VẤN ĐỀ SỬ DỤNG HỢP LÍ VÀ CẢI TẠO TỰ NHIÊN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Chủ nhật - 27/06/2021 06:07
. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Các bộ phận hợp thành Đồng bằng sông Cửu Long
tải xuống (3)
tải xuống (3)
Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích tự nhiên 40000 km2, dân số 17,40 triệu người (2006), chiếm 12,0% diện tích và 20,70% dân số cả nước.
 Là đồng bằng châu thổ rộng lớn nhất, bao gồm phần đất nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của các nhánh sông (phần thượng và hạ châu thổ) và phần đất nằm ngoài phạm vi tác động trực tiếp của các nhánh sông (đồng bằng rìa).
Phần thượng châu thổ địa hình tương đối cao (2 - 4 m so với mực nước biển), vẫn bị ngập nước trong mùa mưa, bề mặt có nhiều vùng trũng rộng lớn, vào mùa khô là những vùng nước tù đứt đoạn.
Phần hạ châu thổ, địa hình thấp (1 - 2 m so với mực nước biển), thường xuyên chịu tác động của sóng biển và thủy triều. Ngoài các giồng đất cao ở 2 bên bờ sông và cac cồn cát duyên hải, còn có các vùng trũng ngập nước vào mùa mưa và các bãi bồi bên sông
Phần ngoài phạm vi tác động trực tiếp của các nhánh sông, vẫn được cấu tạo bởi phù sa sông (đồng bằng Cà Mau).
2. Các thế mạnh và hạn chế
a) Thế mạnh
Đất đai là tài nguyên quan trọng hàng đầu, chủ yếu là đất phù sa nhưng tính chất của nó khá phức tạp. Có 3 nhóm đất chính :
Đất phù sa ngọt : Diện tích 1,2 triệu ha (chiếm trên 30,0% diện tích của vùng), là loại đất quan trọng nhất đối với sản xuất nông nghiệp, phân bố tập trung ven khu vực sông Tiền và sông Hậu.
Đất phèn : Diện tích trên 1,6 triệu ha (chiếm khoảng 41,0% diện tích của vùng); đát phen lại chia ra (đất phèn nặng 0,55 triệu ha, đất phèn nhẹ và trung bình 1,05 triệu ha); phân bố ở Đồng Tháp Mười, Hà Tiên và vùng trũng trung tâm bán đảo Cà Mau.
Đất mặn : Diện tích gần 75,0 vạn ha (chiếm 19% diện tích đất tự nhiên của vùng), phân bố dọc duyên hải ven Biển Đông và vịnh Thái Lan (Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang).
Ngoài ra, còn có một vài loại đất khá, diện tích không đáng kể.
Khí hậu của vùng thể hiện rõ tính chất cận Xích đạo, nền nhiệt cao, ổn định; nhiệt độ trung bình năm 25 – 270C, tổng số giờ nắng 2200 – 2700 giờ/năm, lượng mưa lớn 1300 – 2000 mm/năm tập trung vào tháng 5 – 11. Với điều kiện khí hậu như trên rất thuận lợi với các loại cây trồng ưa nhiệt cho năng suất cao.
Nguồn nước rất dồi dào của hệ thống sông Mê Công, khi vào Việt Nam chia thành hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang ra biển bằng 9 cửa sông ; mạng lưới kênh rạch chằng chịt cắt xẻ đồng bằng thành những ô vuông thuận lợi cho về giao thông, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tài nguyên sinh vật : Đây là vùng có hệ sinh thái rừng đặc trưng nhất của vùng Đông Nam Á, thảm thực vật chủ yếu là rừng tràm (Kiên Giang, Đồng Tháp…) và rừng ngập mặn (Cà Mau, Bạc Liêu…), động vật quan trọng nhất là chim, tôm, cá.
Tài nguyên biển hết sức phong phú, với nhiều bãi cá, tôm ; trong đất liền có trên 68,0 vạn ha diện tích mặt nước cho nuôi trồng thuỷ sản.
Khoáng sản chủ yếu là đá vôi (Hà Tiên, Kiên Lương), than bùn (U Minh, Tứ giác Long Xuyên,…), dầu khí mới đang trong quá trình thăm dò và khai thác ở vùng thềm lục địa.
b) Hạn chế
Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, vì thế nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, thiếu nước ngọt trong mùa khô ; đất quá chặt, khó thoát nước, thiếu một số nguyên tố vi lượng hạn chế đến năng suất cây trồng; đôi khi cũng xảy ra tai biến của thiên nhiên
Phần lớn diện tích của vùng là đất phèn, đất mặn cùng với sự thiếu nước trong mùa khô, vì vậy cải tạo rất khó khăn
Tài nguyên khoáng sản hạn chế gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Trình độ chậm phát triển của các ngành kinh tế - xã hội.
3. Sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long
Đây là vùng đất giàu tiềm năng, được thiên nhiên ưu đãi. Vì vậy việc sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên đã trở nên vấn đề cấp bách nhằm biến Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kinh tế quan trọng của đất nước.
Biện pháp: Nước ngọt là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì vậy phải tăng cường công tác thuỷ lợi để thau chua, rửa mặn, nhằm biến đất hoang thành đất trồng trọt, biến đất 1 vụ thành 2 – 3 vụ/năm.
Biện pháp mà người dân trong vùng đã làm là chia ruộng thành ô nhỏ để có đủ nước ngọt thau chua, rửa mặn, kết hợp với việc tạo ra các giống lúa chịu phèn, chịu mặn trong điều kiện nước tưới bình thường
Đối với vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, biện pháp cải tạo là lấy nước ngọt từ sông Hậu thông qua kênh Vĩnh Tế để rửa phèn; Ở vùng Đồng Tháp Mười là lấy nước từ sông Tiền để cải tạo
Đối với khu vực có rừng, cần duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên này (đặc biệt là việc chặt phá rừng để phát triển nuôi tôm và cá, gây cháy rừng), giữ cân bằng sinh thái cho phát triển bền vững. Rừng ngập mặn ở phía nam và tây nam đồng bằng có thể được sử dụng có giới hạn để nuôi tôm, trồng sú vẹt, kết hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo dần đất mặn, đất phèn thành các vùng đất phù sa mới để trồng cói – lúa, cây ăn quả
Phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng : Phá thế độc canh cây lúa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ; kết hợp giữa khai thác, nuôi trồng thuỷ sản với công nghiệp chế biến.
Khai thác tổng thể biển - đảo (quần đảo) - đất liền tạo nên một thể kinh tế liên hoàn.
Trong đời sống, cần có biện pháp chủ động sống chung với lũ, khai thác các nguồn lợi về kinh tế do lũ hàng năm đem lại. Phải chú ý đến bảo vệ môi trường sinh thái, giữ thế cân bằng, ổn định của vùng.
4. Tình hình sản xuất lương thực - thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long
a) Vai trò của sản xuất lương thực, thực phẩm của vùng
Là vựa lúa lớn nhất và là vùng sản xuất thực phẩm hàng đầu của cả nước. Việc giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm có ý nghĩa lớn trong vùng, cho cả nước và xuất khẩu.
Gạo đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng năm xuất khẩu dao động 3,0 – 4,0 triệu tấn (năm 2005 đạt 5,3 triệu tấn). Thuỷ sản xuất khẩu cũng đã vượt quá 3,0 tỉ USD/năm
b) Khả năng và thực trạng sản xuất lương thực
● Khả năng :
Diện tích đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp khoảng 3,0 triệu ha (chiếm 3/4 diện tích đất tự nhiên của vùng và 1/3 diện tích đất nông nghiệp cả nước).
Đất đai màu mỡ, được phù sa bồi đắp hằng năm, khí hậu, thời tiết, nguồn nước thích hợp với việc trồng lúa.
Trở ngại lớn nhất là sự nhiễm mặn của đất, thiếu nước ngọt trong mùa khô; tình trạng chậm phát triển của một số ngành kinh tế khác cũng ảnh hưởng tới sản xuất lương thực, thực phẩm của vùng
● Thực trạng :
Năm 2005, diện tích trồng cây lương thực gần 4,0 triệu ha (chiếm 46,0% diện tích gieo trồng cây lương thực cả nước). Trong cơ cấu, cây lúa chiếm ưu thế tuyệt đối cả về diện tích trồng cây lương thực (99,0%); Diện tích 3,70 – 3,90 triệu ha (chiếm gần 51,0% cả nước); Năng suất 50,4 tạ/ha (cao hơn mức bình quân cả nước – 48,9 tạ/ha, thấp hơn đồng bằng sông Hồng – 50,4 tạ/ha), sản lượng 19,2 triệu tấn (chiếm 54,0% cả nước). Bình quân lương thực/người 1124,9 kg/người, gấp 2,4 lần mức bình quân cả nước.
Có 2 vụ chính là hè thu và đông xuân, vụ mùa diện tích đang giảm.
Có 9/13 tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Trà Vinh) đạt sản lượng trên 1,0 triệu tấn lúa/năm.
Hạn chế, mặc dù là vựa lúa lớn nhất của cả nước, nhưng vùng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về sản xuất lương thực: Hệ số sử dụng đất còn thấp, phần lớn cũng chỉ gieo cấy một vụ, diện tích đất hoang còn lớn. Diện tích đất hoang còn nhiều và việc cải tạo đòi hỏi phải có đầu tư lớn.
Những định hướng: cần tập trung vào việc thâm canh, tăng vụ kết hợp với khai hoang, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến
c) Khả năng và thực trạng sản xuất thực phẩm
● Khả năng:
Có vùng biển giàu có thuộc Biển Đông và vịnh Thái Lan với trên 700 km đường bờ biển; Ở vùng biển phía đông, trữ lượng cá có thể lên tới 90 – 100 vạn tấn, khả năng khai thác 42 vạn tấn/năm (từ tháng 5 – 9); Ở vùng biển phía Tây, trữ lượng là 43 vạn tấn, khả năng khai thác 19 vạn tấn/năm (từ tháng 11 – 4 năm sau).
Vùng có tới 25 cửa sông, luồng lạch với 48,0 vạn ha vùng bãi triều (khoảng 30,0 vạn ha có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ); trong đất liền có khoảng 1500 km sông ngòi, kênh rạch với trên 68,0 vạn ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt
Vùng cũng có những thuận lợi nhất định về phát triển ngành chăn nuôi (nhất là lợn và gia cầm (vịt)
● Thực trạng:
Sản lượng thủy sản (2005) : 1,8 triệu tấn, chiếm 54,0% cả nước; Sản lượng thủy sản khai thác 85,6 vạn tấn, chiếm 43,0% cả nước, nuôi trồng 98,3 vạn tấn, chiếm 68,0% cả nước; Sản lượng tôm nuôi 27,0 vạn tấn (chiếm 82,0% cả nước), cá nuôi 62,8 vạn tấn (chiếm 67,0% cả nước). Gần đây, việc nuôi cá, tôm của vùng rất phát triển; Cá, tôm đông lạnh đã trở thành mặt hàng ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Các tỉnh có sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất vùng và cả nước năm 2005: Kiên Giang (trên 35,0 vạn tấn), Cà Mau (trên 25,0 vạn tấn), An Giang (trên 23,0 vạn tấn)
Về chăn nuôi, đàn lợn 3,80 triệu con (14,0% cả nước), phân bố đồng đều trong các tỉnh; đàn bò 53,7 vạn con (chiếm gần 10,0% cả nước), tập trung ở Trà Vinh, Bến Tre, An Giang; đàn gia cầm chủ yếu là vịt rất đông đúc.
Hạn chế về sản xuất thực phẩm: Do nhu cầu của thị trường quốc tế tăng mạnh, cá và tôm là mặt hàng xuất khẩu thu ngoại tệ lớn, vì vậy diện tích nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh đồng nghĩa với việc diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái của vùng. Vì vậy, cùng với việc mở rộng diện tích mặt nước cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái.

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Loại đất có diện tích lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là :
              A. Phù sa ngọt.    B. Đất  phèn.       C. Đất mặn.         D. Đất than bùn.
Câu 2.   Rìa châu thổ là từ dùng để chỉ :
              A. Vùng đất phù sa ngọt nằm giữa sông Tiền và sông Hậu.
              B. Vùng đất cao nhưng có nhiều vùng trũng thường xuyên ngập nước vào mùa mưa.
              C. Vùng đất thấp ven biển thường xuyên chịu tác động của sóng biển và thuỷ triều.
              D. Vùng đất nằm ngoài phạm vi tác động trực tiếp của sông Cửu Long.
Câu 3.   Hạn chế lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long đối với sự phát triển nông nghiệp là:
              A. Mùa khô kéo dài thiếu nước nghiêm trọng.           
              B. Đất phèn, đất mặn chiếm trên 60% diện tích.
              C. Thường xuyên chịu tác động của thiên tai.            
              D. Đất quá chặt, khó thoát nước, thiếu dinh dưỡng.
Câu 4.   Yếu tố có ý nghĩa hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí và cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long là :
              A. Giải quyết nguồn nước ngọt.      B. Bảo vệ rừng ngập mặn.
              C. Khai thác biển, đảo.                    D. Nuôi trồng thuỷ sản.
Câu 5.   Đây là kinh nghiệm lâu đời của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong việc cải tạo đất phèn, đất mặn trong mùa khô.
              A. Chia đồng bằng thành ô nhỏ, dùng nguồn nước ngọt hạn chế, luân phiên rửa cho đất.
              B. Tạo ra các giống lúa chịu được phèn, mặn đưa vào canh tác trong điều kiện tưới nước bình thường.
              C. Xây dựng hệ thống kênh rạch chằng chịt để khai thác nguồn nước ngọt của sông Tiền và sông Hậu.
              D. Chuyển các diện tích đất nhiễm phèn, nhiễm mặn sang nuôi tôm cá thay cho lúa.
Câu 6.   Một giải pháp quan trọng đang được đề cập nhiều nhằm giải quyết vấn đề lũ lụt kéo dài ở ĐB sông Cửu Long là :
              A. Tăng cường xây dựng hệ thống đê bao quanh các sông.
              B. Chung sống với lũ và khai thác những lợi thế do lũ đem lại.
              C. Tăng cường xây dựng các công trình thuỷ lợi để thoát lũ.
              D. Xây dựng các đập và hồ chứa ở thượng nguồn các sông.
Câu 7.   Cần Thơ là thành phố, trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của ĐB sông Cửu Long nhờ vào lợi thế :
              A. Vị trí trung tâm của cả đồng bằng.                              
              B. Có cơ sở năng lượng quan trọng là nhà máy điện Trà Nóc.
              C. Có trường đại học lớn nhất khu vực.    
              D. Có cảng nội địa là cửa ngõ của cả tiểu vùng Mê Công.
Câu 8.   Cơ sở quan trọng để tăng sản lượng lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long là:
              A. Khai thác đất trồng lúa từ các bãi bồi ven sông, ven biển.
              B. Đẩy mạnh hơn nữa việc thâm canh, tăng vụ.
              C. Thực hiện khai hoang và cải tạo đất phèn, đất mặn.
              D. Kết hợp khai hoang mở rộng diện tích với tăng hệ số sử dụng đất.
Câu 9.   Năm 2005, tỉnh nào của ĐB sông Cửu Long dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa và thuỷ sản?
              A. Cà Mau và Kiên Giang.              B. Cà Mau và An Giang.
              C. An Giang và Kiên Giang.           A. An Giang và Đồng Tháp.
Câu 10. Điểm giống nhau dễ nhận thấy nhất trong sản xuất lúa ở ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long là :
              A. Đông xuân là vụ lúa quan trọng, có năng suất cao nhất.
              B. Hè thu là vụ lúa quan trọng, có năng suất cao nhất.
              C. Khả năng tăng vụ còn nhiều vì hệ số sử dụng đất còn thấp.
              D. Có lương thực bình quân cao hơn mức bình quân cả nước.
Câu 11. Loại cây công nghiệp lâu năm ở Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích lớn nhất:
              A. Dừa.               B. Hồ tiêu.           C. Điều                D. Dâu tằm.
Câu 12. Bến Tre là tỉnh có diện tích lúa thấp nhất của Đồng bằng sông Cửu Long vì :
              A. Đây là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất đồng bằng.
              B. Đây là tỉnh có dân số đông mật độ cao nhất đồng bằng.
              C. Đây là tỉnh dẫn đầu đồng bằng về trồng cây công nghiệp.
              D. Phần lớn diện tích của tỉnh là đất nhiễm phèn, nhiễm mặn.
Câu 13. Dựa vào bảng số liệu sau đây về sản lượng thuỷ sản của cả nước và ĐB sông Cửu Long. (Đơn vị: triệu tấn)
Năm
Vùng
1995 2000 2002 2005
Cả nước 1,58 2,25 2,64 3,43
Đồng bằng sông Cửu Long 0,82 1,17 1,36 1,84
              Nhận định nào sau đây chưa chính xác về sản xuất thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long ?
              A. Sản lượng thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục.
              B. Sản lượng thuỷ sản của Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh hơn cả nước.
              C. Đồng bằng sông Cửu Long luôn chiếm trên 50% sản lượng thuỷ sản cả nước.
              D. Năm 2005, Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ trọng thấp nhất trong các năm.
Câu 14. Đây không phải là một trong những đặc điểm sản xuất lúa của Đồng bằng sông Cửu Long.
              A. Chiếm hơn 50% sản lượng lúa cả nước.
              B. Đóng góp phần lớn nhất trong lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
              C. Có nhiều tỉnh đạt sản lượng trên 1,0 triệu tấn/năm.
              D. Có năng suất lúa cao nhất nước.
Câu 15. Điểm khác nhau dễ nhận thấy nhất về đặc điểm tự nhiên giữa ĐB sông Hồng và ĐB sông Cửu Long là :
              A. Đất đai.           B. Khí hậu.          C. Thuỷ văn.        D. Sinh vật.
Câu 16. Vùng thượng và hạ châu thổ ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có chung đặc điểm là :
              A. Độ cao dao động từ 2 – 4 m so với mực nước biển.       
              B. Đất phù sa bị nhiễm mặn.           C. Chịu tác động của sóng biển và thủy triề   
              D. Những vùng trũng bị ngập nước vào mùa mưa.
Câu 17. Để phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội và môi trường, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải:
              A. Phá thế độc canh cây lúa, mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.
              B. Bảo vệ rừng tràm và rừng ngập mặn ven biển.
              C. Khai thác tổng thể biển - đảo - đất liền gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
              D. Đẩy mạnh nuôi trồng và chế biến thủy hải sản.
Câu 18. Hệ sinh thái rừng phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long là :
              A. Rừng ngập mặn và rừng nhiệt đới rụng lá.      
              B. Rừng tràm và rừng thưa nhiệt đới.
              C. Rừng khộp và rừng ngập mặn     D. Rừng ngập mặn và rừng tràm.
Câu 19. Rừng tràm và rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long bị chặt phá bừa bãi sẽ dẫn tới :
              A. Nước mặn lấn sâu vào đất liền.  B. Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản.
              C. Môi trường sinh thái bị phá vỡ. 
              D. Nguy cơ lũ lụt sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Câu 20. Để cải tạo tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, biện pháp quan trọng hàng đầu là :
              A. Tăng cường công tác thủy lợi.    B. Khai hoang mở rộng diện tích.
              C. Tận dụng diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản.
              D. Phải thay đổi cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh thâm canh.
Câu 21. Tăng cường công tác thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long là để :
              A. Để thoát lũ trong mùa mưa         B. Để thâm canh tăng vụ mở rộng diện tích.
              C. Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
              D. Để giữ được nước ngọt trong mùa khô và thoát lũ trong mùa mưa.
Câu 22. Đất phù sa ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm :
              A. Thường bị ngập úng quá sâu trong mùa mưa.
              B. Thành phần cơ giới chủ yếu là sét, đất quá chặt.
              C. Tình trạng bốc phèn quá mạnh trong mùa khô.
              D. Khoảng 2/3 diện tích bị nhiễm mặn trong mùa khô.
Câu 23. Khả năng mở rộng diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu dựa vào :
              A. Cải tạo các vùng đất bị nhiễm phèn và nhiễm mặn.
              B. Cải tạo vùng đất mới bồi ở các vùng cửa sông, ven biển.
              C. Cải tạo vùng đất bạc màu ở vùng Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau.
              D. Cải tạo vùng đất bị nhiễm phèn ở vùng trũng Hà Tiên.
Câu 24. Biện pháp kĩ thuật quan trọng nhất để cải tạo đất chua mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là :
              A. Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ.          B. Tích cực làm thủy lợi.
              C. Cơ giới hóa các khâu làm đất.                                D. Bón phân thích hợp.
Câu 25. Sự xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mạnh nhất vào thời gian
              A. Từ tháng 3 đến tháng 8               B. Từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.
              C. Từ tháng 5 đến tháng 10             D. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Câu 26. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt ở Đồng bằng sông Cửu Long không thuận lợi cho việc:
              A. Phát triển nghề nuôi cá, tôm nước ngọt.                
              B. Phát triển nghề khai thác, chế biến thủy sản.
              C. Phát triển giao thông vận tải đường bộ.                 
              D. Phát triển giao thông vận tải đường thủy.
Câu 27. Giá trị kinh tế của rừng ngập mặn đối với đời sống nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long :
              A. Ngăn chặn sự xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền.
              B. Chắn sóng, cố định đất, mở rộng diện tích đồng bằng.
              C. Là môi trường sống của các loài sinh vật.
              D. Cung cấp gỗ củi, cây dược liệu và nguồn thực phẩm.
Câu 28. Khó khăn nhất cho sản xuất cây lương thực ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là :
              A. Đất bị ngập úng quá sâu.            B. Tình trạng bốc phèn.
              C. Đất bị nhiễm mặn.                       D. 2/3 diện tích đất bị ngập úng và nhiễm mặn.
Câu 29. Để trở thành vùng trọng điểm lương thực - thực phẩm hàng hóa số 1 của cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải :
              A. Gắn liền giữa sử dụng hợp lí với việc cải tạo tự nhiên.
              B. Khai thác tốt tiềm năng về đất đai, khí hậu và nguồn nước.
              C. Kết hợp đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội và giải pháp công nghệ trong việc cải tạo tự nhiên.
               D. Phải đầu tư mạnh cho công tác thuỷ lợi, giữ được nước ngọt trong mùa khô.
Câu 30. Về sản xuất lương thực - thực phẩm, Đồng bằng sông Cửu Long có ưu thế hơn hẳn các vùng khác về :
              A. Chăn nuôi lợn và gia cầm.          B. Trình độ thâm canh.
              C. Diện tích gieo trồng.                   D. Năng suất lúa.
Câu 31. Năm 2005, diện tích trồng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long là 3,80 triệu ha, sản lượng 17,4 triệu tấn. Nếu năng suất lúa tăng lên 61,1 tạ/ha thì diện tích trồng lúa của vùng sẽ giảm đi:
              A. 3,00 triệu ha.              B. 2,50 triệu ha.                  
              C. Trên 1,50 triệu ha.      D. Gần 1,00 triệu ha.
Câu 32. Diện tích gieo trồng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2005 là 3,80 triệu ha, năng suất 45,8 tạ/ha. Nếu chuyển 60,0 vạn ha đất lúa sang trồng cây ăn quả và năng suất tăng lên 54 tạ/ha thì sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng thêm là
              A. Trên 1,70 triệu tấn.                     B. Dưới 1,70 triệu tấn.
              C. Khoảng 124 000 tấn.                   D. Không tăng.
Câu 33. Để tăng sản lượng lương thực, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải :
              A. Tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích đất hoang hóa, đẩy mạnh thâm canh.
              B. Tăng cường công tác thủy lợi, giữ được nước ngọt trong mùa khô.
              C. Thay đổi cơ cấu giống lúa và cơ cấu mùa vụ; tăng diện tích lúa mùa và giảm diện tích lúa hè thu.
              D. Tăng diện tích lúa hè thu, giảm diện tích lúa đông xuân.
Câu 34. Để nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, Đồng bằng sông Cửu Long cần phải:
              A. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, cải tiến giống, thức ăn.
              B. Phát triển công nghiệp chế biến, chú ý kĩ thuật sản xuất.
              C. Kết hợp giữa nông - lâm - ngư với bảo vệ môi trường sinh thái.
              D. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu.

C. ĐÁP ÁN
1. B 2. D 3. A 4. A 5. A 6. B
7. A 8. D 9. C 10. A 11. A 12. C
13. D 14. D 15. B 16. D 17. C 18. D
19. C 20. A 21. D 22. B 23. A 24. B
25. D 26. C 27. D 28. B 29. C 30. C
31. D 32. D 33. A 34. B    

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay9,369
  • Tháng hiện tại121,986
  • Tổng lượt truy cập6,978,290
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây