kho bài tậpLưu giữ các loại bài tập dành cho học sinh
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC
Chủ nhật - 27/06/2021 05:41
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN 1. Điều kiện phát triển giao thông vận tải - Vị trí trung tâm Đông Nam Á, tiếp cận với vùng biển rộng lớn, gần đường hàng hải quốc tế nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương đồng thời là vị trí trung chuyển của một số tuyến đường hàng không quốc tế ... Đây là những thuận lợi để nước ta phát triển nhiều loại hình giao thông vận tải, tăng cường giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Một dải đồng bằng kéo dài từ Bắc xuống Nam tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ Bắc - Nam. Các thung lũng sông theo hướng tây bắc - đông nam tạo thuận lợi để đi từ đồng bằng lên miền núi. Các dãy núi ăn lan ra tận biển tạo thành nhiều vũng, vịnh để xây dựng cảng phát triển ngành đường biển. - Mạng lưới sông ngòi dày đặc, khí hậu nóng quanh năm là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thuỷ. - Sự phát triển nhanh về kinh tế, văn hoá, xã hội cùng sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước là động lực cho ngành giao thông phát triển. - Địa hình nhiều đồi núi, những dãy núi đâm ngang ra biển, thiên tai, sự nghèo nàn về cơ sở vật chất, thiếu vốn kĩ thuật là những trở ngại cho phát triển giao thông. 2. Mạng lưới giao thông vận tải Mạng lưới giao thông vận tải phát triển khá toàn diện gồm nhiều loại hình khác nhau. a) Đường ô tô - Những năm gần đây, nhờ huy động được các nguồn vốn nên mạng lưới đường đã được mở rộng và hiện đại hoá, về cơ bản đã phủ kín các vùng. Tổng chiều dài đường ô tô là 137 359 km, phương tiện đã được hiện đại, khối lượng hành khách và hàng hoá vận chuyển là 1094,4 triệu lượt người và 212 263,3 nghìn tấn. - Các tuyến đường chính là : + Quốc lộ 1A chạy từ cửa khẩu Hữu Nghị đến tận Cà Mau dài 2300 km. + Đường Hồ Chí Minh (đang xây dựng). + Quốc lộ 5 : Hà Nội đi Hải Phòng. + Quốc lộ 14 : Nối Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. + Quốc lộ 51 : Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu. - Đường bộ Việt Nam đang hội nhập vào hệ thống đường bộ khu vực và quốc tế. b) Đường sắt - Tổng chiều dài là 3143 km với 261 ga, trong đó có 2632 km chính tuyến. Khối lượng hàng hoá và hành khách vận chuyển năm 2005 là : 8838,1 triệu tấn và 12,8 triệu lượt người. - Các tuyến đường chính là : + Đường sắt Thống Nhất dài 1726 km nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh. + Đường Hà Nội đi Lạng Sơn. + Đường Hà Nội đi Lào Cai. + Đường Hà Nội đi Hải Phòng. + Đường Hà Nội đi Thái Nguyên. c) Đường sông - Có tổng chiều dài 31 841 km với 30 cảng chính, khối lượng hành khách và hàng hoá vận chuyển năm 2005 lần lượt là : 171,4 triệu lượt người và 62 984,3 nghìn tấn. - Các tuyến đường sông chính tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. d) Đường biển - Cả nước có trên 70 cảng biển trong đó có nhiều cảng quốc tế và cảng nước sâu. Khối lượng hàng hoá vận chuyển là : 33 118 nghìn tấn. - Các cảng biển lớn là : Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn. e) Đường hàng không - Là ngành còn non trẻ nhưng phát triển nhanh vượt bậc. Các phương tiện đã được hiện đại hoá. - Cả nước có 19 sân bay trong đó có 3 sân bay quốc tế là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Khối lượng hành khách vân chuyển là 6,8 triệu lượt người, khối lượng hàng hoá là 105,1 nghìn tấn. g) Đường ống - Tổng chiều dài đường ống khoảng 1 200 km. - Ba tuyến đường quan trọng nhất là tuyến dẫn khí đốt từ mỏ Bạch Hổ (bể trầm tích Cửu Long) và 2 mỏ khí đốt Lan Đỏ và Lan Tây (bể trầm tích Nam Côn Sơn) vào Vũng Tàu và tuyến dẫn xăng dầu từ Bãi Cháy (B12) vào các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. 3. Thông tin liên lạc - Trong những năm qua, thông tin liên lạc là ngành có tốc độ phát triển nhanh vượt bậc. Đến năm 2005, cả nước có 15 845 000 thuê bao điện thoại. - Mạng lưới thông tin liên lạc khá đa dạng bao gồm 3 mạng chính : + Mạng điện thoại gồm : Mạng nội hạt và mạng đường dài, mạng cố định và mạng di động. + Mạng phi thoại gồm nhiều loại hình : * Mạng Faxcimin. * Mạng truyền trang báo. + Mạng truyền dẫn gồm : * Mạng dây trần. * Mạng truyền dẫn viba. * Mạng truyền dẫn cáp quang. * Mạng viễn thông quốc tế.
B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM Câu 1. Đây là các cảng biển nước sâu của nước ta kể theo thứ tự từ Bắc vào Nam. A. Vũng Áng, Nghi Sơn, Chân Mây, Dung Quất, Cái Lân. B. Cái Lân, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất. C. Nghi Sơn, Cái Lân, Vũng Áng, Chân Mây, Dung Quất. D. Cái Lân, Vũng Áng, Nghi Sơn, Dung Quất, Chân Mây. Câu 2. Đây là hai thành phố được nối với nhau bằng đường sắt. A. Hải Phòng - Hạ Long. B. Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh. C. Đà Lạt - Đà Nẵng. D. Hà Nội - Thái Nguyên. Câu 3. Đây là một trong những đặc điểm của mạng lưới đường ô tô của nước ta. A. Mật độ thuộc loại cao nhất khu vực. B. Hơn một nửa đã được trải nhựa. C. Về cơ bản đã phủ kín các vùng. D. Chủ yếu chạy theo hướng Bắc - Nam. Câu 4. Đường quốc lộ 1A không đi qua thành phố này : A. Cần Thơ. B. Việt Trì. C. Thanh Hoá. D. Biên Hoà. Câu 5. Hạn chế lớn nhất của ngành vận tải đường sông của nước ta là : A. Chỉ phát triển chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. B. Bị hiện tượng sa bồi và sự thay đổi thất thường về độ sâu luồng lạch. C. Lượng hàng hoá và hành khách vận chuyển ít, phân tán. D. Sông ngòi có nhiều ghềnh thác, chảy chủ yếu theo hướng tây bắc - đông nam. Câu 6. Từ Bắc vào Nam, đường quốc lộ 1A đi qua lần lượt các tỉnh thành : A. Hà Nam, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Cần Thơ, An Giang. B. Bắc Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ. C. Hà Tĩnh, Hà Nam, Bắc Giang, Đồng Nai, Cần Thơ. D. Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai. Câu 7. Đây là phương thức truyền dẫn cổ điển, hiện nay được thay thế bằng các phương thức tiên tiến hơn. A. Viba. B. Cáp quang. C. Viễn thông quốc tế. D. Dây trần. Câu 8. Dựa vào bảng số liệu sau đây về khối lượng hàng hoá vận chuyển của nước ta phân theo loại hình vận tải. (Đơn vị : nghìn tấn)
Năm Loại hình
1990
1995
2000
2005
Đường ô tô
54 640
92 255
141 139
212 263
Đường sắt
2 341
4 515
6 258
8 838
Đường sông
27 071
28 466
43 015
62 984
Đường biển
4 358
7 306
15 552
33 118
Nhận định nào chưa chính xác ? A. Đường sông là ngành có tỉ trọng lớn thứ hai nhưng là ngành tăng chậm nhất. B. Đường biển là ngành có tốc độ tăng nhanh nhất nhờ có nhiều điều kiện thuận lợi. C. Đường ô tô là ngành có tỉ trọng cao nhất và tăng nhanh nhất trong các loại hình. D. Đường sắt luôn chiếm tỉ trọng thấp nhất vì cơ sở vật chất còn nghèo và lạc hậu. Câu 9. Đây là một cảng sông nhưng lại được xem như một cảng biển. A. Sài Gòn. B. Vũng Tàu. C. Nha Trang. D. Đà Nẵng. Câu 10. Loại hình giao thông vận tải thuận lợi nhất để nước ta giao lưu với các nước trong khu vực Đông Nam Á là : A. Đường bộ. B. Đường sông. C. Đường biển. D. Đường hàng không. Câu 11. Tuyến giao thông vận tải quan trọng nhất ở nước ta hiện nay là : A. Đường sắt Thống Nhất. B. Quốc lộ 1A. C. Đường biển. D. Tuyến Bắc - Nam. Câu 12. Hướng chuyên môn hóa vận tải hàng hóa và hành khách của giao thông vận tải đường thủy nước ta thể hiện rõ nhất ở vùng : A. Đồng bằng sông Hồng. B. Bắc Trung Bộ. C. Đông Nam Bộ. D. Đồng bằng sông Cửu Long Câu 13. Năm 2002, khối lượng hàng hóa luân chuyển ở nước ta cao nhất xếp theo thứ tự là : A. Vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển. B. Vận tải đường bộ, đường sông, đường sắt. C. Vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ, đường sông. D. Vận tải đường sông, đường biển, đường bộ, đường sắt. Câu 14.Trong các loại hình vận tải, thì giao thông vận tải đường bộ (ô tô) ở nước ta : A. Có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. B. Chiếm ưu thế cả về khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển. C. Phát triển không ổn định. D. Có trình độ kĩ thuật và công nghệ cao nhất. Câu 15. Loại hình vận tải có vai trò không đáng kể về vận chuyển hành khách của nước ta là : A. Đường ô tô, đường sắt, đường sông, đường hàng không. B. Đường sắt, đường sông, đường hàng không. C. Đường sông, đường hàng không, đường biển. D. Đường biển. Câu 16. Các cảng lớn của nước ta xếp theo thứ tự từ Nam ra Bắc là : A. Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ. B. Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Vinh, Cái Lân, Hải Phòng. C. Trà Nóc, Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Cửa Lò, Hải Phòng, Cái Lân. D. Cam Ranh, Dung Quất, Liên Chiểu, Chân Mây, Vũng Áng, Nghi Sơn. Câu 17. Sân bay đang hoạt động ở Bắc Trung Bộ là : A. Huế, Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát. B. Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Chu Lai. C. Phú Bài, Chu Lai, Vinh. D. Vinh, Phú Bài. Câu 18. Sân bay nội địa đang hoạt động ở Duyên hải Nam Trung Bộ xếp theo thứ tự từ bắc vào nam là : A. Huế, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Đông Tác, Cam Ranh. B. Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Đông Tác, Cam Ranh. C. Chu Lai, Phù Cát, Đông Tác, Cam Ranh. D. Phù Cát, Đông Tác, Nha Trang, Cam Ranh. Câu 19. Về điện thoại quốc tế, hiện nay nước ta có các cửa chính để liên lạc trực tiếp là : A. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. B. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. C. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. D. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương. Câu 20. Trong định hướng phát triển thông tin liên lạc, nước ta cần ưu tiên xây dựng và hiện đại hóa mạng thông tin : A. Cấp quốc gia. B. Cấp vùng. C. Cấp tỉnh (thành phố). D. Quốc tế.