CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM

Chủ nhật - 27/06/2021 06:12
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Đặc điểm
Vùng kinh tế trọng điểm là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế của cả nước. Lãnh thổ được coi là vùng kinh tế trọng điểm phải có một số đặc điểm chủ yếu sau:
tải xuống (3)
tải xuống (3)
Bao gồm phạm vi của nhiều tỉnh, thành phố; ranh giới có thể thay đổi tuỳ theo thời gian tuỳ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Hội tụ đầy đủ các thế mạnh, tập trung tiềm lực kinh tế và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Có tỉ trọng lớn trong tổng GDP của quốc gia, tạo ra tốc độ phát triển nhanh cho cả nước, có thể hỗ trợ cho các vùng khác.
Có khả năng thu hút các ngành mới về công nghệ và dịch vụ để từ đó nhân rộng ra toàn quốc.
2. Quá trình hình thành và tình hình phát triển
a. Quá trình hình thành:
Vùng kinh tế trọng điểm của nước ta ra đời vào đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, sau năm 2000 có mở rộng. Cả nước có 3 vùng kinh tế trọng điểm : Bắc Bộ, miền Trung, Nam Bộ.
Vùng kinh tế
trọng điểm
Đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX Sau năm 2000
Phía Bắc Hà Nội, Hưng Yên, hải Dương. Hải Phòng, Quảng Ninh Thêm 3 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh
Miền Trung Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi Thêm tỉnh Bình Định
Phía Nam TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng tàu, Bình Dương Thêm 4 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang
         b. Thực trạng phát triển kinh tế:
Chỉ số Ba vùng Trong đó
P.Bắc M.Trung P.Nam
Tốc độ tăng trưởng TB giai đoạn 2001-2005 (%) 11,7 11,2 10,7 11,9
% GDP so với cả nước 66,9 18,9 5,3 42,7
Cơ cấu GDP (%) phân theo ngành 100,0 100,0 100,0 100,0
Nông – lâm – ngư 10,5 12,6 25,0 7,8
Công nghiệp – xây dựng 52,5 42,2 36,6 59,0
Dịch vụ 37,0 45,2 38,4 33,2
% kim ngạch xuất khẩu so với cả nước 64,5 27,0 2,2 35,3
3. Ba vùng kinh tế trọng điểm
a) Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Gồm 8 tỉnh, thành phố, diện tích 15,3 nghìn km2, dân số (2006) là 13,7 triệu người (chiếm 4,7% diện tích tự nhiên và 16,3% dân số cả nước).
Vùng hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội: Vị trí địa lí thuận lợi cho việc giao lưu trong nước và quốc tế; có Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học thuộc loại lớn nhất cả nước. Hai quốc lộ 5 và 18 gắn kết cả Bắc Bộ với cụm cảng Hải Phòng – Cái Lân. Nguồn lao động đông, chất lượng cao nhất cả nước; Có lịch sử phát triển lâu đời với nền văn minh lúa nước. Các ngành công nghiệp phát triển sớm, nhiều ngành có ý nghĩa toàn quốc nhờ gần vùng nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản, lao động và thị trường tiêu thụ. Tiềm năng cho phát triển du lịch đa dạng.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế của vùng cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến các ngành kinh tế : Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, tạo sức cạnh tranh trên thị trường; xây dựng khu công nghiệp tập trung; chú ý phát triển các hoạt động thương mại, du lịch; phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá, chất lượng cao.
b) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Gồm 5 tỉnh, thành phố, diện tích 27953,2 km2, dân số (2006) là 6,3 triệu người (chiếm 8,5% về diện tích và 7,4% số dân của cả nước).
Vùng có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, mặc dù việc khai thác hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng: Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa các vùng phía bắc và phía nam qua quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất, có 2 sân bay quốc tế (Đà Nẵng, Phú Bài) và sân bay Chu Lai, là cửa ngõ thông ra biển của Tây Nguyên và Nam Lào, thuận lợi đối với phát triển kinh tế và giao lưu hàng hoá. Thế mạnh hàng đầu của vùng là khai thác tổng hợp tài nguyên biển, khoáng sản, rừng cho phát triển du lịch dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp chế biến nông – lâm – ngư và một số ngành khác nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Trên lãnh thổ của vùng đang triển khai những dự án lớn, trong tương lai sẽ hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm dựa vào lợi thế về tài nguyên và thị trường; đầu tư phát triển các vùng chuyên sản xuất hàng hoá nông nghiệp, thuỷ sản và các ngành thương mại dịch vụ du lịch..
c) Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ
Gồm 8 tỉnh, thành phố, diện tích 30,585,7 km2, dân số (2006) 15,2 triệu người (chiếm 9,2% về diện tích và 18,1% số dân cả nước).
  Đây là khu vực bản lề giữa Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung đầy đủ các thế mạnh về tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Tài nguyên nổi trội là dầu khí ở thềm lục địa; dân cư đông, lao động dồi dào, có chất lượng cao; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật khá tốt và đồng bộ; vùng này tập trung tiềm lực kinh tế mạnh nhất và có trình độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước
Vấn đề đặt ra, trong những năm tiếp theo cần phát triển mạnh các ngành công nghiệp cơ bản, trọng điểm, công nghệ cao; hình thành các khu công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các ngành thương mại, tín dụng, ngân hàng, du lịch…

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang dẫn đầu 3 vùng trọng điểm về :
              A. Diện tích.     B. Mật độ dân số.     C. GDP.            D. Giá trị sản xuất công nghiệp.
Câu 2.   So với trước năm 2000, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã tăng thêm :
              A. 2 tỉnh.             B. 5 tỉnh.              C. 3 tỉnh.             D. 4 tỉnh.
Câu 3.   Tỉnh được tăng thêm vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sau năm 2000.
              A. Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tây.         B. Quảng Ninh, Hà Tây, Bắc Ninh.         
              C. Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.  D. Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc.
Câu 4.   Tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
              A. Thành phố Đà Nẵng.                  B. Tỉnh Quảng Nam.
              C. Tỉnh Quảng Ngãi.                       D. Tỉnh Bình Định.
Câu 5.   Ba cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được xác định trước năm 2000 là :
              A. Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định            B. Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng.
              C. Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.        D. Hà Nội - Vĩnh Phúc - Hải Phòng.
Câu 6.   Ba vùng kinh tế trọng điểm đều có chung đặc điểm là :
              A. Có các đô thị đặc biệt làm hạt nhân cho sự hình thành của vùng.
              B. Hội tụ đầy đủ các thế mạnh, tập trung tiềm lực kinh tế, hấp dẫn các nhà đầu tư.
              C. Có số dân trên 10 triệu người, lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề cao.
              D. Có tỉ lệ dân thành thị cao gấp đôi tỉ lệ dân thành thị của cả nước.
Câu 7.   Vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ :
              A. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kì 2001 - 2005 chậm nhất trong 3 vùng trọng điểm.
              B. Có số tỉnh thành tham gia nhiều nhất trong 3 vùng trọng điểm.
              C. Có cơ cấu GDP tiến bộ nhất trong ba vùng trọng điểm.
              D. Có mật độ dân số cao nhất trong ba vùng trọng điểm.
Câu 8.   Sau năm 2001, tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long tham gia vào vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là.     
              A. An Giang và Long An.               B. Bến Tre và Trà Vinh.
              C. Long An và Tiền Giang.             D. Cần Thơ và Tiền Giang.
Câu 9.   So với 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Nam Bộ thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung :
              A. Có quy mô về diện tích và dân số lớn hơn.
              B. Có quy mô về diện tích và dân số nhỏ hơn nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn.
              C. Có tốc độ tăng trưởng GDP chậm nhất.
              D. Có quy mô nhỏ hơn nhưng có nhiều lợi thế để phát triển hơn.
Câu 10. Việc hình thành vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta nhằm mục đích :
              A. Tạo ra hạt nhân phát triển cho từng vùng.
              B. Xoá bớt sự cách biệt về trình độ phát triển giữa các vùng.
              C. Tạo điều kiện để đầu tư có trọng điểm trong khi nguồn vốn của nước ta có hạn.
              D. Thu hút nguồn đầu tư của nước ngoài vào khai thái tài nguyên
Câu 11. Đặc điểm quan trọng nhất của vùng kinh tế trọng điểm là :
              A. Tập trung các tỉnh, thành phố có lợi thế về vị trí, tài nguyên, ranh giới cố định.
              B. Hội tụ đầy đủ các thế mạnh ; tập trung tiềm lực kinh tế ; hấp dẫn các nhà đầu tư.
              C. Có tỉ trọng lớn trong GDP của cả nước, tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh cho cả nước và có thể hỗ trợ cho các vùng khác.
              D. Có khả năng thu hút các ngành công nghiệp và dịch vụ then chốt.
Câu 12. Phải xây dựng trên lãnh thổ nước ta ba vùng kinh tế trọng điểm bởi vì :
              A. Đặc điểm lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang, điều kiện kinh tế xã hội có sự phân dị giữa các vùng, trình độ phát triển kinh tế còn thấp.
              B. Yêu cầu của việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hội nhập với khu vực và quốc tế.
              C. Để tận dụng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật trên thế giới, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước có nền kinh tế phát triển.
              D. Để tập trung tiềm lực vào những vùng có điều kiện thuận lợi nhất.
Câu 13. Nhận định nào dưới đây là chưa hợp lí trước khi xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm :
              A. Không thể đầu tư phát triển kinh tế đồng đều cho tất cả các vùng lãnh thổ.
              B. Ưu tiên đầu tư vào những vùng có tiềm lực kinh tế, từ đó tạo sự phát triển lan tỏa sang các vùng khác.
              C. Vẫn còn tồn tại những vùng trong tình trạng chậm phát triển hoặc trì trệ.
              D. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao, yêu cầu phải có trọng điểm đầu tư phát triển.
Câu 14. Vùng kinh tế trọng điểm được hiểu là vùng :
              A. Phải có khả năng thu hút các ngành công nghiệp và dịch vụ then chốt.
              B. Phải có tỉ trọng lớn trong GDP của cả nước, có sức hút đối với các nhà đầu tư.
              C. Phải tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh cho cả nước và có thể hỗ trợ cho các vùng khác.
              D. Hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế đất nước.
Câu 15. Đối với vùng kinh tế trọng điểm, những điều kiện được coi là quan trọng hơn cả là :
              A. Lực lượng lao động kĩ thuật; có các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học; có các ngành công nghiệp dịch vụ then chốt.
              B. Phải có khả năng đầu tư lớn để tái sản xuất mở rộng.
              C. Phải thu hút mạnh những ngành công nghiệp mới và các ngành dịch vụ then chốt.
              D. Lao động kĩ thuật, công nghệ tiên tiến.
Câu 16. Lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ so với các vùng khác là :
              A. Vị trí địa lí.                                 B. Tài nguyên thiên nhiên.
              C. Chất lượng lao động.                  D. Cơ sở hạ tầng.
Câu 17. Hạn chế lớn nhất về cơ sở hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là :
              A. Giao thông vận tải đường ô tô.
              B. Giao thông vận tải đường sắt còn tồn tại nhiều khổ đường khác nhau.
              C. Năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn của cảng Hải Phòng hạn chế.
              D. Hệ thống cấp thoát nước trong đô thị và các khu công nghiệp chưa đảm bảo.
Câu 18. Các tỉnh của Đông Nam Bộ được đưa vào vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ sau năm 2000 là:
              A. Tiền Giang, Long An, Bình Phước.          B. Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước.
              C. Tây Ninh, Bình Phước, Long An              D. Bình Phước, Tây Ninh.
Câu 19. Để phát triển kinh tế - xã hội đồng đều giữa các vùng lãnh thổ, vùng kinh tế trọng điểm nào cần ưu tiên đầu tư ?
              A. Vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ và miền Trung.         
              B. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
              C. Vùng kinh tế trọng điểm: miền Trung và Nam Bộ.        
              D. Vùng kinh tế trọng điểm: Nam Bộ và Bắc Bộ.
Câu 20. Những khó khăn cần giải quyết của vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ là :
              A. Lao động tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cả về số lượng và chất lượng.
              B. Thất nghiệp, thiếu việc làm.       
              C. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
              D. Chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong vùng.

C. ĐÁP ÁN
1. B 2. C 3. A 4. B 5. C 6. B
7. C 8. C 9. C 10. C 11. B 12. A
13. D 14. D 15. A 16. C 17. A 18. D
19. B 20. A        

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay6,787
  • Tháng hiện tại18,786
  • Tổng lượt truy cập8,121,991
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây