HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH.

Thứ tư - 28/10/2020 18:32
I. KIẾN THỨC – KĨ NĂNG
Vẻ đẹp trong tính cách, tâm hồn, tình cảm của người lính cách mạng trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong thời kì kháng chiến chống Mỹ và trong thời bình qua ba bài thơ .
tải xuống (3)
tải xuống (3)
A. Bài thơ “ Đồng chí” của Chính Hữu :
1. Về tác giả :
 Ngoài những điều trong sách giáo khoa cung cấp, cần nhấn mạnh cho HS những điều sau để có định hướng cảm thụ và phân tích đúng với tác phẩm :
- Nhà thơ Chính Hữu lúc đó là chính trị viên đại đội, trực tiếp cùng đơn vị mình tham gia chiến đấu suốt chiến dịch. Bài thơ là kết quả của những trải nghiệm thực và những cảm xúc sâu xa, mạnh mẽ của tác giả với đồng đội trong chiến dịch Việt Bắc .
- Bài thơ “ Đồng chí” đã mở ra một khuynh hướng khác viết về quần chúng kháng chiến : Cảm hứng thơ hướng về chất thực của đời sống kháng chiến khai thác cái đẹp và chất thơ trong cái bình dị, bình thường, không nhấn mạnh cái phi thường.
2. Về tác phẩm :
  a. Kiến thức trọng tâm :
   Vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội thắm thiết sâu nặng của những người lính cách mạng và hình ảnh chân thực, giản dị mà cao đẹp của anh bộ đội trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
  b.  Cụ thể :
 b1. Vẻ đẹp của tình đống chí đồng đội :
+ Cơ sở của tính đồng chí ( Quê hương anh …….Đồng chí )
  • Sự tương đồng về cảnh ngộ : cùng cảnh ngộ, cùng giai cấp xuất thân từ những người nông dân nghèo.
  • Cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lí tưởng , sát cánh bên nhau trong chiến đấu.
  • Tính đống chí nảy nở và trở thành bền chặt trong sự chan hòa và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui .
- Về nghệ thuật : Chú ý khai thác cách sử dụng sáng tạo các thành ngữ “ Nước mặn đồng chua, đất cày nên sỏi đá” có tính gợi nhiều hơn tả, biện pháp ẩn dụ tượng trưng và cái thế bè đôi quấn quýt giữa “ anh” và “ tôi” trong ba câu thơ đầu,ý nghĩa của cách dùng từ “ đôi”, đặc biệt là câu thơ “ Đồng chí”
  • Câu thơ “ Đồng chí” là dòng thơ đặc biệt tạo thành một nốt nhấn, nó vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định về một tình cảm thiêng liêng và cao đẹp, kết tinh mọi tình cảm đẹp đẽ nhất của người lính mà khiến cho người đọc khi đọc đến đây phải dừng lại để cảm nhận thám thía về vẻ đẹp ấy. Đồng thời nó như cái bản lề khép lại đoạn đầu – cơ sở của tình đồng chí ; mở ra những biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí.
+ Biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí ( Ruộng nương anh ……..tay nắm lấy bàn tay).
  • Đồng chí là sự cảm thông sâu sắc tâm tư, nỗi niềm của nhau : những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa thầm kín của nhau. Họ ra đi với thái độ dứt khoát “mặc kệ” nhưng sâu xa trong lòng họ vẫn da diết nhớ quê hương.
  • Đồng chí là cùng nhau chi sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính.: Đó là một cuộc đói rét, thiếu thốn, bệnh tật…được tác giả miêu tả chân thực bằng những trải nghiệm của cuộc đời mình.
  • Người lính vẫn cười trong gian lao, vẫn lạc quan vượt qua bởi họ vẫn có hơi ấm, niềm vui và sức mạnh của tình đống chí “ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Một cái nắm tay họ truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh và niềm tin để vượt qua và chiến thắng.
- Nghệ thuật : Chú ý bình các chi tiết, hình ảnh cụ thể , chân thực ( biện pháp tả thực ); cấu trúc những câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau để diễn tả được sự gắn bó, chia sẻ. “ Anh” và “ Tôi” luôn đi với nhau , có khi cùng trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau.
+ Ba câu kết bài thơ “ Đêm nay …..trăng treo”
-Đây là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng độicủa người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ.Trong bức tranh, nổi lên trên nền cảnh rừng đêm giá rét là hình ảnh người lính “ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” Đó là hình ảnh cụ thể của tình đồng chí sát cánh bên nhau trong chiến đấu. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ có sức mạnh vượt lên tất cả và chiến đấu trong tư thế chủ động.
- Câu cuối cùng bài thơ  “ Đầu súng trăng treo” là đặc sắc nhất .Đó là hình ảnh thực mà chính bản thân tác giả đã nhận ra trong những đêm hành quân, phục kích giữa rừng khuya. Nhưng đó còn là một hình ảnh thơ độc đáo, mang ý nghĩa biểu tượng, có sức gợi nhiều liên tưởng phong phú, sâu xa. “ Súng” biểu tượng cho chiến tranh, cho hiện thực khốc liệt ; “ Trăng”biểu tượng cho vẻ đẹp yên bình, mơ mộng và lãng mạn.Súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, là chiến sĩ và thi sĩ… Đó là một biểu tượng đẹp về cuộc đời người lính : người chiến sĩ mang tâm hồn thi sĩ . Hình ảnh ấy là biểu tượng cho thơ ca kháng chiến – một nền thơ giàu chất hiện thực và dạt dào cảm hứng lãng mạn.
- Nghệ thuật : Tả thực, liên tưởng tưởng tượng, ẩn dụ tượng trưng và cảm hứng lãng mạn .

b2. Hình ảnh người lính :
    Đó là vẻ đẹp bình dị mà cao cả của anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với những nét tiêu biểu sau :
  • Đó là anh bộ đội xuất thân từ nông dân . Họ sẵn sàng bỏ lại những gì quí giá thân thiết của cuộc sống nơi làng quê để ra đi vì nghĩa lớn. Nhưng người lính nông dân ấy vẫn gắn bó, nặng lòng với làng quê thân yêu.
  • Những người lính cách mạng trải qua những gian lao, thiếu thốn tột cùng , đói rét , bệnh tật  Nhưng gian lao thiếu thốn càng làm nổi bật vẻ đẹp của anh bộ đội : sáng lên nụ cười của người lính.
  • Đẹp nhất ở họ là tình đồng chí đồng đội sâu sắc thắm thiết, thiêng liêng cao cả .
  • Kết tinh hình ảnh người lính và tình đồng chí của họ là bức tranh đặc sắc cuối bài thơ .
B . Bài : Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật
1. Tác giả
- Lưu ý thêm : Phạm Tiến Duật từng cầm súng chiến đấu và công tác trong đội ngũ những chiến sĩ vận tải dọc Trường Sơn, chở vũ khí quân trang từ hậu phương ra tiền tuyến . Niềm vui hăm hở của tuổi trẻ ra trận lúc bấy giờ như ánh sáng chói chang, như gió mát lồng lộng phả vào tâm hồn nhà thơ – chiến sĩ , khiến thơ Phạm Tiến Duật có một giọng điệu thật khỏe khoắn, tự nhiên,sôi nổi, trẻ trung, đầy sức sống, hồn nhiên hóm hỉnh rất tinh nghịch tươi vui mà giàu suy tưởng. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm tiêu biểu nhất của giọng thơ ấy, của hồn thơ ấy .
2. Tác phẩm :
Bài thơ đã sáng tạo một hình ảnh độc đáo – những chiếc xe không kính- qua đó làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe ở tuyến đường Trường Sơn hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung , sôi nổi , tinh nghịch đầy chất lính.
a. Hình ảnh những chiếc xe không kính
   - Đây là một hình ảnh độc đáo bởi thực mà rất lạ và hiếm gặp trong thơ văn .Xưa nay những hình ảnh, sự vật khi đưa vào trong thơ thường được “ mỹ lệ hóa” “ lãng mạn hóa” khiến nó đẹp hơn và thường mang ý nghĩa tượng trưng . Nhưng với Phạm tiến Duật thì khác, những chiếc xe không kính là một hình ảnh thực, thực đến trần trụi, móp méo tưởng chừng như biến dạng. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực. Hình ảnh chiếc xe không kính vốn không hiếm trong chiến tranh nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm với nét ngang tàng và tinh nghịch, thích cái lạ như Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa vào thơ thành hình tượng độc đáo .
- Hình ảnh những chiếc xe không kính là hình tượng độc đáo còn bởi bên trong cái trần trụi móp méo ấy là cả một bề dày về thành tích.
- Hình tượng độc đáo của những chiếc xe không kính đã làm nổi bật vẻ đẹp của các chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn .
- Nghệ thuật : Chú ý khai thác giọng điệu đậm chất văn xuôi, thản nhiên càng gây ra sự chú ý về vẻ khác lạ của chiếc xe, biện pháp nghệ thuật tả thực, điệp ngữ.
b. Vẻ đẹp của những người lính lái xe .
- Tư thế : “ Ung dung ……nhìn thẳng”
  Ung dung, hiên ngang, thoải mái đầy tự tin. Nhịp thơ cân đối 2/2/2 đó là sự thanh thản, bình tĩnh, tự tin của người lái. Xe không kính là sự thiếu thốn nhưng với người lính lại trờ thành là sự hưởng thụ.Cách điệp từ nhìn thể hiện một niềm sảng khoái bất tận. Tư thế nhìn thẳng còn là một sự chuyển đổi cảm giác . Đó là cái nhìn thẳng vào những khó khăn gian khổ để chấp nhận và vượt qua như một điều tất yếu .
  • Cảm giác : “ Nhìn thấy gió …..buồng lái”
Đó là những cảm giác rất thực, thực đến từng chi tiết khi xe chạy với tốc độ nhanh ở đoạn đường bằng phẳng cũng như đèo dốc . Không có kính ngưởi lái phải đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm, không chỉ mặt đất mà cả bầu trời với sao trời, cánh chim như cũng ùa vào buồng lái. Tác giả đã miêu tả chính xác các cảm giác mạnh và đột ngột của người lái xe. Cảm giác, ấn tượng căng thẳng đầy thử thách nhưng với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm các anh vẫn vững vàng, lạc quan , đầy chất lính. Với họ xe không kính lại là điều thuận lợi, con người có thể giao hòa, bầu bạn với thiên nhiên. Những cảm giác, ấn tượng thực nhưng qua cách cảm nhận của tác giả đã trở thành những hình ảnh lãng mạn. Con đường ở đây không chỉ con đường cho xe lao tới mà đó là con đường trong trái tim người lính mà đích đến là chiến trường Miền Nam ruột thịt.
  • Thái độ : “ Không có kính …..khô mau thôi”
Với giọng thơ ngang tàng và biện pháp lặp cấu trúc đã thể hiện thái độ bất cháp khó khăn, gia khổ, coi thường hiểm nguy . Niềm vui và tiếng cười của người lính trẻ sôi nổi tinh ngịch cứ vút lên giữa những gian khổ khắc nghiệt, giữa cả những nguy hiểm đang kề bên. Cấu trúc các câu thơ cân đối, nhịp nhàng , thanh điệu phối hợp khá linh hoạt : Bằng – trắc ; trắc bằng rồi lại bằng trắc và cuối đoạn là câu bảy tiếng, sáu thanh bằng ( Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi )gợi một cảm giác nhẹ nhõm, ung dung rất lạc quan thanh thản.Với những hình ảnh hóm hỉnh “ Phì phèo châm điếu thuốc, nhìn nhau cười ha ha ..”đã làm nổi bật thái độ ngang tàng coi thường hiểm nguy, chấp nhận gian khổ như một điều tất yếu, làm nổi bật cái nhìn rất lạc quan, rất lính
  • Tình cảm : “ Những chiếc xe …….trời xanh thêm”
Một nét đẹp nữa của người chiến sĩ lái xe chính là tình đồng chí đồng đội thật cảm động.Đó là tình cảm gắn bó chia sẻ ngọt bùi. Chỉ cần một cái bắt tay qua ô kính vỡ họ truyền cho nhau hơi ấm tình thương, truyền cho nhau sức mạnh nghị lực; chỉ cần chung một bữa cơm đạm bạc giữa rừng Trường Sơn họ trở thành người ruột thịt trong một gia đình. Chính tình cảm ấy đã tạo nên sức mạnh để họ lạc quan tiến về phía trước : Lại đi, lại đi trời xanh thêm” . Câu thơ với 5 thanh bằng và điệp ngữ “ lại đi” ,nhịp thơ 2/2/3 tạo âm điệu thanh thản, nhẹ nhàng gợi cảm giác chiếc xe cứ đều đều lăn bánh tiến về phía trước mà người lính thì với lòng tin sắt đá rằng họ càng đi càng tiến gần tới bầu trời hòa bình.
  • Ý chí, khát vọng giải phóng Miền Nam : “ Xe vẫn chạy …….có một trái tim”
Hai câu thơ là một sự lí giải bất ngờ nhưng rất hợp lí . Chiếc xe trần trụi, không kính, không đèn, không mui kia vẫn bon bon tiến vào Miền Nam chỉ cần trong xe có một trái tim người cầm lái đầy tình yêu đất nước, yêu Miền Nam ruột thịt.Sự đối lập giữa cái không về vật chất với cái có về tinh thần đã làm nổi bật vẻ đẹp của người lính. Hình ảnh hoán dụ “ trái tim” khẳng định : Nhân dân Miền Nam ruột thịt , đồng bào Miền Nam thân yêu luôn có trong trái tim người lính. Trái tim ấy là tình yêu là ý chí là khát vọng giải phóng Miền Nam mãnh liệt , là niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Trái tim ấy là vẻ đẹp rực rỡ của tâm hồn người lính. Người lính ấy là vẻ đẹp tiêu biểu của thế hể trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
- Vẻ đẹp của người lính lái xe là sự kế thừa, phát huy những nét đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong thời kì chống Pháp .
C . Bài thơ “ Ánh trăng” của Nguyễn Duy :     
1. Tác giả
 Lưu ý thêm : Nguyễn Duy viết bài thơ lúc cuộc kháng chiến khép lại được ba năm. Ba năm sống trong hòa bình giữa những tiện nghi hiện đại, không phải ai cũng còn nhớ những gian khổ và kỉ niệm nghĩa tình trong quá khứ. Nguyễn Duy viết ánh trăng như một lời tâm sự, một lời nhắn nhủ chân tình với chính mình, với mọi người về lẽ sống thủy chung, nghĩa tình.
2. Tác phẩm
  Bài thơ trước hết là tiếng lòng, là sự suy nghẫm của riêng nguyễn Duy nhưng ý nghĩa bài thơ lại không chỉ có thế. Nhà thơ đứng giã hôm nay mà nhìn ngẫm lại thời đã qua và từ tâm trạng riêng , tiếng thơ ông như một lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở. Bài thơ không chỉ là chuyện thái độ đối với những hy sinh, mất mát của thời chiến tranh khi được sống trong hòa bình mà còn là chuyện tình cảm nhớ về cội nguồn, nhớ về những người đã khuất, còn là lời nhắc nhở mỗi con người về lẽ sống chung thủy, nghĩa tình.
  Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ là một hình tượng đa nghĩa .
a. Trước hết, vầng trăng là một hình ảnh của thiên nhiên khoáng đạt, hồn nhiên, tươi mát .
“ Hồi nhỏ …. Như là sông là rừng.”
- Vầng trăng hiện ra trong không gian của đồng, sông bể- một vùng không gian quen thuộc của tuổi ấu thơ, nó cứ mở rộng dần ra cùng với thời gian lớn lên của đứa trẻ . Cách điệp từ với mở ra một không gian bao la, thoáng đãng, trong trẻo, thanh bình; diễn tả một nỗi niềm sung sướng đến hả hê được chan hòa, ngụp lặn trong cái mát lành của quê hương như dòng sữa ngọt . Như vậy, trong tuổi thơ trăng là người bạn tâm giao.
- Khi lớn lên vầng trăng đối với người cầm súng ở trong rừng đã thay thế cho tất cả, cả đồng, sông, biển để trở thành một người bạn đồng hành, thành “ vầng trăng tri kỉ”. Trăng là người bạn chiến đấu, người bạn đồng cam cộng khổ với con người.
- Mối quan hệ giữa con người với vầng trăng chân thật, mộc mạc, giản dị, hồn nhiên, vốn có như thiên nhiên, cây cỏ vậy.Hai câu thơ khá hay khi nhà thơ so sánh sự ngang hàng của sự tri ân giữa hồn người với cây cỏ. Con người đã gọi vầng trăng một cách thân thiết “ Cái vầng trăng tình nghĩa”. Biện pháp nhân hóa diễn tả sự gần gũi, thân thiết của con người vầng trăng.
-  Cách sử dụng từ “ ngỡ” như dự báo một điều không tốt về mối quan hệ giữa con người với vầng trăng, biến hai câu cuối thành chiếc cầu nối ngôn từ, vừa khép lại vừa mở ra, tạo nên sức bật cho khổ thơ tiếp theo
- Hoàn cảnh sống của con người thay đổi . Đó là một cuộc sống đầy đủ , tiện nghi hơn với ánh điện cửa gương . Sự biến đổi về kinh tế cũng kéo theo sự thay lòng đổi dạ . Vầng trăng vẫn còn đó nhưng không còn nguyên vẹn nghĩa tình như ngày xưa mà chỉ như người dưng qua đường, tình cảm con người đâu còn son sắt thủy chung . Biện pháp so sánh cùng với cách dùng từ “ người dưng” khiến cho câu thơ nghe thật nhức nhối, xót xa, bởi sự phản bội ở đây không chỉ với lịch sử , với thiên nhiên mà còn với chính bản thân mình nữa.
- Sự xuất hiện trở lại của vầng trăng thật đột ngột, ở vào một tâm thế không ngờ. “Vội, bật, tung”ba động từ mạnh đặt liền kề diễn tả một sự khẩn khoản, bức thiết, vội vàng . Vầng trăng xuất hiện thật đúng lúc và vẫn và vẫn đầy đặn, nguyên vẹn, trang trọng và thủy chung như xưa.
- Đột ngột và bất ngờ như thế trăng đã làm sáng lên góc tối ở con người , thức dậy trong tâm trí con người bao cảm xúc.Trăng lãng du và con người lãng quên đã gặp nhau trong một phút tình cờ.Tư thế ở đây là tư thế đối mặt : mặt người và mặt trăng - khuôn mặt của hai linh hồn sống .Vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí con người những kỉ niệm hồn nhiên của tuổi nhỏ, những năm tháng gian lao, những hình ảnh của thiên nhiên, của quê hương đất nước bình dị, hiền hậu.
- Cảm xúc thiết tha, có phần thành kính ở tư thế lặng im. Một nỗi xúc động đến không nói được bằng lời , một tình cảm chừng như nén lại nhưng nó cứ trào ra đến thổn thức, đến xót xa. Trăng thì cứ vô tư phóng khoáng, độ lương mà con người thì phụ tình phụ nghĩa.Vầng trăng một lần nữa như gợi lên bao cái “còn” mà con người tưởng như đã mất. Nhịp thơ hối hả, dâng trào khi trăng đã trả lại cho con người tất cả : Những kỉ niệm, những tình cảm cao đẹp trong quá khứ và nhất là tình người, một tình người dạt dào.
b. Ý nghĩa biểu tương của hình ảnh vầng trăng : ( khổ thơ cuối )
-  “Trăng cứ tròn vành vạnh”. Đó là biểu tượng cho quá khứ đẹp đẽ thì luôn tròn đầy bất diệt .Phép nhân hóa khiến hình ảnh vầng trăng hiện ra như một con người cụ thể, một người bạn, một nhân chứng rất nghĩa tình nhưng cũng rất nghiêm khắc đang nhắc nhở con người . Trong khổ thơ biện pháp đối lập được sử dụng rất đặc sắc . Đó là sự đối lập giữa cái tròn vành vạnh của vầng trăng với cái vô tình, lãng quên của con người ; giữa cái im phăng phắc của vầng trăng và cái giật mình của con người. Đặt sự viên mãn, đầy đặn, thủy chung, nhân hậu của vầng trăng bên cạnh sự lãng quên, vô tình của con người khiến con người day dứt hối hận, giật mình thức tỉnh. Cái “ giật mình” cuối bài thơ là cái giật mình nhân bản, là sự thức tỉnh của lương tri con người .
- Ánh trăng đã trở thành ánh sáng của lương tri soi rọi vào góc khuất tối nhất của con người, biến con người trở thành một nhân vật tư tưởng đáng trân trọng. Con người có sự thức tỉnh về lương tâm để nhìn nhận lại lối sống, cách sống của bản thân.
- Ánh trăng không chỉ là chuyện của riêng nhà thơ, chuyện của một người mà cò ý nghĩa với cả một thế hệ : Thế hệ từng trải qua những năm tháng dài gian khổ của chiến tranh, từng gắn bó với thiên nhiên, sống với nhân dân tình nghĩa, giờ được sống trong hòa bình, được tiếp xúc với nhiều tiện nghi hiện đại . Bài thơ có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thời bởi nó đặt ra vấn đề thái độ đối với quá khứ, với những người đã khuất và cả đối với chính mình.
- Bài thơ từ một câu chuyện riêng cất lên như một sự trăn trở, suy ngẫm của người lính đã đi qua cuộc chiến tranh nay sống trong hòa bình tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.Đó chính là nét đẹp của người lính trong bài thơ “ ánh trăng”.
II.CÁC TRƯỜNG HỢP VẬN DỤNG KIẾN THỨC – KĨ NĂNG:
  Về chủ đề người lính và ba bài thơ trên có thể có một số hình thức kiểm tra kiến thức, kĩ năng như sau :
  1. Hình ảnh người lính qua ba bài thơ .
Định hướng: 
  • Điểm chung : Vẻ đẹp trong tâm hồn tính cách của người lính cách mạng như lòng yêu quê hương đất nước, yêu tổ quốc, sẵn sàng hi sinh vì đất nước, tinh thần dũng cảm, lạc quan vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó….
  • Điểm riêng : Mỗi người lính trong từng bài thơ có những nét đẹp riêng và đặt trong những hoàn cảnh khác nhau :
+ Đồng chí viết về người lính trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là những người lính xuất thân từ nông dân ở những làng quê nghèo khổ, tình nguyện, hăng hái ra đi chiến đấu. Tình đồng chí đồng đội của họ dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ, cùng chia sẻ những gian lao thiếu thốn và cùng chung mục đích lí tưởng chiến đấu. Tình đồng chí đồng đội là vẻ đẹp nổi bật của họ.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính viết về những người chiến sỹ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ. Họ là những người lính dũng cảm, lạc quan yêu đời, hiên ngang, bất chấp khó khăn nguy hiểm có ý chí khát vọng giải phóng Miền Nam cháy bỏng .Đó là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ .
+ Ánh trăng là sự trăn trở, suy ngẫm của người lính đã đi qua cuộc chiến tranh nay sống trong hòa bình tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Đó chính là nét đẹp của người lính thời bình .
  1. Cảm nhận, suy nghĩ về một số chi tiết, hình ảnh thơ
  • Suy nghĩ về tình đồng chí đồng đội của người lính cách mạng.
  • Cảm nhận về hình ảnh “ Đầu súng trăng treo”.
  • Ý nghỉa của nhan đề “ Ánh trăng”.
  • ……
 Định hướng : Như phần kiến thức đã trình bày trong từng bài thơ. 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global video
Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay4,923
  • Tháng hiện tại83,575
  • Tổng lượt truy cập8,400,353
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây