CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Chủ nhật - 27/06/2021 05:29
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Việt Nam trong xếp hạng HDI trên thế giới
- HDI là chỉ số phát triển con người được UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc) nhằm so sánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
- HDI được tổng hợp từ ba yếu tố chính là :
+ GDP (hoặc GNP) bình quân đầu người.
+ Chỉ số giáo dục (tỉ lệ người biết chữ, số năm đi học trung bình, tỉ lệ nhập học các cấp).
+ Tuổi thọ trung bình.
- Việt Nam đứng thứ 112 trong số 177 nước được khảo sát (2004) của thế giới (GDP bình quân đầu người ta xếp thấp nhưng nhờ chỉ số giáo dục ta xếp cao nên có thứ bậc đó).
2. Sự phân hoá chất lượng cuộc sống của nước ta
a) Sự phân hoá về GDP bình quân
- Thu nhập bình quân đầu người một tháng (theo giá thực tế) của cả nước năm 2004 là 484,4 nghìn đồng. Trong đó, độ chênh giữa nhóm cao nhất và thấp nhất là trên 9 lần.
- Sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn là gần 2,2 lần (815,4 nghìn đồng và 378,1 nghìn đồng).
- Giữa các vùng cũng có sự chênh lệch lớn (cao nhất là Đông Nam Bộ 833,0 nghìn đồng thấp nhất là Tây Bắc 265,7 nghìn đồng).
b) Những tiến bộ về giáo dục, văn hoá, y tế
- Những tiến bộ về giáo dục, văn hoá, y tế đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nước ta.
- Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp giáo dục :
+ Tỉ lệ biết chữ của người lớn là 90,3%, mỗi năm có 21 triệu học sinh đến trường từ mẫu giáo cho đến phổ thông các cấp.
+ Mạng lưới các trường phát triển rộng khắp trên cả nước, vươn tới các bản làng xa xôi hẻo lánh. Cả nước có 27 227 trường phổ thông các cấp, 10 927 trường mẫu giáo, 255 trường cao đẳng và đại học (2005).
+ Chúng ta đã xoá xong nạn mù chữ, phổ cập Tiểu học, đang tiến hành phổ cập Trung học cơ sở. Nhiều nơi đang tiến hành phổ cập Trung học phổ thông.
+ Việc học tập của người dân được cải thiện đáng kể : Tỉ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đi nhà trẻ đạt 9,8%, từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 48,4%, 96,8% trẻ ở độ tuổi Tiểu học, 78,1% ở độ tuổi Trung học cơ sở và 37,9% ở độ tuổi Trung học phổ thông đến trường.
- Việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho người dân được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng :
+ Cả nước có 13 243 cơ sở khám chữa bệnh với 197 200 giường bệnh, bình quân có 23,7 giường bệnh/1 vạn dân.
+  Cả nước có 51 500 bác sĩ, bình quân có 6,2 bác sĩ/1 vạn dân.
+ Tỉ lệ tử vong trẻ em chỉ còn dưới 33‰, tuổi thọ trung bình của người dân trên 71 tuổi.
+ Nhiều chương trình trọng điểm quốc gia về y tế đã được thực hiện, nhiều bệnh hiểm nghèo đang bị xoá sổ.
- Đời sống văn hoá của người dân được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh. Hệ thống thư viện phát triển rộng khắp. Việc trao đổi văn hoá phát triển mạnh.
c) Vấn đề xoá đói giảm nghèo
Công tác xoá đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỉ lệ hộ nghèo đói giảm liên tục (từ 13,3% năm 1999 xuống còn dưới 8% năm 2005), ngưỡng nghèo không ngừng tăng lên.
3. Phương hướng nâng cao chất lượng cuộc sống
- Việc nâng cao chất lượng cuộc sống có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội : Giảm gia tăng dân số, tạo nhiều việc làm, xoá đói giảm nghèo…
- Để nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cần :
+ Xoá đói giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội.
+ Tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động.
+ Nâng cao dân trí và năng lực phát triển.
+ Bảo vệ môi trường.

B. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1.   Ba yếu tố chính để xác định chỉ số HDI là :
              A. GDP bình quân, tỉ lệ người biết chữ, tuổi thọ trung bình.
              B. GNP bình quân, tỉ lệ người biết chữ, tuổi thọ trung bình.
              C. GDP bình quân, chỉ số giáo dục, tuổi thọ trung bình.
              D. GDP bình quân, chỉ số giáo dục, tỉ lệ đói nghèo.
Câu 2.   Yếu tố quan trọng góp phần nâng vị thứ về chỉ số HDI của nước ta là :
              A. Tuổi thọ trung bình cao.             B. Thành tựu về y tế và giáo dục.
              C. GDP bình quân đầu người cao.   D. Tỉ lệ đói nghèo thấp.
Câu 3.   Khu vực có thu nhập bình quân/người/tháng cao nhất ở nước ta hiện nay là :
              A. Đồng bằng sông Hồng.               B. Đồng bằng sông Cửu Long.
              C. Đông Nam Bộ.                            D. Duyên hải miền Trung.
Câu 4.   Đây không phải là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia về y tế :
              A. Phòng chống bệnh sốt rét.                  B. Chống suy dinh dưỡng trẻ em.
              C. Sức khoẻ sinh sản vị thành niên.         D. Dân số và kế hoạch hoá gia đình.
Câu 5.   Đây là một trong những phương hướng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân :
              A. Thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.
              B. Đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
              C. Nâng cao dân trí và năng lực phát triển.
              D. Tăng cường giao lưu và hợp tác quốc tế.
Câu 6.   Ba yếu tố tạo nên chỉ số giáo dục là :
              A. Tỉ lệ người lớn biết chữ, số năm đi học trung bình của người dân, tỉ lệ nhập học.
              B. Quy mô về trường lớp, tỉ lệ người lớn biết chữ, tỉ lệ người đi học/1 vạn dân.
              C. Những tiến bộ về giáo dục, quy mô về trường lớp, số lượng học sinh sinh viên.
              D. Tỉ lệ người lớn biết chữ, số năm đi học trung bình của người dân, quy mô về trường lớp.
Câu 7.   Chỉ tiêu về chất lượng cuộc sống được đưa ra nhằm mục đích :
              A. Theo dõi tình hình phát triển của các quốc gia.
              B. So sánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
              C. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của thế giới.
              D. Giải quyết tình trạng phát triển không đều giữa các quốc gia.
Câu 8.   Độ chênh về mức thu nhập bình quân hằng tháng của nhóm cao nhất và nhóm thấp nhất của nước ta hiện nay là :
              A. Không đáng kể.      B. Trên 9 lần.      C. Trên 10 lần.      D. Trên 100 lần.
Câu 9.   Dựa vào bảng số liệu sau đây về thu nhập bình quân đầu người hàng tháng năm 2001 - 2002 của các vùng ở nước ta.
 (Đơn vị : nghìn đồng)
Các vùng Trung bình
chung
20% thu nhập thấp nhất 20% thu nhập cao nhất
Đồng bằng sông Hồng 353,3 123,0 827,5
Trung du và miền núi Bắc Bộ 265,7 82,1 482,9
Bắc Trung Bộ 232,6 89,2 518,7
Duyên hải Nam Trung Bộ 306,0 113,0 658,3
Tây Nguyên 239,7 80,4 543,0
Đông Nam Bộ 623,0 171,3 1495,3
Đồng bằng sông Cửu Long 373,2 122,9 877,6
              Nhận định đúng nhất là :
              A. Các vùng kinh tế phát triển có độ chênh thấp hơn các vùng còn khó khăn.
              B. Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập cao nhất và có độ chênh lớn nhất.
              C. Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi có độ chênh thấp nhất.
              D. Duyên hải miền Trung là nơi có thu nhập bình quân và có độ chênh thấp nhất.
Câu 10. Mức thu nhập bình quân đầu người có sự chênh lệch lớn nhất ở nước ta là :
              A. Thành thị và nông thôn.                          B.  Nhóm thấp nhất và nhóm cao nhất.
              C.  Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ.           D.  Miền núi và đồng bằng.
Câu 11.   Xây dựng một nền văn hóa dân tộc lành mạnh, chúng ta cần phải :
              A. Chống mọi hình thức du nhập văn hóa nước ngoài.
              B. Bảo vệ, giữ gìn và phát triển thuần phong mĩ tục của dân tộc.
              C. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nước ngoài.
              D. Tất cả các câu trên.
Câu 12. Hệ thống giáo dục của nước ta tương đối đa dạng thể hiện ở :
              A. Có đủ các hình thức đào tạo.                  B. Có đủ các loại hình trường lớp.
              C. Có nhiều hình thức tổ chức quản lí.        D. Tất cả các câu trên.
Câu 13. Hệ thống giáo dục đào tạo ở nước ta tương đối hoàn chỉnh được thể hiện :
              A. Có đủ các cấp học, ngành học từ mẫu giáo, phổ thông và đại học.
              B. Có các hình thức đào tạo khác nhau (dài hạn, tại chức, từ xa, …).
              C. Có các hình thức quản lí của trường (công lập, dân lập, bán công).
              D. Có các loại trường khác nhau (chất lượng cao, dành cho trẻ khuyết tật,…).
Câu 14. Năm 2003, vùng có tỉ lệ người biết chữ trong tuổi lao động cao nhất là :
              A. Đồng bằng sông Hồng.               B. Đông Nam Bộ.
              C. Bắc Trung Bộ.                                                         D. Duyên hải Nam Trung Bộ.
Câu 15. Để chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cần phải :
              A. Khám và điều trị kịp thời khi nhiễm bệnh.
              B. Mở rộng phong trào tiêm chủng ; giữ gìn vệ sinh môi trường và rèn luyện thể lực.
              C. Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt trẻ sơ sinh.
              D. Tăng cường đội ngũ cán bộ y tế lên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Câu 16. Tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh giảm nhanh, một số căn bệnh truyền nhiễm được đẩy lùi là do:
              A. Chúng ta có đủ các bệnh viện từ Trung ương đến tận xã, phường.
              B. Các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân rất được chú trọng.
              C. Đội ngũ cán bộ y tế đông đảo.
              D. Hoạt động thể dục thể thao và vệ sinh môi trường được chú trọng.
Câu 17. Chất lượng cuộc sống của dân cư được đánh giá qua mức độ :
              A. Khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên.
              B. Chất lượng môi trường.
              C. Thỏa mãn các nhu cầu ăn mặc, học hành, chữa bệnh …
              D. Tốc độ phát triển kinh tế.
Câu 18. Để đánh giá về chất lượng cuộc sống của nhân dân, người ta căn cứ vào các chỉ tiêu :
              A. Mức sống, học vấn và tuổi thọ bình quân.
              B. Không gian cư trú, điện, nước sạch.
              C. Điều kiện đi lại, ăn, ở, học hành.
              D. Thu nhập bình quân theo đầu người và tỉ lệ tử vong ở trẻ em.

C. ĐÁP ÁN
1. C 2. B 3. C 4. D 5. C 6. A
7. B 8. B 9. B 10. B 11. D 12. D
13. A 14. A 15. B 16. B 17. C 18. A


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập57
  • Hôm nay5,365
  • Tháng hiện tại81,316
  • Tổng lượt truy cập7,807,194
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây