CA NGỢI LÃNH TỤ

Thứ tư - 28/10/2020 18:28
1/ Kiến thức – kĩ năng.
a) Kiến thức:
- Nắm vững hiểu biết về tác giả Viễn Phương và tác phẩm “Viếng lăng Bác”
- Nắm vững hiểu biết về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.
- Liên hệ, mở rộng tới một số tác phẩm ngợi ca Hồ Chí Minh trong văn học hiện đại như: thơ Tố Hữu, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật …
- Nắm vững những hiểu biết về vẻ đẹp tâm hồn và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
tải xuống (3)
tải xuống (3)
b) Kĩ năng:
- Yêu cầu HS nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.
- Vận dụng các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm trong văn nghị luận.
2/ Các trường hợp vận dụng, ứng dụng kiến thức – kĩ năng trên và các phương pháp giải ứng với từng trường hợp.
2.1/ Viếng lăng Bác (Viễn Phương)
a) Những hiểu biết cần lưu ý về tác giả, tác phẩm: ( SGK trang 59, Ngữ văn 9, tập 2)
* Bổ sung: Thơ Viễn Phương thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm và chất mơ mộng ngay trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt ở chiến trường ( ví dụ các bài Mắt sáng học trò, Đám cưới giữa mùa xuân) khá quen thuộc với bạn đọc hồi kháng chiến chống Mĩ.
- Chủ đề: Bài thơ thể hiện lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
- Giá trị nghệ thuật: Bài thơ có giọn điệu trang trọng và tha thiết, nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc.
b) Gợi ý phân tích:
* Cảm xúc khi ở ngoài lăng Bác ( 2 khổ đầu)
- Câu thơ mở đầu: “ Con ở …” như một lời nói nghẹn ngào của đứa con đi xa trở về thăm viếng hương hồn Bác Hồ kính yêu. Tình cảm ấy là tình cảm chung của đồng bào  chiến sĩ miền Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
- Nhà thơ đứng lặng đi, trầm ngâm từ phía xa nhìn lăng Bác. Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác gợi cho Viễn Phương nhiều cảm xúc và liên tưởng thấm thía. Màu tre xanh thân thuộc của làng quê Việt Nam luôn luôn gắn bó với tâm hồn Bác. Bác đã “đi xa” nhưng tâm hồn Bác vẫn gắn bó thiết tha với quê hương xứ sở: “ Ôi hàng tre …Bão táp …” Cây tre, “ hàng tre xanh xanh….đứng thẳng hàng” ẩn hiện thấp thoáng trước lăng Bác. Cây tre đã được nhân hóa như biểu tượng ca ngợi dáng đứng của con người Việt Nam: kiên cường, bất khuất, mộc mạc, thanh cao. Hình ảnh cây tre trong lời thơ của Viễn Phương biểu thị niềm tự hào dân tộc làm cho mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc về phẩm chất cao quý của Bác Hồ cũng như của con người Việt Nam trong bốn ngàn năm lịch sử.
- Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, có nhiều bài thơ nói đến hình ảnh mặt trời (Liên hệ, mở rộng………)
Viễn Phương có một lối nói rất hay và sáng tạo đem đến cho ta nhiều liên tưởng thú vị: “ Ngày ngày mặt trời ……..” Hai câu thơ sóng đôi, hô ứng nhau. Một mặt trời thiên nhiên rực rỡ, vĩnh hằng” ngày ngày đi qua trên lăng” và “ một mặt trời trong lăng rất đỏ” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho đạo đức, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng sáng ngời của Bác.
- Hòa nhập vào dòng người đến thăm lăng Bác, nhà thơ xúc động bồi hồi: “ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ - Kết tràng hoa …” Viễn Phương đã ví dòng người vô tận đến viếng lăng Bác như “ Kết tràng hoa …” Mỗi người Việt Nam đến viếng Bác với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Ai cũng muốn đem đến dâng lên người những thành tích tốt đẹp, những bông hoa thắm tươi nảy nở trong sản xuất, chiến đấu và học tập. Hương hoa của hồn người, hương hoa của dân tộc kính dâng lên người. Cách nói của Viễn Phương rất hay và xúc động: Lòng tiếc thương, kính yêu Bác gắn liền với niềm tự hào của nhân dân ta – nhớ Bác và làm theo di chúc của Bác.
* Cảm xúc khi ở trong lăng Bác ( khổ 3)
- Vào trong lăng Bác, cảm giác của nhà thơ là: “ Bác nằm trong …” Khi đứng trước linh cửu của Người mà nhìn ngắm Bác, nhà thơ xúc động bùi ngùi, tưởng như Bác vẫn còn đó. Bác đang ngủ một “ giấc ngủ bình yên” sau một ngày làm việc, giấc ngủ của Bác có ánh trăng vỗ về. Sinh thời Bác rất yêu trăng, gần gũi trăng, xem trăng như bạn tri âm, tri kỉ. Và trong giấc ngủ vĩnh hằng Người vẫn có ánh trăng làm bạn.
- Dẫu biết rằng Bác vẫn còn sống mãi cùng non sông đất nước, cùng muôn vạn cháu con, nhưng khi đứng đối diện với sự thật – Bác đã mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng, tấm lòng nhà thơ thổn thức, quặn đau: “  Vẫn biết trời xanh là mãi mãi- Mà sao …….” Một nỗi đau nhức nhối tận tâm can! Nỗi đau của nhà thơ cũng là nỗi đau chung của cả dân tộc: “ Bác Hồ ơi những xế chiều,
         Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!” ( Bác ơi – Tố Hữu)
* Cảm xúc khi rời xa lăng Bác (khổ cuối)
Khổ thơ cuối nói lên cảm xúc của nhà thơ khi ra về. Biết bao lưu luyến, buồn thương. Nhà thơ muốn hóa thân làm “ con chim”, làm “ đóa hoa tỏa hương”, làm “ cây tre trung hiếu” để được đền ơn đáp nghĩa Người. Ý thơ sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, cách biểu hiện cảm xúc “ rất Nam Bộ” : “ Mai về miền Nam ..........Muốn làm cây tre ..........” Điệp ngữ “ muốn làm” được láy lại ba lần nói lên ước mong tha thiết được hóa thân để gần gũi bên Bác. Ước muốn khiêm tốn nhưng thể hiện trách nhiệm của người công dân: “ trung với nước, hiếu với dân” đã trở thành lẽ sống, là tâm huyết của nhà thơ.
c) Kiến thức mở rộng, nâng cao:
- Bác là mặt trời hay mặt trời là Bác? Có lẽ là cả hai. Người cũng như mặt trời vĩnh hằng và ấm áp. Người đem đến cho nhân loại tình yêu thương, lòng nhân ái và nền độc lập. Hình ảnh mặt trời làm sáng cả câu thơ. Bác là nguồn ánh sáng làm hồi sinh sự sống. Nhờ có Bác mà dân tộc Việt Nam đã “ rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, đất nước không còn cảnh: “ Con đói lả ôm lưng mẹ khóc
                            Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi.” ( Tố Hữu)
Người người biết ơn Bác, đời đời ngợi ca Bác bằng những lời ca, ý thơ đẹp đẽ:
                                         “ Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
                                           Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng
                                            Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người.” ( Tố Hữu)
Hay: “ Mặt trời lặn, mặt trời mang theo nắng
   Bác ra đi để ánh sáng cho đời.” ( Phạm Tiến Duật)
Cảm động sao những tấm lòng thành kính. Những tấm lòng như tấm lòng của Viễn Phương: “ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một ……..”
- Khi phân tích hình ảnh ẩn dụ thứ hai trong khổ 2 ( Ngày ngày dòng người đi….Kết tràng hoa ….” Liên hệ tới câu thơ của nhà thơ Thu Bồn trong bài thơ “ Gửi lòng con đến cùng cha”: “ …Gửi lòng con đến cùng cha.
              Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng”
- Khi phân tích hình ảnh “ Ôi hàng tre xanh xanh  Việt Nam” liên hệ tới thơ của Nguyễn Duy: “ Ở đâu tre cũng xanh tươi
                   Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu
              … Rễ siêng không ngại đất nghèo
                     Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù…”  ( Tre Việt Nam)
d) Phần bài tập vận dụng:
Bài tập 1: Cho khổ thơ:
“…Mai về miền Nam thương trào nước mắt
      Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
   Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
          Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”.
a. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ trên? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy.
b. Hình ảnh hàng tre bên lăng Bác đã được nhà thơ miêu tả trong khổ thơ đầu của văn bản. Việc tác giả nhắc lại chi tiết cây tre trong câu thơ cuối bài có ý nghĩa gì?
* Gợi ý:
a.  Biện pháp nghệ thuật được sử dụng: Điệp ngữ “Muốn làm” và liệt kê những cảnh vật bên lăng mà tác giả muốn hoá thân, muốn hoà nhập như “con chim”, “đoá hoa”, “cây tre trung hiếu” để diễn tả tâm trạng lưu luyến muốn được ở mãi bên lăng Bác. Đặc biệt, tác giả muốn làm “cây tre trung hiếu”, nghĩa là muốn sống đẹp, trung thành với lí tưởng của Bác, của dân tộc.
b.  Hình ảnh hàng tre bên lăng Bác ở đầu bài thơ được lặp lại ở câu cuối bài có kết cấu đầu cuối tương ứng, làm đậm nét hình ảnh hàng tre, gây ấn tượng sâu sắc và dòng cảm xúc được trọn vẹn.
Bài tập 2:  Cho hai câu thơ sau:
“…Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
           Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ…”
                                                      (Viếng lăng Bác – Viễn Phương)
Từ “mặt trời” trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo phương thức nào? Có thể coi đây là hiện tượng một nghĩa gốc của từ phát triển thành nhiều nghĩa được không? Vì sao?
* Gợi ý:
- Kĩ năng:
 +   Trình bày được các ý theo yêu cầu của đề. Nhận biết được phương thức ẩn dụ tu từ .
 +   Diễn đạt, lập luận rõ ràng, đúng, chính xác.
 +  Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
-  Nội dung:
Học sinh diễn đạt, lập luận theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
Từ “mặt trời” trong câu thơ thứ hai được sử dụng theo phép ẩn dụ tu từ. Nhà thơ gọi Bác Hồ là mặt trời dựa trên mối quan hệ tương đồng giữa hai đối tượng được hình thành theo cảm nhận của nhà thơ. Đây không phải là hiện tượng phát triển nghĩa của từ – không phải là phương thức ẩn dụ. Bởi vì sự chuyển nghĩa của từ “mặt trời” trong câu thơ chỉ có tính chất lâm thời, nó không làm cho từ có thêm nghĩa mới, và không thể đưa vào để giải thích trong từ điển.
Bài tập 3:   Phân tích những cảm xúc của nhà thơ Viễn Phương trong đoạn thơ sau:
“… Bác nằm trong giấc ngủ bình y ên
        Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
      Mà sao nghe nhói ở trong tim…”
                                                         (Viếng lăng Bác)
*  Gợi ý:
   Yêu cầu chung:  Qua bài viết rèn luyện:
+  Kĩ năng cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học (một đoạn thơ ngắn).
+ Trình bày, sắp xếp bố cục bài viết một cách mạch lạc, chặt chẽ.
+  Khắc phục những sai sót về lối diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
1. Tác giả: Viễn Phương là một trong những cây bút xuất hiện sớm nhất của lực lượng Văn nghệ  giải phóng miền Nam. Thơ Viễn Phương thường nhỏ nhẹ, giàu tình cảm và chất mơ mộng ngay trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt ở chiến trường và quen thuộc với bạn đọc hồi kháng chiến chống Mĩ. Trong suốt thời kì đó, Viễn Phương hoạt động ở vùng ven Sài Gòn và chiến trường Nam Bộ.
2. Tác phẩm: Bài thơ “Viếng lăng Bác” được viết trong không khí xúc động của nhân dân ta lúc công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng bào  miền Nam có thể thực hiện mong ước được viếng Bác. Tác giả cũng ở trong số những đồng bào, chiến sĩ từ miền Nam sau giải phóng được ra viếng Bác.
3. Kết cấu bài thơ và vị trí đoạn thơ:
Bài thơ gọn (chỉ có 4 khổ, 16 dòng) kết hợp giữa miêu tả cảnh (cảnh lăng Bác) với biểu hiện cảm xúc, tâm trạng, bố cục theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác. Ngoại cảnh chỉ được miêu tả chấm phá vài nét. ở khổ thơ đầu nổi bật là hình ảnh hàng tre bên lăng; khổ thơ thứ hai là hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác; khổ thơ thứ ba chủ yếu nêu bật tâm trạng, cảm xúc của chủ thể trữ tình; khổ cuối diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãI bên lăng Bác. Đoạn thơ trên là khổ thơ thứ ba trong bài thơ Viếng lăng Bác.
4. Phân tích:
Khổ thơ diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào trong lăng. Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả rất đạt bằng hai câu thơ giản dị: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên / Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”.
- Câu thơ diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh dịu nhẹ, trong trẻ của không gian trong lăng Bác. Đồng thời, hình ảnh vầng trăng dịu hiền lại gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Bác và những vần thơ tràn đầy ánh trăng của Người.
Chú ý: Khai thác hai trạng thái dường như trái ngược mà vẫn thống nhất trong đoạn thơ: sự yên tĩnh, thanh thản, trang nghiêm trong lăng và nỗi niềm thương tiếc, xót đau của nhà thơ khi ở trong lăng. Lí trí thì nhận biết sự trường tồn của Bác đối với đất nước “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”, nhưng tình cảm thì không thể không đau xót vì sự mất mát lớn lao khi Bác đã ra đi “Mà sao nghe nhói ở trong tim!”.
- Tâm trạng xúc động của tác giả được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu xa: “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi / Mà sao nghe nhói ở trong tim!”.
Nghệ thuật:
- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp cả nình ảnh thực, hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng. Đặc sắc nhất là những hình ảnh ẩn dụ – biểu tượng (trời xanh, vầng trăng) vừa quen thuộc, gần gũi với hình ảnh thực, lại vừa sâu sắc có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm.
- Giọng điệu thơ trang trọng, tha thiết phù hợp với tâm trạng và cảm xúc.
- Lời thơ dung dị  mà cô đúc, giàu cảm xúc mà lắng đọng.
Bài tập 5:
a. Chép chính xác bốn câu đầu bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.
b. Viết đoạn văn khoảng 8 câu phân tích hình ảnh hàng tre trong khổ thơ trên, trong đoạn có câu văn dùng phần phụ chú (gạch chân phần phụ chú đó).
*Gợi ý:
a. Bốn câu thơ được chép như sau:
“…Con ở miền Nam ra thăm Bác
                   Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
             ÔI! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
               Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng...”
b. Đoạn văn có các ý:
- “Hàng tre bát ngát” trong sương là hình ảnh thực, hết sức thân thuộc của làng quê – hàng tre bên lăng Bác.
- “Hàng tre xanh xanh Việt Nam…” là ẩn dụ, biểu tượng của dân tộc với sức sống bền bỉ, kiên cường.
Hình ảnh ẩn dụ cũng gợi liên tưởng đến hình ảnh cả dân tộc bên Bác: đoàn kết, kiên cường thực hiện lí tưởng của Bác, của dân tộc.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay2,757
  • Tháng hiện tại96,305
  • Tổng lượt truy cập7,822,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây