ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI HUYỆN LỚP 9 MÔN LỊCH SỬ

Thứ bảy - 17/04/2021 23:25
Câu 1 (4,0 điểm)
Vì sao Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm đường cứu nước? Từ những hoạt động (trong giai đoạn 1911- 1917) em hãy chỉ ra mục đích của Người?
tải xuống (3)
tải xuống (3)
Câu 2 (4,0 điểm)
    Ông là người đã được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1993, được nhân dân Nam Phi và thế giới ngưỡng mộ như người anh hùng chống chế độ phân biệt chủng tộc…
   Em hãy cho biết:
   a. Ông là ai? Giới thiệu một số nét tiêu biểu về ông.
   b. Những sự kiện nào đánh dấu thắng lợi to lớn của ông và những người da đen trong sự nghiệp đấu tranh giành quyền bình đẳng với người da trắng?
Câu 3 ( 6,0 điểm )
   “Với diện tích rộng lớn và dân số đông nhất thế giới, châu Á từ sau năm 1945 đã có nhiều thay đổi to lớn và sâu sắc.”
                            (Trích Lịch sử 9 – NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)
    Bằng kiến thức lịch sử đã học, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên và cho biết vị thế của Việt Nam trong sự “thay đổi to lớn và sâu sắc” đó.
Câu 4 (6,0 điểm)
  Nước Mĩ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX:
   a. Hãy nêu nét chính về tình hình kinh tế và nguyên nhân của sự phát triển đó?
   b. Việt Nam có thể rút ra bài học gì cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước từ sự phát triển của kinh tế Mĩ?
   c. Chính sách đối ngoại của Mĩ. Tác động của chính sách đối ngoại đó đối với quan hệ quốc tế thời kỳ này?
 
- - - - - - Hết - - - - - -
    HƯỚNG DẪN VÀ BIỂU ĐIỂM CHẤM

Môn: LỊCH SỬ  9

CÂU NỘI DUNG ĐIỂM
1 Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để tìm đường cứu nước 4,0
  - Nguyễn Tất Thành sinh ngày 19/5/1890 tại Nam Đàn – Nghệ An. Sinh ra trong một  gia đình trí thức yêu nước, lớn lên tại một vùng quê có truyền thống đấu tranh, từ rất sớm Nguyễn Tất Thành đã có chí đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng dân tộc.
0,5
  - Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh cũng không thành công, phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam rơi vào thời kì bế tắc, khủng hoảng về đường lối lãnh đạo.
0,5
  - Người rất khâm phục những nhà yêu nước tiền bối như cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh, nhưng không tán thành con đường cứu nước của họ, nên quyết định tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc.
0,5
  - Khác với thế hệ cha ông hướng về phương Đông, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây, đến nước Pháp để tìm hiểu xem nước Pháp và các nước làm thế nào rồi về cứu giúp đồng bào mình.
0,5
  Từ những hoạt động (1911- 1917) chỉ ra mục đích của Người:  
  - Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Qua nhiều nước, nhiều châu lục khác nhau, Người nhận thấy rằng ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo, độc ác, ở đâu những người lao động cũng bị áp bức và bóc lột dã man.
0,5
  - Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Tại đây, Người đã làm nhiều nghề, học tập, rèn luyện trong quần chúng lao động và giai cấp công nhân Pháp. Tham gia hoạt động trong Hội những người Việt Nam yêu nước.
0,5
  - Người viết báo, truyền đơn, tranh thủ các diễn đàn, các buổi mít tinh để tố cáo thực dân, đồng thời tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam. Người đã tiếp nhận ảnh hưởng của Cánh mạng tháng Mười Nga. Từ đây, tư tưởng của Nguyễn Tất Thành có những chuyển biến mạnh mẽ.
0,5
  - Kết luận: Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong những năm 1911- 1917 là cơ sở quan trọng để Người xác định, chọn lựa con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
0,5
2  Ông là người đã được nhận giải Nô-ben Hòa Bình năm 1993...  
  - Ông là Nen-xơn Man-đê-la. 0,5
  Giới thiệu một số nét tiêu biểu về ông.  
  - Nen-xơn Man-đê-la sinh năm 1918, mất năm 2013, là lãnh tụ của tổ chức Đại hội dân tộc Phi (ANC). 0,5
  - Năm 1964, ông bị nhà cầm quyền Nam Phi kết án tù chung thân... 0,25
  - Năm 1990, ông được trả tự do và tiếp tục lãnh đạo nhân dân Nam Phi đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc… 0,25
  - Nen-xơn Man-đê-la là tổng thống da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi (1994 – 1999). Năm 1993, ông được nhận giải Nô-ben Hòa bình; được nhân dân Nam Phi và thế giới ngưỡng mộ, suy tôn là người anh hùng chống chế độ phân biệt chủng tộc…
0,5
     b. Những sự kiện nào đánh dấu thắng lợi to lớn của ông và những người da đen trong sự nghiệp đấu tranh giành quyền bình đẳng với người da trắng?  
  - Năm 1993, trước sự đấu tranh ngoan cường của người da đen, chính quyền của người da trắng Nam Phi đã tuyên bố xóa bỏ chế độ A-pác-thai. 0,5
  - 4/1994, lần đầu tiên cuộc bầu cử đa chủng tộc được tổ chức ở Nam Phi, tổ chức ANC của Nen-xơn Man-đê-la thắng cử với đa số phiếu. 0,5
  - 5/1994, Nen-xơn Man-đê-la trở thành tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Nam Phi. 0,5
  - Sự kiện này là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn: Chế độ phân biệt chủng tộc đã bị xóa bỏ ngay tại sào huyệt cuối cùng của nó sau hơn ba thế kỉ tồn tại. 0,5
3 “Với diện tích rộng lớn và dân số đông nhất thế giới, châu Á từ sau năm 1945 đã có nhiều thay đổi to lớn và sâu sắc”.
 Hãy làm rõ nhận định trên.
 
  - Về chính trị: Các nước châu Á từ thân phận các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và lệ thuộc, trở thành những quốc gia độc lập, có chủ quyền. 0,25
  + Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước châu Á đều chịu sự bóc lột, nô dịch nặng nề của các nước đế quốc thực dân 0,25
  + Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên, lan nhanh ra cả châu Á. Tới cuối những năm 50, phần lớn các dân tộc châu Á đã giành được độc lập, trong đó có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô--xi-a...
0,5
  + Suốt nửa sau thế kỉ XX, tình hình châu Á không ổn định bởi đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc, nhất là ở khu vực Đông Nam Á và Tây Á.
0,5
  + Sau Chiến tranh lạnh, ở một số nước châu Á đã diễn ra những cuộc xung đột tranh chấp biên giới, lãnh thổ hoặc các phong trào li khai với những hành động khủng bố (như giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan, hoặc ở Xri Lan-ca, Phi-lip-pin, In-đô--xi-a...).
0,5
  - Về kinh tế: Sau khi giành được độc lập, một số nước ở châu Á đã đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, tiêu biểu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và Thái Lan...
0,5
  + Ấn Độ: Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nhờ cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, Ấn Độ đã tự túc được lương thực. Các sản phẩm công nghiệp chính là hàng dệt, thép, máy móc, xe hơi…Hiện nay Ấn Độ đang vươn lên hàng các cường quốc về công nghệ phần mềm, công nghệ hạt nhân…
0,5
  + Trung Quốc: Từ khi tiến hành cải cách, mở cửa đến nay, nền kinh tế phát triển nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng cao: GDP tăng trung bình hàng năm 9,6%..., kinh tế đứng thứ 2 thế giới.
0,5
  + Nhiều nước cũng đạt được những thành tựu quan trọng và ngày càng khẳng định được vị thế của mình như: Hàn Quốc, Xin-ga-po, Thái Lan…
0,5
  Việt Nam trong sự “thay đổi to lớn và sâu sắc” đó.  
  - Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc và giành được độc lập ngay khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Từng bước đánh bại những đế quốc hùng mạnh là Pháp, Mĩ.
0,5
  - Thắng lợi của Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á cũng như trên thế giới, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc…
0,5
  - Sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành cường quốc xuất khẩu lương thực…
0,5
  - Việt Nam đã tích cực tham gia các tổ chức hợp tác quốc tế và khu vực, đặc biệt là vai trò đối với sự phát triển của tổ chức ASEAN, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực và thế giới, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
0,5
4 Nước Mĩ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến đầu những năm 70
 a.  Nét chính về tình hình kinh tế:
 
  - Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mĩ có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành nước tư bản giàu mạnh nhất, chiếm ưu thế tuyệt đối về mọi mặt trong thế giới tư bản.
0,25
  + Công nghiệp: Chiếm hơn một nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới… 0,25
  + Nông nghiệp: Gấp 2 lần sản lượng nông nghiệp của 5 nước Anh, Pháp, Tây Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản cộng lại. 0,25
  +Tài chính: Nắm trong tay ¾ trữ lượng vàng của thế giới, là chủ nợ duy nhất trên thế giới… 0,25
  + Quân sự: Mĩ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới tư bản và độc quyền về vũ khí nguyên tử 0,25
  - Nguyên nhân của sự phát triển:  
  + Nhờ áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất.. 0,25
  + Do nước Mĩ ở xa chiến trường, được hai đại dương…che chở, không bị chiến tranh tàn phá. 0,25
  + Trong chiến tranh được yên ổn sản xuất và bán vũ khí, hàng hóa cho các nước tham chiến, thu được 114 tỉ USD… 0,25
  b. Bài học cho Việt Nam:  
  - Tận dụng những thế mạnh của đất nước: nguồn tài nguyên, nhân công… 0,5
  - Tăng cường sự giao lưu, hợp tác với các nước để thu hút nguồn vốn, chuyển giao những thành tự khoa học kĩ thuật… 0,5
  - Tăng cường đổi mới chính sách, cơ chế trong công tác quản lí của nhà nước… 0,5
  - Phát huy và coi trọng nhân tố con người… 0,5
    c. Chính sách đối ngoại của Mĩ:  
  - Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, giới cầm quyền Mĩ đề ra “chiến lược toàn cầu” nhằm chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc và thiết lập sự thống trị trên toàn thế giới. 0,5
  - Tiến hành “viện trợ” để lôi kéo, khống chế các nước nhận viện trợ, lập các khối quân sự, gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược… 0,5
   Tác động của chính sách đối ngoại đó đối với quan hệ quốc tế:  
  - Chính sách đối ngoại trên của Mĩ làm cho quan hệ Đồng minh giữa Mĩ và Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai không còn, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai Mĩ và Liên Xô chuyển sang đối đầu, căng thẳng. 0,5
  - Dẫn đến tình trạng “chiến tranh lạnh” giữa hai siêu cường Mĩ và Liên Xô, sự đối đầu giữa phe Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa, tình hình thế giới luôn căng thẳng, có nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ ba… 0,5
( Hướng dẫn chấm gồm có 04 trang)

- - - - - Hết - - - - -


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập52
  • Hôm nay10,076
  • Tháng hiện tại146,291
  • Tổng lượt truy cập8,249,496
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây