. CÁC NGÀNH SẢN XUẤT VÀ SỰ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

Chủ nhật - 27/06/2021 05:33
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Ngành trồng trọt
Gồm 3 bộ phận và chiếm 75% giá trị sản xuất nông nghiệp.
a) Sản xuất lương thực
tải xuống (3)
tải xuống (3)
- Đẩy mạnh sản xuất lương thực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước ta :
+ Đảm bảo nhu cầu lương thực cho một dân số đông tăng nhanh.
+ Cung cấp thức ăn cho chăn nuôi, cung cấp hàng xuất khẩu.
+ Bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.
+ Cơ sở để đa dạng hoá các hoạt động nông nghiệp.
- Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây lương thực nhưng cũng phải khắc phục nhiều trở ngại.
- Sản xuất lương thực của nước ta có những đặc điểm chủ yếu :
+ Diện tích gieo trồng cây lương thực tăng nhanh : Từ 6 triệu ha (1980) lên 8,37 triệu ha (2005), trong đó diện tích lúa tăng từ 5,6 triệu ha lên 7,33 triệu ha.
+ Cơ cấu mùa vụ có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương. Vụ đông xuân và hè thu đang trở thành vụ chính.
+ Năng suất lúa đã tăng nhanh từ 21 tạ/ha (1980) lên 48,9 tạ/ha (2005) nhờ áp dụng rộng rãi các biện pháp thâm canh đặc biệt là việc đưa các giống mới vào canh tác và trình độ nông dân đã được nâng cao.
+ Sản lượng lương thực đã tăng từ 13,5 triệu tấn (1980) lên 39,55 triệu tấn (2005) trong đó lúa tăng từ 11,6 triệu tấn lên 35,8 triệu tấn.
+ Từ chỗ sản xuất không đủ dùng đến nay nước ta đã trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo (mỗi năm vào khoảng 4,5 triệu tấn). Bình quân lương thực đầu người đã đạt 475,8 kg/người/năm (2005).
+ Các loại màu lương thực đã trở thành các cây hàng hoá.
+ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm số 1 về lương thực với sản lượng trên 19,4 triệu tấn (49,1%), tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng với 6,53 triệu tấn (16,5%).
b) Sản xuất cây công nghiệp
- Sản xuất cây công nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng, phát triển nhanh trong những năm qua.
- Sản xuất cây công nghiệp có những đặc điểm :
+ Diện tích cây công nghiệp đã tăng từ 627,7 nghìn ha (1980) lên trên 2400 nghìn ha (2005) trong đó cây công nghiệp lâu năm tăng rất nhanh và chiếm hơn 65%.
+ Sản phẩm cây công nghiệp ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nhiều sản phẩm cây công nghiệp xếp vị thứ cao trong nông sản xuất khẩu của thế giới như cà phê, tiêu, điều, cao su, dừa…
+ Đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có quy mô lớn. Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước, tiếp theo là Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ.
+ Các cây công nghiệp chủ yếu của nước ta : Về cây công nghiệp lâu năm có cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, dừa, chè…; cây công nghiệp hằng năm có mía, lạc, đậu tương, bông, đay, cói, thuốc lá…
c) Cây ăn quả và cây thực phẩm
- Các loại rau đậu được trồng nhiều ở ven các thành phố lớn. Diện tích trồng rau các loại trên 500 000 ha, đậu trên 300 000 ha.
- Cây ăn quả phát triển nhanh, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
2. Ngành chăn nuôi
- Chăn nuôi ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản lượng nông nghiệp (tăng từ 17,9% năm 1990 lên 23,4% năm 2005). Sản phẩm không qua giết mổ ngày càng chiếm tỉ trọng cao.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật cho chăn nuôi ngày càng được tăng cường, đặc biệt là nguồn thức ăn ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
- Đàn lợn đạt 27,4 triệu con, cung cấp 3/4 nguồn thịt (Đồng bằng sông Hồng 7,4 triệu, Trung du và miền núi Bắc Bộ 5,7 triệu, Duyên hải miền Trung 6,1 triệu, Đồng bằng sông Cửu Long 3,8 triệu). Đàn trâu 2,92 triệu, bò 5,54 triệu (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung). Đàn gia cầm 219,9 triệu (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long) (2005).
- Sản lượng thịt các loại đã đạt 2,82 triệu tấn, sữa tươi 197 679 tấn, trứng 3948,5 triệu quả.
- Những hạn chế chủ yếu của chăn nuôi nước ta là : Giống gia súc gia cầm có chất lượng chưa cao năng suất thấp, dịch bệnh dễ phát sinh lây lan, cơ sở hạ tầng thiếu…

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Đây là một trong những đặc điểm chủ yếu của sản xuất lương thực nước ta trong thời gian qua :
              A. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất và sản lượng lúa.
              B. Sản lượng lúa tăng nhanh nhờ mở rộng diện tích và đẩy mạnh thâm canh nhất là đẩy mạnh thâm canh.
              C. Sản lượng lương thực tăng nhanh nhờ hoa màu đã trở thành cây hàng hoá chiếm trên 20% sản lượng lương thực.
              D. Nước ta đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm xuất trên 4,5 triệu tấn.
Câu 2.   Nhân tố có ý nghĩa hàng đầu tạo nên những thành tựu to lớn của ngành chăn nuôi nước ta trong thời gian qua là :
              A. Thú y phát triển đã ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
              B. Nhiều giống gia súc gia cầm có chất lượng cao được nhập nội.
              C. Nguồn thức ăn cho chăn nuôi ngày càng được bảo đảm tốt hơn.
              D. Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng tăng.
Câu 3.   Chiếm tỉ trọng cao nhất trong nguồn thịt của nước ta là :
              A. Thịt trâu.                                     B. Thịt bò.          
              C. Thịt lợn.                                      D. Thịt gia cầm.
Câu 4.   Đông Nam Bộ có thể phát triển mạnh cả cây công nghiệp lâu năm lẫn cây công nghiệp ngắn ngày nhờ :
              A. Có khí hậu nhiệt đới ẩm mang tính chất cận Xích đạo.
              B. Có nhiều cơ sở công nghiệp chế biến nhất nước.
              C. Nguồn lao động dồi dào, có truyền thống kinh nghiệm.
              D. Có nhiều diện tích đất đỏ ba dan và đất xám phù sa cổ.
Câu 5.   Loại cây công nghiệp dài ngày mới trồng nhưng đang phát triển mạnh ở Tây Bắc là :
              A. Cao su.            B. Chè.                 C. Cà phê chè.     D. Bông.
Câu 6.   Đây là vùng có năng suất lúa cao nhất nước ta :
              A. Đồng bằng sông Hồng.               B. Đồng bằng sông Cửu Long.
              C. Bắc Trung Bộ.                                                         D. Đông Nam Bộ.
Câu 7.   Ở nước ta trong thời gian qua, diện tích cây công nghiệp lâu năm tăng nhanh hơn cây công nghiệp hằng năm cho nên :
              A. Cơ cấu diện tích cây công nghiệp mất cân đối trầm trọng. 
              B. Sản phẩm cây công nghiệp hằng năm không đáp ứng được yêu cầu.
              C. Cây công nghiệp hằng năm có vai trò không đáng kể trong nông nghiệp.
              D. Sự phân bố trong sản xuất cây công nghiệp có nhiều thay đổi.
Câu 8.   Trong thời gian qua, đàn trâu ở nước ta không tăng mà có xu hướng giảm vì :
              A. Điều kiện khí hậu không thích hợp cho trâu phát triển.
              B. Nhu cầu sức kéo giảm và dân ta ít có tập quán ăn thịt trâu.
              C. Nuôi trâu hiệu quả kinh tế không cao bằng nuôi bò.
              D. Đàn trâu bị chết nhiều do dịch lở mồm long móng.
Câu 9.   Ở Tây Nguyên, tỉnh có diện tích chè lớn nhất là :
              A. Lâm Đồng.     B. Đắc Lắc.          C. Đắc Nông.      D. Gia Lai.
Câu 10. Dựa vào bảng số liệu sau đây về diện tích cây công nghiệp của nước ta thời kì 1975 - 2002.
                                                                       (Đơn vị : nghìn ha)
Năm Cây công nghiệp
hằng năm
Cây công nghiệp
lâu năm
1975 210,1 172,8
1980 371,7 256,0
1985 600,7 470,3
1990 542,0 657,3
1995 716,7 902, 3
2000 778,1 1451,3
2002 845,8 1491,5
              Nhận định đúng nhất là :
              A. Cây công nghiệp hằng năm và cây công nghiệp lâu năm tăng liên tục qua các năm.
              B. Cây công nghiệp lâu năm tăng nhanh hơn và luôn chiếm tỉ trọng cao hơn.
              C. Giai đoạn 1975 - 1985, cây công nghiệp hằng năm có diện tích lớn hơn nhưng tăng chậm hơn.
              D. Cây công nghiệp lâu năm không những tăng nhanh hơn mà còn tăng liên tục.
Câu 11. Trong nội bộ ngành, sản xuất nông nghiệp nước ta đang chuyển dịch theo hướng :
              A. Giảm tỉ trọng ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi.
              B. Tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi gia súc lớn, giảm tỉ trọng các sản phẩm không qua giết thịt.
              C. Giảm tỉ trọng ngành chăn nuôi gia súc lớn, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi gia cầm.
              D. Tăng tỉ trọng trồng cây ăn quả, giảm tỉ trọng ngành trồng cây lương thực.
Câu 12. Trong ngành trồng trọt, xu thế chuyển dịch hiện nay ở nước ta là :
              A. Giảm tỉ trọng ngành trồng cây lương thực, tăng tỉ trọng ngành trồng cây công nghiệp.
              B. Tăng tỉ trọng ngành trồng cây công nghiệp hằng năm, giảm tỉ trọng ngành trồng cây ăn quả.
              C. Giảm tỉ trọng ngành trồng cây công nghiệp lâu năm, tăng tỉ trọng ngành trồng cây thực phẩm.
              D. Tăng tỉ trọng ngành trồng cây thực phẩm, giảm tỉ trọng ngành trồng lúa.
Câu 13. Nhân tố quyết định đến quy mô, cơ cấu và phân bố sản xuất nông nghiệp nước ta là :
              A. Khí hậu và nguồn nước.             B. Lực lượng lao động.
              C. Cơ sở vật chất - kĩ thuật.            D. Hệ thống đất trồng.
Câu 14. Sử dụng hợp lí đất đai hiện nay cần có biện pháp chuyển dịch :
              A. Từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng.
              B. Từ đất hoang hóa sang đất lâm nghiệp.
              C. Từ đất lâm nghiệp sang nông nghiệp.
              D. Từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.
Câu 15. Đối tượng lao động trong nông nghiệp nước ta là :
              A. Đất đai, khí hậu và nguồn nước.       B. Hệ thống cây trồng và vật nuôi.
              C. Lực lượng lao động.
              D. Hệ thống cơ sở vật chất – kĩ thuật và cơ sở hạ tầng.
Câu 16. Đất nông nghiệp của nước ta bao gồm :
              A. Đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm, đất đồng cỏ và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
              B. Đất trồng cây hằng năm, đất vườn tạp, cây lâu năm, đồng cỏ và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
              C. Đất trồng lúa, cây công nghiệp, đất lâm nghiệp, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
              D. Đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Câu 17. Để đảm bảo an ninh về lương thực đối với một nước đông dân như Việt Nam, cần phải :
              A. Tiến hành cơ giới hóa, thủy lợi hóa và hóa học hóa.
              B. Khai hoang mở rộng diện tích, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.
              C. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ.
              D. Cải tạo đất mới bồi ở các vùng cửa sông ven biển.
Câu 18. Đối tượng lao động trong sản xuất nông nghiệp nước ta là :
              A. Đất đai, khí hậu và nguồn nước. B. Cây trồng, vật nuôi.
              C. Cơ sở vật chất kĩ thuật.               D. Tất cả 3 câu trên.
Câu 19. Nguyên nhân chính làm cho ngành chăn nuôi trâu ở nước ta giảm nhanh về số lượng là :
              A. Hiệu quả kinh tế thấp.                B. Đồng cỏ hẹp.
              C. Nhu cầu về sức kéo giảm.           D. Không thích hợp với khí hậu.
Câu 20. Vùng có nguồn thức ăn rất dồi dào, nhưng số đầu lợn lại rất thấp là :
              A. Đồng bằng sông Hồng.               B. Đồng bằng sông Cửu Long.
              C. Duyên hải miền Trung.               D. Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên.

C. ĐÁP ÁN
1. B 2. C 3. C 4. D 5. C 6. A
7. D 8. B 9. A 10. D 11. A 12. A
13. D 14. B 15. B 16. B 17. C 18. B
19. C 20. B        


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global video
Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay5,248
  • Tháng hiện tại114,031
  • Tổng lượt truy cập8,430,809
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây