơ Bác rất đẹp. Chính vầng trăng ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc mang cốt cách nghệ sĩ, nhà hiền triết phương Đông. “Nguyên tiêu” được viết theo thẻ thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Bài thơ có đầy đủ những yếu tố của bài thơ cổ: một con thuyền, một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, trời xuân, có khói sóng. Điệu thơ thanh nhẹ. Không gian bao la, yên tĩnh… Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ây, nhà thơ không có rượu và hoa để thưởng trăng, không đàm đạo thi phú từ chương, mà chỉ “đàm quân sự”. Bài thơ như một đoá hoa xuân đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức của Hồ Chí Minh. Văn tức là người. Thơ là tấm lòng, là tiếng lòng cộng hưởng từ một người đến với muôn người. Thơ Bác Hồ tuy nói đến “trăng, hoa, tuyết, nguyệt…” nhưng đã phản ánh tâm tư, tình cảm, lẽ sống cao đẹp của Bác. Bác yêu nước, thương dân tha thiết nên Bác càng yêu đêm nguyên tiêu với vầng trăng xuân thơ mộng. Trong kháng chiến gian khổ, Bác đã hướng tới vầng trăng rằm tháng giêng, hướng tới bầu trời xuân với tâm hồn trong sáng và phong thái ung dung. Cuộc đời không thể thiếu vầng trăng. Biết yêu trăng cũng là biết sống đẹp. “Nguyên tiêu” là một bài thơ trăng tuyệt tác của nhà thơ Hồ Chí Minh. Con thuyền chở đầy ánh trăng cũng là con thuyền kháng chiến đang hướng tới chiến công và niềm vui thắng trận.