BÀI 13 KỊCH: HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

Thứ sáu - 25/06/2021 21:20
1. Hoàn cảnh sáng tác
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây được nhiều tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ. Vở kịch được viết năm 1981, nhưng đến năm 1984 mới lần đầu ra mắt công chúng.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
2. Tóm tắt
+ Cảm thấy không thể sống như thế này mãi, hồn Trương Ba muốn thoát ra khỏi thân xác anh hàng thịt thô lỗ, phàm tục.
+ Cuộc đối thoại giữa hồn và xác. Hồn Trương Ba đành bần thần nhập lại thân xác anh hàng thịt.
+ Những người thân trong gia đình (vợ, cháu gái, con dâu) đều thấy Trương Ba đã khác xưa, đã lệch lạc nhiều lắm. Đau đớn cực độ, Trương Ba lập cập đến bên cột nhà, đốt hương để gặp Đế Thích.
+ Đế Thích thuyết phục Trương Ba chấp nhận cuộc sống hiện tại hoặc nhập vào thân xác cu Tị để bảo toàn sự sống. Trương Ba suy nghĩ, cân nhắc và đưa ra quyết định dứt khoát : chấm dứt sự hiện diện của một tồn tại trớ trêu có tên gọi là "hồn Trương Ba, da hàng thịt".
+ Hồn Trương Ba vẫn còn mãi giữa màu xanh cây vườn, trong những điều tốt lành của cuộc đời và trong kí ức yêu thương của những người thân.
3. Nhân vật Trương Ba
3.1. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác
Hồn Trương Ba: Cho rằng : “Ta vẫn có một đời sống riêng : nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Xác "không có tiếng nói", "không có tư tưởng, không có cảm xúc", "chỉ là xác thịt âm u đui mù", "chỉ là cái vỏ bên ngoài".
 Xác hàng thịt: khẳng định "ông không tách khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác". “Lí lẽ” mà xác đưa ra là : “Hai ta đã hoà với nhau làm một rồi”...
“Hồn Trương Ba: Hồn phủ nhận những “dẫn chứng” xác nêu ra không phải là hành động xuất phát từ ý thức của mình : “Đấy là mày chứ, chân tay mày, hơi thở của mày...”.
Xác hàng thịt: Xác “chứng minh” ảnh hưởng “sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết”  Hồn Trương Ba: Hồn cho rằng đó là những lí lẽ “ti tiện” không thể chấp nhận được.
Xác hàng thịt: Xác “tìm kiếm giải pháp” cho sự tồn tại “hoà bình” mang tên "hồn Trương Ba, da hàng thịt" bằng “trò chơi tâm hồn”. “Luật chơi” là hồn cứ việc nghĩ mình cao khiết thánh thiện, làm điều gì xấu thì cứ đổ tội cho xác để được thanh thản. Bù lại hồn sẽ làm đủ mọi việc để thoả mãn những khát thèm của xác.
Nhận xét chung:
- Hồn Trương Ba trở thành người “đuối lí” trong cuộc đối thoại này:
+ Từ chỗ cao giọng phủ nhận : “Vô lí, mày không thể biết nói !”, "Mày không có tiếng nói" đến chỗ chấp nhận xác có tiếng nói, nhưng đó là “tiếng gọi nơi hoang dã” của bản năng thấp kém, tầm thường.
+ Từ chỗ phủ định quyết liệt, lớn giọng khi xác đưa ra những bằng chứng “hai năm rõ mười” về sức mạnh sai khiến của nó, đến chỗ “không dám trả lời”, lúng túng trong câu nói đứt quãng “Ta… ta… đã bảo mày im đi”, “Nhưng… nhưng…”.
+ Từ chỗ hăng hái đấu lí, đáp lại tất cả những lí lẽ xác đưa ra, đến chỗ “bịt tai lại” “Ta không muốn nghe mày nữa”.
+ Từ cách xưng hô “mày” – “ta” vào đầu cuộc đối thoại, xác đã tinh ý nhận ra khi cuộc đối thoại ở vào hồi kết : “Ấy đấy, ông bắt đầu gọi tôi là anh rồi đấy !”.
+  Từ mạnh mẽ, đầy khí thế đấu tranh, đến tiếng kêu “trời” tuyệt vọng và dáng dấp bần thần tội nghiệp nhập lại thân xác anh hàng thịt cho người đọc cảm giác dường như hồn đã bị dồn vào con đường cụt không lối thoát, đành phải chấp nhận sự an bài, “hoà thuận” “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
-  Trong cuộc đối thoại, xác hàng thịt mỗi lúc một lấn lướt, dồn đuổi hồn Trương Ba:
+ Xác chủ động “tuyên chiến” khi hồn khao khát được tồn tại độc lập riêng mình.
+ Xác thách thức, giễu cợt mỉa mai hồn : “có đấy”, “có tiếng nói đấy”, “có thật thế không”.
+Xác cao giọng khoái chí đòi hồn phải “thành thật trả lời”.
+ Xác biết rõ người ta nghĩ gì về mình, đồng thời cũng tỏ ra hiểu thấu từ điệu bộ lúng túng bên ngoài đến những biện luận bên trong tìm kiếm sự thanh thản và vô tội của hồn.
+ Xác “lợi khẩu” khi đưa ra lí lẽ. Xác “mềm dẻo” trong thuyết phục, tranh luận. Khi thì sử dụng lí lẽ, lúc đưa ra bằng chứng. Khi thì cao giọng thách thức, lúc buồn rầu thanh minh. Khi thì đắc ý, tinh quái, lúc lại vuốt ve xoa dịu, an ủi mà mỉa mai. Vừa dụ dỗ, mua chuộc vừa trắng trợn phỉ báng. Xác đã chứng tỏ được ưu thế của nó, uy quyền của nó, sự chi phối khủng khiếp của nó bằng kết cục màn đối thoại là “cái hồn ương bướng” lại tìm về với chỗ trú thân là xác anh hàng thịt.
® Cuộc đối thoại cũng cho thấy sự ngộ nhận của hồn về chính mình. Sau bấy nhiêu chuyện đã xảy ra với gia đình và bản thân, hồn vẫn cho rằng mình nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn, mọi tội lỗi đều là do xác gây nên. Cho nên không phải ngẫu nhiên xác khẳng định “tác giả” của “trò chơi tâm hồn” không ai khác ngoài “những điều ông vẫn tự nói với mình và với người khác đấy chứ”, xác chỉ làm nhiệm vụ “tổng kết” và phát biểu “luật chơi” cho rõ ràng, cụ thể mà thôi. Mâu thuẫn kịch tạm thời chùng xuống để chờ đợi một cao trào bùng nổ mới, chỉ xảy ra khi nào điều ngộ nhận trên được “vỡ lẽ” hoàn toàn.
Hàm ý của cuộc đối thoại : Linh hồn và thể xác là hai phương diện tồn tại trong mỗi con người.  Cuộc đấu tranh giữa linh hồn và xác thịt chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng, giữa phần “người” và phần “con” trong mỗi con người.
3.2. Hồn Trương Ba và những người thân
 - Trong thân thể anh hàng thịt, Trương Ba đã không còn là mình. Tất cả những người thân đều đã nhận thấy và đau đớn, lo lắng, bàng hoàng.
- Người vợ yêu thương rưng rưng trong dòng nước mắt tủi thân tủi phận, chua chát, dằn dỗi.
- Đứa cháu gái vỡ oà tiếng khóc tức tưởi không hiểu sao ông nội thân yêu gần gũi lại trở thành một người “xấu lắm, ác lắm”.
- Chị con dâu bàng hoàng dòng nước mắt sẻ chia và bế tắc, muốn thương, muốn níu giữ hình ảnh của thầy mà không biết phải làm thế nào.
- Trương Ba “thẫn thờ”, ông ôm đầu bế tắc,  để rồi nhận thấy “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta”. Một sự vỡ lẽ vừa bàng hoàng vừa chua chát đã dẫn đến quyết định dứt khoát: thắp hương, châm lửa để gọi Đế Thích.
3.3. Trương Ba - Đế Thích
* Trương Ba
+ Sự khập khiễng của “hồn Trương Ba, da hàng thịt” và giá mà nó phải trả khi cố gắng duy trì để tồn tại trong một cái vỏ giả tạo như vậy đã giúp Trương Ba thấm thía hơn bao giờ hết cái khát vọng : “Tôi muốn được là tôi trọn vẹn”. “Là tôi trọn vẹn”, cái điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại chẳng dễ chút nào. Thói quen “sống nhờ, sống gửi” đã khiến con người ta có lúc quên đi cái tôi của bản thân mình. Thói quen “áp đặt” của Đế Thích cho người đời đôi khi cũng làm cho mong muốn giản dị “là tôi trọn vẹn” nghịch lí thay, lại trở thành khát vọng.
+ “Là tôi trọn vẹn”- dám là mình, dám chịu trách nhiệm về mình. Sống thực cho ra con người thật chẳng dễ chút nào. Sống gửi, sống nhờ, sống chắp vá, không được là mình trọn vẹn, đó là sống với bất cứ giá nào - kiểu sống vô nghĩa. Cuộc sống là đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng vô cùng. Ham sống, muốn được sống là ước muốn tự nhiên của mỗi con người. Nhưng... Nếu cái giá phải trả đắt quá. Thì nhất định không thể sống như vậy được !
+ Hồn Trương Ba trước khi bước vào thế giới vình hằng còn qua một phép thử nữa, phép thử có tên “cu Tị”. Trương Ba hình dung trước cảnh một ông già 60 ngụ trong thân xác của một cậu bé 10 tuổi thì cũng đầy bi kịch. Trương Ba không chấp nhận.
+ Lựa chọn của Trương Ba là tất yếu. Đó là sự lựa chọn dũng cảm. Chấp nhận cái chết, chấp nhận sự hư vô để được "là tôi trọn vẹn". Đó là lẽ tất yếu bởi Trương Ba đã thấm thía cái bi kịch đau đớn của cảnh không được là mình. Tất yếu bởi Trương Ba đã “ngộ” ra nhận thức về lẽ sống. Tất yếu bởi đó là kết quả của sự đấu tranh ở một tâm hồn thanh cao, trong sáng, vượt lên nghịch cảnh.
* Đế Thích
- Quan niệm về sự sống rất đơn giản, sống chỉ là sự tồn tại
- Ích kỉ, muốn Trương Ba sống chỉ là để thoả mãn thú hơi cờ của mình.
4. Đặc sắc nghệ thuật
-- Sáng tạo cốt truyện dân gian.
- Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại.
- Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách góp phần phát triển tình huống truyện.
- Những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật hồn Trương Ba góp phần thể hiện rõ tính cách nhân vật và quan niệm về lẽ sống đúng đắn.
5. Chủ đề
Qua đoạn trích và cả vở kịch, tác giả muốn khẳng định: được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn, hài hoà giữa thể xác và tâm hồn còn quý giá hơn. Con người phải luôn đấu tranh với nghịch cảnh, chống lại sự tầm thường, dung tục để hoàn thiện nhân cách.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm76
  • Hôm nay6,775
  • Tháng hiện tại110,364
  • Tổng lượt truy cập6,966,668
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây