VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở BẮC TRUNG BỘ

Chủ nhật - 27/06/2021 05:53
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Khái quát chung
Bắc Trung Bộ gồm gồm 6 tỉnh, diện tích 51,5 nghìn km2 và dân số 10,6 triệu người (2006), chiếm 15,6% diện tích và 12,7% số dân cả nước.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
Về mặt tự nhiên, vùng thuộc miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, khu vực phía bắc của vùng (Thanh Hóa và một phần tỉnh Nghệ An) có khí hậu chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Hồng với Bắc Trung Bộ, vẫn chịu ảnh hưởng khá mạnh của gió mùa đông bắc về mùa đông.
Phía Tây là dãy Trường Sơn Bắc, biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào có các đèo thấp, vào mùa hè có hiện tượng gió phơn Tây Nam thời tiết rất khô nóng, nhưng ngay sau đó là bão kèm theo mưa lớn có thể ập đến bất ngờ gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng. Phía đông giáp Biển Đông, thềm lục địa hẹp. Phía nam (dãy Bạch Mã) giáp với Duyên hải Nam Trung Bộ
Vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá phong phú: Khoáng sản có crômit (100,0%), sắt (61,0%), thiếc (60,0%), đá vôi (44,0%) của cả nước...; rừng đứng thứ hai cả nước sau Tây Nguyên; các hệ thống sông Mã, sông Cả có giá trị về thủy lợi, giao thông (ở hạ lýu) và có tiềm nãng thủy ðiện
Tiềm năng cho phát triển nông nghiệp hạn chế, do các đồng bằng nhỏ, hẹp (lớn nhất là đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh); Có vùng gò đồi rộng lớn thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, kinh tế vườn rừng; Dọc ven biển có khả năng phát triển đánh bắt - nuôi trồng thủy sản.
Tiềm năng cho phát triển du lịch: có các bãi tắm nổi tiếng như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Thuận An, Lăng Cô; Các di sản thiên nhiên thế giới (Phong Nha - kẻ Bàng); Di sản văn hóa thế giới (Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế)
Về mặt kinh tế - xã hội:
Nhìn chung mức sống của dân cư còn thấp; Cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu, hậu quả của chiến tranh vẫn còn để lại (nhất là vùng rừng núi); Đầu tư nước ngoài còn hạn chế; Năng suất lao động thấp, thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao. Hiện nay, vùng đang được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, nhất là việc hình thành và phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong tương lai vùng sẽ có bước phát triển đáng kể
Về nông nghiệp: có lợi thế trong việc hình thành cơ cấu nông - lâm – ngư khá hoàn chỉnh.
Về công nghiệp: còn lạc hậu, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 5,0% của cả nước (2005). Việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi vùng phái phát huy các thế mạnh sẵn có, trong đó có thế mạnh về nông - lâm - ngư
2. Khai thác thế mạnh về nông - lâm - ngư nghiệp
Đây là vùng có những đặc điểm riêng, lãnh thổ kéo dài hẹp ngang, từ Tây sang Đông có đầy đủ các dạng địa hình đồi núi - trung du - đồng bằng - ven biển và biển đảo, vì thế có thể hình thành và phát triển mô hình kinh tế kết hợp nông - lâm (ở trung du, miền núi), nông - ngư (ở đồng bằng ven biển). Việc hình thành cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư sẽ tạo ra thế liên hoàn trong phát triển cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ; phát triển mô hình kinh tế nông - lâm – ngư sẽ cho phép khai thác hợp lí thế mạnh về tài nguyên rừng, bảo vệ tài nguyên đất, điều hòa chế độ dòng chảy của sông ngòi…
Khai thác thế mạnh về lâm nghiệp:
Diện tích rừng của vùng 2,46 triệu ha (20% diện tích rừng cả nước); độ che phủ 47,8% (2006) chỉ đứng sau Tây Nguyên, trong rừng còn nhiều gỗ và các loài chim thú quí, rừng giàu chỉ còn ở vùng núi cao giáp biên giới Việt – Lào, nhiều nhất là Nghệ An, Quảng Bình và Thanh Hóa. Trong cơ cấu: rừng sản xuất chỉ chiếm 34,0%, rừng phòng hộ là 50,0% và rừng đặc dụng 16,0%
Vấn đề khai thác hợp lí, phát triển vốn rừng sẽ giúp bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, giữ gìn nguồn gen động - thực vật quí hiếm, điều hòa nguồn nước, hạn chế lũ lụt; Đối với rừng phòng hộ ven biển có tác dụng chắn gió, cát lấn sâu vào đất liền
Khai thác tổng hợp thế mạnh về nông nghiệp:
Vùng đồi trước núi có thế mạnh về chăn nuôi gia súc lớn. Đàn trâu 75,0 vạn con (chiếm trên 20% đàn trâu cả nước), đàn bò 1,1 triệu con (25% cả nước).
Có dải đất đỏ ba dan kéo dài từ Phủ Quì vào Quảng Trị thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp (cà phê ở Nghệ An, Quảng Trị; hồ tiêu, cao su ở Quảng Bình, Quảng Trị; chè ở Tây Nghệ An)
Ở vùng đồng bằng, chủ yếu là đất cát pha thuận lợi cho phát triển các cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, mía, thuốc lá,...) ít thuận lợi cho cây lúa. Đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng năm và vùng thâm canh lúa.
Phát triển kinh tế biển:
Vùng không có các bãi cá lớn, nhưng nghề cá cũng rất phát triển (Nghệ An là tỉnh trọng điểm về nghề cá của vùng); Tàu thuyền đánh bắt hải sản có công suất nhỏ, chủ yếu đánh bắt ven bờ đã làm cho nguồn lợi thủy sản suy giảm rõ rệt; Việc nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn đang được phát triển.
Ven biển có nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng các cảng biển, thuận lợi để trao đổi, giao lưu với bên ngoài
3. Vấn đề hình thành cơ cấu công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng
a. Công nghiệp
Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp khai thác một số loại tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn, hoặc sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông - lâm - ngư và nguồn lao động dồi dào.
Vùng đã có một số nhà máy xi măng lớn: Bỉm Sơn, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An); Có một số trung tâm công nghiệp với các sản phẩm chuyên môn hóa khác nhau ở Thanh Hóa - Bỉm Sơn, Vinh, Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm trong địa bàn kinh tế trọng điểm miền Trung, có lợi thế phát triển).
Đã có dự án được kí kết tháng 05/2007 xây dựng nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh (sử dụng quặng sắt Thạch Khê)
Để phát triển công nghiệp thì vấn đề năng lượng (điện) cần được quan tâm hàng đầu, hiện nay vùng đang sử dụng nguồn điện từ nơi khác về. Một số nhà máy thủy điện đang xây dựng như nhà máy thủy điện Bản Vẽ trên sông Cả (Nghệ An) công suất 320 MW, Cửa Đạt (97 MW) trên sông Chu (Thanh Hóa), Rào Quán (64 MW) trên sông Rào Quán (Quảng Trị),… như vậy cơ sở năng lượng của vùng còn rất thiếu.
b. Cơ sở hạ tầng.
Đầu tư phát triển mạnh cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong sự phát triển kinh tế. Vùng có những trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất, các tuyến đường ngang 7, 8, 9… dự án đường Hồ Chí Minh ở phía tây (đường 15); ven biển có một số cảng biển quan trọng (Cửa Lò, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây); các sân bay Vinh, Huế đang được nâng cấp.
Phát triển giao thông trục Đông - Tây cùng với các cửa khẩu quốc tế (Cầu Treo, Lao Bảo) là điều kiện thuận lợi để giao lưu với nước ngoài.
Việc nâng cấp và hiện đại hóa các tuyến giao thông, đặc biệt là quốc lộ 1A, hầm qua Hoành Sơn, Hải Vân đã tăng khả năng vận chuyển hướng Bắc - Nam, thu hút các luồng vận tải.
Đầu tư xây dựng các cảng nước sâu (Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây), gắn liền với các khu công nghiệp cảng. Nâng cấp các sân bay hiện có (Vinh, Phú Bài) sẽ tăng cường thu hút khách du lịch, tạo khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào vùng.

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Vai trò chính của rừng phi lao ven biển của vùng Bắc Trung Bộ là :
              A. Điều hoà dòng chảy của sông ngòi.                     B. Chắn gió bão.
              C. Ngăn chặn sự xâm nhập mặn.
              D. Ngăn chặn sự di chuyển của các cồn cát.
Câu 2.   Thế mạnh của vùng đồi trước núi ở Bắc Trung Bộ là :
              A. Trồng hoa màu lương thực.        B. Trồng cây công nghiệp hàng năm.
              C. Chăn nuôi đại gia súc.                 D. Trồng rừng và cây công nghiệp lâu năm.  
Câu 3.   Gió phơn Tây Nam ảnh hưởng sâu sắc đến vùng Bắc Trung Bộ vì :
              A. Sự có mặt của dãy Trường Sơn Bắc.
              B. Có nhiều thung lũng khuất gió.
              C. Bị chắn hai đầu bởi dãy Tam Điệp và Bạch Mã.
              D. Đây là dải đất hẹp nhưng lại kéo dài theo độ vĩ.
Câu 4.   Ngành công nghiệp có vị trí hàng đầu của vùng Bắc Trung Bộ là :
              A. Vật liệu xây dựng.                      B. Cơ khí - điện tử.
              C. Chế biến lâm sản.                        D. Năng lượng.
Câu 5.   Ưu tiên hàng đầu trong phát triển công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ là :
              A. Khai thác các mỏ khoáng sản.    B. Xây dựng hệ thống cảng sâu và sân bay.
              C. Phát triển các cơ sở năng lượng.
              D. Phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, điện - điện tử.
Câu 6.   Việc phát triển và bảo vệ vốn rừng ở Bắc Trung Bộ có vai trò cực kì quan trọng vì :
              A. Là vùng giàu tài nguyên rừng thứ hai của cả nước.       
              B. Sông ngòi ngắn, dốc, rất dễ xảy ra lũ lụt.
              C. Ngành công nghiệp chế biến lâm sản của vùng rất phát triển.
              D. Là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của gió tây khô nóng.
Câu 7.   Nhà máy thuỷ điện có công suất lớn nhất đang được xây dựng ở Bắc Trung Bộ là :
              A. A Vương.       B.  Bản Vẽ.          C. Rào Quán.       D. Cửa Đạt.
Câu 8.   Ba nhà máy xi măng lớn hoạt động dựa trên nguồn đá vôi dồi dào của vùng  Bắc Trung Bộ là :
              A. Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Phúc Sơn.
              B. Bỉm Sơn, Phúc Sơn và Nghi Sơn.
              C. Bỉm Sơn, Nghi Sơn và Hoàng Mai.          
              D. Nghi Sơn, Bỉm Sơn và Phúc Sơn.
Câu 9.   Vùng Bắc Trung Bộ phải hình thành cơ cấu kinh tế nông – lâm - ngư nghiệp vì :
              A. Có ý nghĩa lớn đối với sự hình thành cơ cấu kinh tế chung của vùng.
              B. Khai thác các thế mạnh sẵn có của vùng để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
              C. Vừa tạo cơ cấu ngành vừa tạo thế liên hoàn trong phát triển cơ cấu kinh tế theo không gian.
              D. Vùng có thế mạnh để phát triển trong khi tỉ trọng công nghiệp còn rất thấp so với cả nước.
Câu 10. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải được xây dựng ở Bắc Trung Bộ có ý nghĩa lớn đối với việc mở cửa hội nhập của vùng :
              A. Hầm đèo Ngang và hầm đèo Hải Vân.            
              B. Các sân bay Vinh, Đồng Hới và Phú Bài.
              C. Các cảng nước sâu Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây.
              D. Dự án đường Hồ Chí Minh và các tuyến Đông - Tây.
Câu 11. Tác động lớn nhất của đường Hồ Chí Minh đối với vùng Bắc Trung Bộ là :
              A. Tạo ra sự phân công lao động theo lãnh thổ hoàn chỉnh hơn. 
              B. Tạo điều kiện để thu hút mạnh hơn đầu tư nước ngoài.
              C. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng phía tây.
              D. Mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên bán đảo Đông Dương.
Câu 12. Khu vực khí hậu chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ là các tỉnh
              A. Ninh Bình và Thanh Hoá.          B. Quảng Bình và Quảng Trị.
              C. Thanh Hóa và một phần tỉnh Nghệ An.
              D. Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
Câu 13. Khoáng sản có giá trị kinh tế ở Bắc Trung Bộ là :
              A. Sắt, đá vôi, đá quý, sét xi măng, than.                   
              B. Sắt, đồng, crômit, bôxit, đá vôi, đá quý.
              C. Sắt, titan, đá vôi, đá quý, sét xi măng, chì - kẽm.  
              D. Crômit, sắt, thiếc, titan, đá vôi, đá quý, sét xi măng
Câu 14. Bắc Trung Bộ không mấy thuận lợi cho việc phát triển cây lương thực (lúa) là do :
              A. Đất cát pha và đất cát là chủ yếu.               B. Khí hậu khắc nghiệt.
              C. Thiếu nước trầm trọng trong mùa khô.       D. Địa hình cắt xẻ, độ dốc lớn.
Câu 15. Mùa mưa ở Bắc Trung Bộ tập trung vào :
              A. Mùa hè - thu.                              B. Mùa thu - đông.     
              C. Mùa đông - xuân.                        D. Mùa xuân - hè.
Câu 16. Để tạo thế liên hoàn về không gian trong phát triển kinh tế ở vùng Bắc Trung Bộ cần phải :
              A. Gắn các vùng sản xuất nông nghiệp với lâm nghiệp và ngư nghiệp
              B. Đầu tư mạnh cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở vật chất - kĩ thuật.
              C. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội lên vùng cao.
              D. Hình thành các trung tâm công nghiệp gắn với các đô thị lớn.
Câu 17. Tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa lớn ở Bắc Trung Bộ là :
              A. Cố đô Huế.                                  B. Cố đô Huế và đô thị cổ Hội An.
              C. Phong Nha - Kẻ Bàng.                D. Mỹ Sơn và Cố đô Huế.
Câu 18. Thế mạnh nổi bật nhất về sản xuất nông nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ là :
              A. Cây công nghiệp ngắn ngày và cây màu lương thực.      B. Chăn nuôi trâu và ḅ.
              C. Cây công nghiệp lâu năm (cà phê, cao su, hồ tiêu).         D. Đánh bắt hải sản.
Câu 19. Sản xuất công nghiệp của Bắc Trung Bộ chưa phát triển trước hết là do :
              A. Vị trí địa lí không thuận lợi.      
              B. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, cơ sở năng lượng chưa phát triển.
              C. Khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên hạn chế.              
              D. Thiếu lao động kĩ thuật và thị trường tiêu thụ.
Câu 20. Thành phố và là trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của Bắc Trung Bộ là :
              A. Thành phố Thanh Hóa.               B. Thành phố Thanh Hóa - Bỉm Sơn.
              C. Thành phố Vinh.                         D. Thành phố Huế.
Câu 21. Tuyến giao thông quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Trung Bộ là :
              A. Quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất .                      B. Quốc lộ 7, 8, 9, 19, 26,...
              C. Hệ thống các cảng biển (đặc biệt là các cảng nước sâu).    
              D. Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường ngang
Câu 22. Ranh giới khí hậu giữa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là :
              A. Dãy núi Tam Điệp.                     B. Dãy núi Hoành Sơn.
              C. Dãy núi Kẻ Bàng.                       D. Dãy núi Bạch Mã.
Câu 23. Hình thành cơ cấu công nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng ở các tỉnh Duyên hải miền Trung có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì :
              A. Là vùng có tiềm năng lớn về khoáng sản, lâm sản.        
              B. Cơ sở năng lượng của vùng còn hạn chế.
              C. Kết cấu hạ tầng bị tàn phá nặng nề do chiến tranh và thiên tai.         
              D. Tất cả các ý trên.
Câu 24. Khí hậu của vùng Bắc Trung Bộ có đặc điểm chung là :
              A. Nóng ẩm quanh năm, thời tiết diễn biến thất thường.
              B. Nóng ẩm quanh năm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lụt và hạn hán.
              C. Có mùa đông lạnh kéo dài 1 - 2 tháng, mưa vào thu - đông, ảnh hưởng mạnh của bão và gió phơn Tây Nam.
              D. Mang tính chất chuyển tiếp giữa khí hậu miền Bắc với khí hậu miền Nam.
Câu 25. Nguồn tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn nhưng chưa được khai thác ở Bắc Trung Bộ là :
              A. Quặng crômit và titan                 B. Quặng sắt.
              C. Cát thủy tinh và đất sét trắng.     D. Quặng thiếc và đá xây dựng.
Câu 26. Tuyến giao thông vận tải không nằm trong diện ưu tiên hiện đại hóa trục Bắc - Nam là
              A. Quốc lộ 1A.                                B. Đường sắt Thống Nhất.
              C. Quốc lộ 15.                                 D. Quốc lộ 9.
Câu 27. Cảng thương mại quốc tế (dự kiến) sẽ hình thành ở vùng Bắc Trung Bộ là:
              A. Nghi Sơn, Cửa Lò.                      B. Cửa Lò, Vũng Áng.
              C. Vũng Áng, Chân Mây.                D. Chân Mây, Cửa Việt.

C. ĐÁP ÁN
1. D 2. C 3. A 4. A 5. C 6. B
7. B 8. B 9. C 10. A 11. C 12. C
13. D 14. A 15. B 16. A 17. A 18. B
19. B 20. C 21. A 22. D 23. D 24. C
25. B 26. D 27. C      

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay4,834
  • Tháng hiện tại120,839
  • Tổng lượt truy cập8,040,267
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây