kho bài tậpLưu giữ các loại bài tập dành cho học sinh
TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN TỰ SỰ
Thứ năm - 29/10/2020 10:25
1. Những yếu tố cơ bản trong văn bản tự sự. Đặc điểm, vai trò của mỗi yếu tố đó. a, Chủ đề: là vấn đề chủ yếu mà người viết muốn đặt ra trong văn bản. b, Nhân vật: biểu hiện ở lai lịch, tên gọi, chân dung. Nhân vật là kẻ thực hiện các sự việc; hành động, tính chất của nhân vật bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
c, Sự việc: sự việc do nhân vật gây ra, xảy ra cụ thể trong thời gian, địa điểm, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả. Sự việc được sắp xếp theo trình tự nhất định. Sự việc bộc lộ tính chất, phẩm chất của nhân vật nhằm thể hiện tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt. d, Cốt truyện: là chuỗi các sự việc nối tiếp nhau trong không gian, thời gian. Cốt truyện được tạo bởi hệ thống các tình tiết, mang một nghĩa nhất định. e, Miêu tả: miêu tả làm nổi bật hành động, tâm trạng của nhân vật góp phần làm nổi bật chân dung nhân vật. f, Yếu tố biểu cảm: biểu cảm nhằm thể hiện thái độ của người viết trước nhân vật, sự việc nào đó. 2. Các kĩ năng cơ bản khi làm bài văn tự sự: a, Tìm hiểu đề. b, Xác định chủ đề. c, Xây dựng nhân vật d, Xây dựng cốt truyện, sự việc, tình huống. e, Xác định ngôi kể, thứ tự kể. f, Lập dàn bài. g, Viết bài văn, đoạn văn + Lời văn giới thiệu nhân vật: giới thiệu họ, tên, lai lịch, quan hệ, đặc điểm hình dáng, tính tình của nhân vật. (Kết hợp miêu tả để làm nổi bật chân dung nhân vật.) + Lời văn kể sự việc: thì kể các hành động, việc làm, kết quả, sự thay đổi do hành động ấy đem lại. + Đoạn văn: cốt truyện được thể hiện qua một chuỗi các tình tiết. Mỗi tình tiết thường được kể bằng một đoạn văn. Mỗi đoạn văn có một câu chốt (câu chủ đề) nói lên ý chính của cả đoạn, các câu còn lại bổ sung, minh hoạ cho câu chủ đề. (Trong văn tự sự câu chủ đề thường là câu văn giới thiệu một sự việc nào đó). Bài tập: Em hãy vận dụng các thao tác kỹ năng cơ bản để làm bài văn tự sự theo đề bài dưới đây. Đề bài: Đất nước ta có nhiều loài cây quý, gắn bó với đời sống con người. Hãy chọn một loài cây quen thuộc và dùng cách nhân hoá để loài cây đó tự kể về đời sống của nó. + Gợi ý: - Chủ đề: Lợi ích của cây xanh đối với con người. - Nhân vật: Tre (cọ, dừa, lúa…) - Ngôi kể: Ngôi thứ nhất (tôi) - Thứ tự kể: Thứ tự tự nhiên (trước - sau) - Cốt truyện - sự việc: Xây dựng cốt truyện và sự việc phù hợp với loài cây mà mình lựa chọn. - Lâp dàn ý: Sắp xếp các sự việc đã xây dựng theo trình tự duới đây: + Mở bài: Giới thiệu khái quát về tên gọi, lai lịch, họ hàng + Thân bài:
Kể về đặc điểm sống, đặc điểm hình dáng ( theo đặc điểm đặc trưng của loài cây đã lựa chọn).
Kể về công dụng, ích lợi và sự gắn bó của loài cây đó đối với đời sống con người.
Kể những suy nghĩ của loài cây đó về sự khai thác và bảo vệ của con người.
+ Kết bài: Mong muốn về sự phát triển và được bảo tồn trong tương lai. Bài về nhà: Qua thực tế hoặc qua sách báo, em được biết câu chuyện về cuộc đời của những bà mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Em hãy kể lại câu chuyện về một trong các bà mẹ đó. - GV gợi ý cho HS một số điểm sau: + Xác định yêu cầu của đề: - Kể được câu chuyện về cuộc đời của một bà mẹ mà qua cuộc đời ấy người nghe, người đọc thấy hiên lên sinh động hình ảnh một bà mẹ anh hùng, xứng đáng với danh hiệu nhà nước phong tặng. - Biết chọn những tình tiết tiêu biểu, cảm động để làm rõ cuộc đời anh hùng của bà mẹ. + Lưu ý: - Cần hiểu rõ “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là bà mẹ như thế nào ? + Đó là những bà mẹ có chồng và con hoặc có hai người con trở lên, hoặc một người con độc nhất đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. + Kể chuyện xoay quanh cuộc đời của bà mẹ, mẹ đã động viên chồng con ra đi chiến đấu, mẹ đã chịu đựng gian khổ, đau thương mất mát khi chồng con hy sinh để tiếp tục sống và lao động xây dựng Tổ quốc.